Đúng 22 năm mình trở lại Cambodia, một đất nước có một lịch sử và văn hóa bi hùng và phế tích với một dân tộc hiền hòa đến mông muội và là một cựu Đế chế hùng cường, nằm trong số 10 Đế chế lớn nhất trong lịch sử của nhân loại.
Bi kịch và số phận đã đẩy đưa Cambodia - một trong 3 quốc gia thành viên thuộc địa Đông Dương của Pháp: Việt Nam, Lào và Cambodia - đã trở thành quốc gia duy nhất có nền chính trị Quân chủ lập hiến. Có nghĩa là, ở đây hình thái chính trị lại giống với Vương quốc Anh, mà không giống với nền chính trị Cộng Hòa của cựu mẫu quốc Pháp.
Quân chủ lập hiến là một nền chính trị mà ở đó, gia đình hoàng tộc không tham gia vào chính trị. Họ chỉ là biểu tượng của đất nước dùng để làm công việc lễ tân cho cả nội vụ và ngoại giao khi chính phủ cần. Chính phủ là tổ chức điều hành chính của quốc gia, đứng đầu là thủ tướng, dựa trên một nền chính trị đa nguyên tranh cử của nhiều đảng phái khác nhau, với tam quyền phân lập. Ai đã từng đến Cambodia cách đây 20 năm sẽ thấy đất nước bi hùng này thay da đổi thịt rất nhiều đến ngỡ ngàng.
Từ chỉ còn khoảng 1,3 triệu dân sau cuộc tàn sát của đảng cộng sản Khmer Đỏ vào giữa cuối thập niên 1970s của thế kỷ trước, ngày nay dân số Cambodia đã đạt con số khoảng 15 triệu với 30% là Hoa kiều, 20% là Việt kiều và 50% còn lại là người Khmer và các dân tộc khác. Đảng cộng sản Khmer Đỏ đã giết hầu hết tầng lớp tinh hoa và giới nhà giàu của dân tộc Khmer. Hầu hết người dân Khmer chính gốc là tầng lớp nhân dân lao động, hiền lành, chất phát như đất. Nền kinh tế của Cambodia phồn thịnh hiện nay hầu như nằm trong số 50% Hoa kiều và Việt kiều đang sinh sống trên đất nước Cambodia. Có lẽ, chính điều này sẽ là một tín hiệu không lành cho dân tộc Khmer trong vài thế kỷ tới.
Người ta thấy rằng, ở đâu mà các chính khách sử dụng thần quyền đến tột đỉnh của nghệ thuật chính trị - là nghệ thuật của sự có thể - thì ở đấy người dân rất dễ sai bảo, và bạo chúa có thể làm nên những kỳ tích để đời cho nhân loại, hoặc chính khách cũng có thể xúi giục dân chúng tắm máu vì ngai vàng của họ. Cambodia là một quốc gia có một tầng lớp chính khách và nhân dân như thế. Angkor Vat và Angkor Thum là 2 phế tích còn sót lại của một đế chế kiêu hùng làm minh chứng cho điều này. Công cuộc diệt chủng của đảng cộng sản Khmer Đỏ cũng là một minh chứng hùng hồn đối với dân tộc Khmer.
Văn hóa đặc thù của Cambodia là văn hóa của chùa chiền. Một đất nước mà ngày nay chỉ vỏn vẹn khoảng 15 triệu dân, nhưng có hơn 5000 ngôi chùa hoành tráng và to lớn. Sự giao thoa giữa thần quyền Phật giáo và thế quyền phong kiến đã tạo ra ở đất nước này một chế độ tăng lữ quý tộc trong giáo dục và định hướng dân chúng trong việc điều hành đất nước, biến đất nước này còn một cái tên gọi là, đất nước Chùa Tháp. Cho nên chùa cũng là nơi mà bất kỳ một nam thanh niên nào cũng phải vào đó để học làm người lương thiện thì mới được trở thành người có giá trị của xã hội. Không có tấm bằng Phật học, thì nam thanh niên khó lòng thành công khi bước vào đời.
Ngoài ra, ở Cambodia còn tồn tại hình thái xã hội Mẫu hệ từ thời loài người còn ăn lông ở lổ và săn bắt hái lượm. Nam thanh niên lớn lên chưa từng đi tu ở chùa để học đạo ít nhất là 6 tháng đến 3 năm, để có tấm bằng Phật học, thì khó hy vọng để lấy được vợ. Ở Cambodia, con gái đi cưới chồng, con trai đi lấy vợ và ở rể. Con cái sinh ra, không mang theo họ cha hoặc mẹ, mà cái tên của con cái là ghép thành từ tên cha và tên mẹ. Cho nên cái dòng họ không có ý nghĩa trong việc duy trì chủng tộc và dòng tộc. Đó cũng là một nét văn hóa đặc thù góp phần cho một đế chế lừng lẫy phải điêu tàn như hôm nay.
Ở khu rừng Lộc Vừng quanh biển Hồ Tonle Sap, cứ đến mùa nước nổi thì rắn bò lên đọt cây nhiều như thế này, và người dân chỉ việc chống thuyền đi bắt đem về bán cho nhà hàng hoặc các nhà sản xuất khô rắn xuất khẩu.
Đất nước chùa Tháp còn là đất nước của Rắn. Đi bất cứ nơi đâu, biểu tượng rắn cũng được điêu khắc và đúc tượng. Đây là tàn tích của thần quyền Bà La Môn ngày đầu du nhập vào Cambodia. Hồ Tonle Sap - biển Hồ - là một túi chứa nước ngọt rộng lớn nhất thế giới làm nhiệm vụ điều tiết nước cho dòng Mekong có nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Quanh biển Hồ là rừng cây Lộc Vừng bạc ngàn, nếu ở Việt Nam dân tình sẽ biến rừng cây này thành bãi hoang vì trò phong thủy và mê tín dị đoan. Nhưng ở Cambodia, rừng cây Lộc Vừng không có ý nghĩa, mà ý nghĩa của nó là tất cả các loài rắn sống ở rừng này. Mùa nước nổi từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch rừng này ngập nước, và rắn sẽ trèo lên đọt cây để tránh lũ. Lúc đó, người dân Cambodia dùng thuyền để đi săn rắn về bán cho các nhà hàng và các xưởng làm thức ăn khô, nên giá khô rắn ở Cambodia rẻ hơn giá thịt bò. Rắn nuôi một phần đời sống nông dân Cambodia, nên rắn được đạo Bà La Môn đặt làm biểu tượng của họ ở đất nước Chùa Tháp.
Rừng lộc vừng quanh biển Hồ Tonle sap và cột đánh dấu mốc nước lũ theo cấp độ nước dâng lên trong mùa nước nổi.
Cambodia là một đồng bằng thấp, mùa nước nổi từ biển Hồ Tonle Sap đổ về cũng là mùa dân Khmer làm ruộng. Hệ thống thủy lợi ở đây còn rất kém phát triển một phần vì hơn 98% diện tích Cambodia là đồng bằng màu mỡ. Đất thịt bazan và phù sa từ biển Hồ đem lại cho đồng bằng ở đây làm ruộng trồng cây mà không cần phân bón. Người Khmer được thiên nhiên ưu đãi như người dân miền Tây Nam bộ nước Việt, nên ở đây lúa chỉ làm một mùa nước nổi, và lúa ở đây là loại lúa nước, rãi trên đồng nước lên bao nhiêu thì lúa cao lên bấy nhiêu, khi lúa chín cũng là lúc mùa nước rút - khoảng 6 tháng - và dân chỉ việc ra đồng cắt ngọn lúa có hạt mang về. Đó cũng chính là cái mà làm cho chính phủ Cambodia không quan tâm đến việc làm hệ thống thủy lợi để tăng canh, tăng vụ. Hơn nữa dân số chưa đông, áp lực an ninh lương thực chưa đòi hỏi và dân tình không chỉ sống bằng nghề làm lúa, mà còn có những cái khác để mưu sinh.
Cây thốt nốt có tuổi đời đến cả trăm năm được dân Khmer làm hàng rào
Văn hóa Cambodia cũng gắn liền với cây Thốt Nốt. Vua Jayavarman đệ nhị - người khởi đầu tạo dựng đế chế Khmer - là người đưa ra việc trồng cây thốt nốt để ghi lại ranh giới đế chế Khmer và cũng là ranh giới cho những mãnh ruộng vườn của mỗi gia đình đã khai hoang và làm ăn. Nên cây thốt nốt cũng là biểu tượng của đất nước Chùa Tháp ngoài chức năng là một loại cây công nghiệp ẩm thực làm ra đường, rượu và nước uống giải khát ở vùng đất đầy nắng này. Nếu ai để ý, cây thốt nốt ở Cambodia luôn trồng ở các hàng rào của căn nhà ở và ở các bờ đất phân ranh giới giữa các thửa ruộng với nhau. Cho nên người Cambodia vẫn còn truyền miệng nhau rằng, ở đâu có cây thốt nốt thì ở đó là đất của người Khmer một thời lừng lẫy.
Đọc thêm phần 2 của Một thoáng Cambodia.
Asia Clinic, 9h20' ngày thứ Sáu, 15/02/2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét