LẤP SÔNG ĐỒNG NAI LÀ TOÀN THỊNH PHÁT TỰ LẤP MÌNH

Bài đọc liên quan:
+ 300 năm xây và 30 năm phá

Toàn cảnh sông Đồng Nai nhìn từ máy bay - Ảnh của Người Đưa Tin.

Dẫn nhập

Tôi sống ở Sài Gòn từ năm 1983 đến nay đã 32 năm. Từ đó đến cuối thập niên 1990 Sài Gòn không bao giờ bị ngập do thủy triều hay do mưa lớn. Sáu năm trước - năm 2009 - tôi viết bài: 300 năm xây và 30 năm phá là để cho chính quyền Sài Gòn thấy rằng, khi họ làm dự án khu đô thị phía Nam Sài Gòn, lấp đầm hồ, ao để xây khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thì mới gây ra cảnh ngập lụt thành phố Sài Gòn. Mặc dù sau đó, Sài Gòn đã có cái dự án cấp thoát nước hàng chục ngàn tỷ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nhưng vẫn ngập vào mùa mưa.

Quy luật cân bằng của tạo hóa là ở chỗ này. Cho nên, xưa ông bà ta khi xây một căn nhà thì đào ao lấy đất làm nhà, và ao làm nơi chăn nuôi, trồng trọt, chứ không ai đi lấp ao, đầm hồ để tạo ra đất bán ăn, để rồi thiếu nơi chứa nước, và hậu quả gọi là "biến đổi khí hậu" gây ra "triều cường" ngập lụt thành phố.

Cảnh hủy hoại môi trường, ngập lụt này bây giờ không chỉ ở Sài Gòn, mà còn ở hầu hết các thành phố trong cả nước. Hà Nội, Quy Nhơn, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, etc khi mùa mưa đến. Nó là hậu quả của bài toán kinh tế học theo Trung Hoa: Đổi quỹ  tài nguyên đất đai làm cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách giả tạo, thông qua đầu tư, và đầu cơ kinh doanh bất động sản.

Trong cơn khủng hoảng kinh tế nước nhà từ năm 2008 đến nay do bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp lâm vào nợ xấu, do kinh doanh ngoài ngành, như EVN, PVN, và các ngân hàng thương mại cổ phần đều khốn đốn. Nhưng Tòan Thịnh Phát lại nghĩ ra sáng kiến lấp sông Đồng Nai để xây khu đô thị ven sông phục vụ cho kinh doanh bất động sản có thể thành công hơn là xây dựng ở những nơi nằm trong đất liền, khó bán buôn.

Dự án của Tòan Thịnh Phát là một sai lầm cơ bản

Ảnh 1: Googloe Earth khu vực lấp sông Đồng Nai được đánh dấu(hãy click chuột vào hình để phóng t hình ra sẽ xem rõ hơn)

Hãy nhìn ảnh 1, chúng ta thấy những đặc điểm sau đây cho thấy dự án lấp đất ở khu vực được khoanh vòng tròn đỏ trên là một sai lầm về mặt khoa học. Nó sẽ gây hậu quả không tránh khỏi là, khu đất này sẽ bị nước sông Đồng Nai thổi trôi chỉ trong vài mùa mưa lũ. Tại sao tôi chắc chắn thế? Ví:

Thứ nhất, thượng nguồn sông Đồng Nai ở phía hướng về hướng trước khi tạo ra ngả ba sông và doi đất Cù Lao Phố. Nước thượng nguồn sẽ đổ từ trên rồi đi qua khu vực lấp sông của Tòan Thịnh Phát, rồi mới đến chỗ chia làm ngả ba sông. Ngả ba này gồm một ngả có cây cầu Ghềnh rộng hơn, và một ngả có cầu Hiệp Hòa, hẹp hơn. Doi đất có cái mũi như hình tam giác nhô ra tại ngả ba là Cù Lao Phố.

Vị trí lấp đất để làm khu đô thị ven sông Đồng Nai của Tòan Thịnh Phát là vị trí lõm vào của dòng sông Đồng Nai bị uốn quanh trước khi đến ngả ba sông. (Xem thêm ảnh 2&3)

Ảnh 2 và 3: Phần lõm vào của khu vực lấp sông và nhánh sông đi qua cầu Hiệp Hòa ôm lấy Cù Lao Phố, sau đó hợp long với nhánh chính đổ ra biển(hãy click chuột vào hình để phóng t hình ra sẽ xem rõ hơn)

Thứ hai, không phải ngẫu nhiên sau hàng triệu năm mà sông lại có hình dáng của những khúc quanh. Sông luôn có những khúc quanh, là do bên lở bên bồi do địa hình đáy sông và lòng sông, mà nước chảy siết ở một bên, và lặng lờ ở một bên, khi nước lớn hay nước ròng.

Phần lõm, ông bà mình bảo là bên lở; phần lồi, của khúc quanh ông bà mình bảo là bên bồi đắp. Nước luôn chảy chảy siết ở phần lõm - bên lở. Và ngược lại, nước chảy lặng lờ, không có sóng đánh vào bờ ở bên bồi. Đó là do đáy sông nông ở bên bồi, và sâu ở bên lở. Nó là nguyên nhân để tạo ra những khúc quanh của dòng sông.

Sự hình thành những khúc quanh này không phải chỉ tùy thuộc vào đáy sông, dòng chảy và tác động thủy động lực học của dòng chảy, mà còn phụ thuộc vào cơ học đất của 2 bờ. Dĩ nhiên, bờ lở lúc nào cũng yếu hơn bờ bồi.

Khu đất mà, Tòan Thịnh Phát lấp sông là khu đất thuộc bên lở. Nó sẽ bị dòng sông xói mòn và tác động lực thủy động lực học mạnh nhất vào đây.

Nước chảy thì đá cũng mòn, nhưng nước lũ thì núi cũng bay. Thế thì khu đất mà Tòan Thịnh Phát lấp sông để tạo thành, không chóng thì chày cũng bị nước lũ sông Đồng Nai cuốn trôi.

Thứ ba, thượng nguồn sông Đồng Nai có đập thủy điện lớn nhất phía Nam - Đập thủy điện Trị An. Cứ mỗi mùa mưa đến, đập này xả lũ. Mặc dù đập này đã được Pháp khảo sát thiết kế từ thời Pháp thuộc rất an toàn trong việc điều hòa lượng nước hạ nguồn. Nhưng với tình trạng phá rừng, như vụ việc chính phủ phải hủy bỏ dự án đập thủy điện 6, 6A cũng của tỉnh Đồng Nai hồi cuối tháng 9 năm 2013, cho thấy sẽ thiếu rừng thượng nguồn giữ nước khi mùa mưa đến.

Trong âm nhạc câu: "bên lở bên bồi" của dòng sông cũng được ghi nhận

Nhưng dù có không lở, không bồi thì liệu việc lấn sông nhân tạo của Toàn Thịnh Phát có đủ khả năng về mặt kỹ thuật, công nghệ để giữ được đất qua vài mùa mưa lũ của sông Đồng Nai không? Vì lòng sông Đồng Nai có từ khi khai sơn lập địa của trái đất, chứ không phải mới có hôm nay mà dễ dàng muốn là lấp.

Hậu quả nắn dòng này sẽ đẩy dòng chảy của nước thúc thẳng vào mũi Cù Lao Phố trong tương lai. Ở Cù Lao Phố đã từng có mộ phần, và giờ là miếu thờ của Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh - một tướng công đầu mở cõi làm ra miền Nam hơn 300 năm trước - là vùng đất của di tích quốc gia. Liệu nó sẽ ra sao?

Thế thì, liệu khu đất mà Tòan Thịnh Phát có đáng để dân chúng bỏ tiền ra mua mà sống yên ổn với những trận lũ lụt do sông Đồng Nai gây ra khi mùa mưa lũ đến?

Hình thực địa vụ lấp sông Đồng Nai đến ngày 26/3/2015 của Báo Tuổi Trẻ(Click chuột vào để cho hình lớn và rõ hơn)

Luận

Đất nước ta trong 25 năm năm cởi trói với chiến lược phát triển kinh tế của Trung Hoa: đổi tài nguyên, đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm phát triển kinh tế, chỉ là một chiến lược kinh tế ăn xổi ở thì, không có tính bền vũng dài lâu. 

Bây giờ, tài nguyên đã cạn, môi trường đã hủy hoại, nhưng chặt cây trăm tuổi ở Hà Nội, khác nào tự đâm vào lá phổi của dân Hà Nội? Lại còn lấp sông để làm ra đất kinh doanh, thì khác nào tự hủy hoại nguồn nước nuôi sống cả 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn?

Đây là 2 clips lũ quét Lai Châu vào tháng 6/2014, ở Việt Nam mình vùng núi phía Bắc đã từng xảy ra khoảng 10 năm nay, vào mùa mưa. Tương lai sẽ còn xảy ra ở khắp mọi miền đất nước với cách bán tài nguyên môi trường như hiện nay để kiếm ăn?

Tài nguyên to lớn nhất của một quốc gia là con người - như tôi đã từng viết đầu năm nay. Quốc gia nào có lãnh đạo biết nâng sức sáng tạo của con người đến tối ưu, thì đất nước ấy sẽ là cường quốc, dù ít dân hơn ta một nửa như Hàn Quốc. Còn quốc gia nào chỉ biết bán của để dành của tổ tiên thì mãi là một quốc gia chậm tiến, ngay cả Trung Hoa có đến 1,4 tỷ dân, tổng sản lượng kinh tế quốc dân thứ hai thế giới, nhưng ông Lý Khắc Cường phải công nhận hôm 16/3/2015 rằng, ''Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển theo mọi nghĩa của từ này."

Kết

Quyết định chặt cây vì tiền tài trợ của Hà Nội lên đến 73 tỷ đồng là một sai lầm cho thấy khả năng và tầm nhìn của lạnh đạo một thủ đô đất nước quá kém, nhưng chính họ đã phải dừng lại trước áp lực và sự hiểu biết của nhân dân.

Liệu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có thấy được sai sót và kém tầm nhìn của mình trong việc cho phép dự án lấp sông bán đất của Tòan Thịnh Phát, và cho dừng dự án như lãnh đạo Hà Nội hay không?

Nếu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vì một lý do khó nói nào đó, vẫn chưa thấy sai sót, thì liệu thủ tướng chính phủ Việt Nam có quyết định ngưng dự án sai lầm, nguy hiểm này của Tòan Thịnh Phát và của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, như đã từng quyết định sáng suốt buộc phải dừng dự án thủy điện 6 và 6A trước đây cũng của tỉnh Đồng Nai gây ra không?

Tại sao không làm bờ kè dọc theo sông Đồng Nai và con đường Cách Mạng Tháng Tám dọc sông Đồng Nai như đại lộ Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn, mà phải làm khu đô thị bằng cách lấp sông, mới gọi là tạo vẻ đẹp cảnh quang đô thị?

Asia Clinic, 15h15' Chúa Nhựt, 22/3/2015
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét