Ngay sau câu chuyện bầu bì bị câu lưu để điều tra, ông thủ tướng họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng với tư cách đứng đầu tổ chức này. Sự kiện trên làm cho cả báo nước ngoài và một số người dân bàn tán xôn xao rằng, tại sao ở nghị quyết trung ương đảng lần thứ 5 khóa XI đã có sự thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trực thuộc bộ chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng bí thư đảng, mà bây giờ thủ tướng vẫn còn nắm cái ban chỉ đạo này?
Từ những sự kiện trên, nhiều người giàu trí tưởng tượng nghĩ ra những đấu đá về phe phái chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, hòng bôi nhọ cá nhân cụ thể và làm cho cộng đồng người Việt ít hiểu biết luật bán tín, bán nghi. Và lắm những lời bàn kiểu theo thuyết âm mưu về tình hình bất ổn chính trị ở Việt Nam. Đó là hậu quả của một tư duy văn hóa duy tình, cảm tính và chủ quan, khi nhìn một vấn đề lớn của xã hội.
Ngày 29 tháng Mười Một năm 2005, ông cựu chủ tịch Nguyễn Văn An đã ký Luật phòng chống tham nhũng của nước CHXHCN Việt Nam, số 55/2005 QH11, với 8 chương và 92 điều quy định rõ ràng. Trong đó, điều 73, mục 1, chương năm quy định rõ ràng như sau:
Điều 73. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng1. Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Giúp việc cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy là rất rõ ràng, nếu muốn nghị quyết trung ương đảng lần 5 khóa XI vừa rồi được thực thi đúng luật pháp quốc gia về vấn đề ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, thì phải đợi cuộc họp quốc hội đưa ra và đồng thuận về sửa lại luật đã ký ngày 29/11/2005. Nếu ông tổng bí thư đứng chỉ đạo điều hành ban này khi chưa được quốc hội thông qua thì là phạm luật.
Nên việc thủ tướng vẫn chủ trì và đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ngày 22/8/2012 vừa qua là đúng luật. Không có gì phải bàn tán xôn xao. Ngay cả trong cuộc họp này thủ tướng còn đưa vấn đề phải tìm bắt cho được ông cựu cục trưởng cục hàng hải họ Dương.
Vấn đề quan trọng là, sau vụ tuyên bố của thủ tướng là phải quyết liệt với tham nhũng và xử lý nghiêm vụ việc ông bầu Kiên dù đó là bất kỳ ai, thì liệu cái nghị quyết trung ương đảng lần 5 vừa qua về việc ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có bị phá sản không? Đây là vấn đề cần theo dõi và có cái nhìn duy lý bằng sự kiện đúng với những gì nó có.
Với những sự kiện lớn của đất nước, một phương pháp luận khoa học và khách quan cần để phân tích. Không nên nhìn cái nhìn cảm tính và duy tình sẽ dẫn vấn đề đi lệch hướng và sai lầm.
Bao giờ cũng vậy, từ thực tế khách quan đi vào tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đem ra áp dụng thực tế khách quan. Đó là con đường nhận thức chân lý, chân lý khách quan.
Asia Clinic, 16h24' ngày thứ Sáu, 24/8/2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét