GỐC RỄ CỦA SUY ĐỒI VĂN HÓA GIÁO DỤC

Cách đây  68 năm, một đề cương văn hóa được một nhà cách mạng lão thành có xuất thân là một nhà thơ làm chính trị, viết ra cho cuộc cách mạng dân tộc. Hai năm sau đó, 1945, đề cương văn hóa này được thông qua. Đề cương này được một ông nhà thơ khác thi hành. Tám năm trước đây, ông cựu trưởng ban tư tưởng trung ương - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cũng lại là một nhà thơ - khẳng định lại tầm vóc tư tưởng của nó, dưới quan điểm của người cộng sản về văn hóa tư tưởng là, đảng cộng sản phải lãnh đạo văn hóa tiên phong.

Từ ngày đề cương văn hóa được thông qua, nó đã đem lại sự thành công của cuộc trường kỳ kháng chiến thống nhất đất nước. Phải ghi nhận sự nhất quán và đúng đắn của nó thời súng đạn, tắm máu để đất nước không còn chia cắt.

Nhưng cái mà hôm qua đúng, không có nghĩa là hôm nay còn đúng. Điều đó đã được chứng minh bằng thực tế khách quan của tình hình giáo dục, truyền thông đại chúng Việt Nam sau hơn 36 năm thống nhất. Với tư tưởng lãnh đạo văn hóa của đảng tiên phong, văn hóa Việt suy đồi, giáo dục xuống cấp, tha hóa tràn lan và là động lực thúc đẩy sụp đổ tất cả mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế nước nhà.

Một dân tộc có lớn hay không lớn là do văn hóa quyết định. Dân tộc có trường tồn hay không là bản sắc văn hóa dân tộc ấy có còn không, chứ không phải dân tộc ấy có còn tồn tại hay không. Một đất nước có muốn chuyển mình tốt hay xấu tư tưởng văn hóa cũng là tiên quyết. Vì muốn có cách mạng xã hội thì cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng phải đi trước một bước. Tư tưởng mà không thông, văn hoá mà không chuẩn thì hành động chỉ xằng bậy, đẩy bản thân, gia đình, đất nước và dân tộc đến vực thẳm.

Trên quan điểm lý luận triết học, sự lãnh đạo văn hóa tư tưởng do một hình thái chính trị xã hội đơn nguyên là sai quy luật mâu thuẩn của mâu thuẩn, vì không có đối lập về tư tưởng. Nên việc suy đồi văn hóa, giáo dục và tha hóa dẫn đến sụp đổ tất cả mọi ngành trong xã hội là điều tất nhiên.

Đã hơn 36 năm trong hòa bình, nhưng văn hóa tư tưởng vẫn cứ khư khư giữ cái đề cương cách đây hơn nửa thế kỷ. Một đề cương của thời chiến lạc hậu với thời đại mới. Từ đó làm cho báo chí truyền thông không còn đất viết, chỉ còn cướp giết hiếp và lấn sân những lĩnh vực khoa học chuyên sâu, mà không có kiến thức để làm xã hội ngày càng suy đồi. Giáo dục như chiếc vòng kim cô đặt lên đầu của mọi thế hệ. Nó làm các thế hệ không biết tư duy. Sáng tạo không tìm thấy ở nhà khoa học, mà chỉ thấy nhà khoa học đi làm điều sai trái. Còn nông dân thì lại là những nhà sáng tạo vì chén cơm manh áo của mình.

Như vậy có cần xem lại, tu bổ và đổi mới cái đề cương văn hóa của nhà thơ bằng cái đề cương văn hóa của các nhà khoa học thực sự không? Ngày nhà giáo ở một đất nước mà văn hóa, giáo dục, kinh tế và chính trị đang xuống cấp tồi tệ không biết viết gì, thôi thì viết về cái gốc của mọi gốc rễ làm đất nước dân tộc suy đồi vậy.

Tư gia, 5h29' ngày Chúa nhựt 20/11/2011
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét