ĐÌNH TÂN LÂN

Đình Tân Lân toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền nhìn ra dòng sông Đồng Nai. Xưa kia đình thuộc thôn Tân Lân (Xóm Mới), huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên; nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Đình Tân Lân  được lập vào năm 1820. Ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ trong khu vực thành cổ Biên Hòa. Tới năm 1906, khi giặc Pháp vào chiếm thành Biên Hòa làm căn cứ, đền được dời về gần bờ sông Đồng Nai, ở vị trí hiện nay. Đến năm 1935, đền được xây dựng mới kiên cố và đặt tên là Tân Lân thành cổ miếu (gọi tắt là đình Tân Lân )



Đình thờ đức ông Trần Thượng Xuyên là một danh tướng nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi triều Minh sụp đổ, ngài theo phong trào “bài Mãn phục Minh” nhưng thất bại. Sau đó ngài đã đem theo hơn 3000 quân thân tín cùng toàn bộ gia quyến vào Đại Việt xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa hiền – Nguyễn Phúc Tấn (1648 – 1687) chấp nhận và chuẩn y cho ông vào khai khẩn vùng đất xứ Đồng Nai.
Trần Thượng Xuyên đã đưa toàn bộ lực lượng vào định cư tại vùng Nông Nại Đại Phố. Cùng với nhóm người Việt đến trước khai khẩn vùng đất màu mỡ này. Với tài tổ chức tuyệt vời của ông, đã biến vùng đất Đồng Nai hoang sơ thành trung tâm kinh tế thương mại sầm uất. Cù Lao Phố và các vùng phụ cận, hàng hóa phong phú, thương cảng thuận tiện thu hút đông đảo thương nhân lái buôn trong và ngoài nước tới trao đổi, mua bán. Trần Thượng Xuyên là người có công lớn trong việc khai khẩn, tạo dựng vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và cả khu Sài Gòn – Chợ Lớn sau này. Bên cạnh đó, ông còn là dũng tướng tài ba, có tài thao lược dùng binh. Ông đã giúp chúa Nguyễn dẹp loạn, mở mang bờ cõi nước Việt.

Tượng thờ ông Trần Thượng Xuyên. Với những công lao xây dựng xứ Biên Hòa, ông Trần Thượng Xuyên được người dân trong vùng tôn làm Thành hoàng của làng xã.

Đình Tân Lân toạ lạc nơi khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, trên một nền cao 60 cm bằng đá xanh, lát gạch bông (20cm X 20 cm), với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Quốc. Mặt đình được kiến trúc theo kiểu chữ tam (三), lợp ngói âm dương, trên nóc chính điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng. Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ...

Phần Chánh điện chiếm diện tích 487,5m2 với những hàng cột gỗ lim to lớn. Tượng ông Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng giữa chánh điện.
Toàn bộ khung kiến trúc chánh điện được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn đầu rái đảm bảo độ bền vững cao. Phối thờ trong chánh điện là các ban thờ Tả ban và Hữu ban, Thái Giám, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền.

Hữu ban


Tả ban

Bàn thờ ông Trần Thượng Xuyên nơi chính điện.



Nơi đây có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng... bằng đồng đứng chầu, cùng bộ bát bửu cũng bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm.

Theo ông từ trông đền ngày hôm đó, thì đây chính là di ảnh của vua Minh Mạng được mang về từ HongKong.??? (Nhưng chưa thấy tài liệu nào chứng mình chuyện này là đúng)
Nhờ bác Toro và bác Phạm Ngọc Hiệp giúp đỡ thì đây là bức chân dung của "Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế", tức là Chu Nguyên Chương, vua khởi đầu nhà Minh bên Tàu.
Kiệu dùng để rước sắc ông ông dịp Lễ hội Kỳ Yên hằng năm.


Phần hành lang trước Chánh điện.

Phần Tiền đình có diện tích 75,5m2. Trên nóc trang trí hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động như: Bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, diễn võ đài, cảnh bái triều rước xách, tiễn đưa, diễn hí tấu nhạc, vinh qui bái tổ, xét xử tội nhân nơi địa ngục, hội triều nơi thiên đình...Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn.

Những bức tượng rất tuyệt với những sắc thái khác nhau của từng nhân vật.















Trong phạm vi của đình còn có Miều thờ ngũ hành.


Kỳ đài nằm bên kia đường, sát bờ sông.


Bia ghi công ông Trần Thượng Xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển Cù lao phố - Biên Hòa ngày nay.
Hằng năm, tại đình Tân Lân, lễ Kỳ yên được tổ chức long trọng vào ngày 23 tháng 10 âm lịch.

Bố susu
08-2013
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét