I. NGUỒN GỐC
Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đến tại Việt Nam vào đầu thế kỉ 21. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự xuất hiện của tà giáo này được ghi nhận đầu tiên vào khoảng năm 2007, riêng tại Hà Nội, có lẽ nó đã bắt đầu hoạt động từ vài năm trước đó.
Tại Hàn Quốc tổ chức này hoạt động dưới danh xưng World Mission Society Church of God, mặc dù với một danh xưng đầy thuộc linh nhưng thực chất công việc của tà giáo không nhắm vào những người chưa tin nhưng lại hướng về tín hữu Cơ Đốc thuộc các Hội Thánh Chánh Giáo. Một Hội Đồng với đại diện các Hội Thánh tại Hàn Quốc đã tuyên bố World Mission Society Church of God là một tà giáo, và nhắc nhở các tín hữu cẩn thận với hoạt động của tà giáo này.
1. Tổ chức:
World Mission Society Church of God được thành lập bởi Ahnsahnghong (1918-1985) vào năm 1964. Ahn Sahng-Hong, qua đời vào năm 1985 để lại quyền lãnh đạo giáo hội cho người vợ tâm linh của mình, Zahng Gil-Jah (được biết đến như là "Mẹ Thiên Thượng") và Mục sư Hội Trưởng là Kim Joo-Cheol. Trụ sở chính được đặt tại Bundang, thành phố Sungnam, Tỉnh Kyunggi, khoảng một giờ đi từ Seoul. Zahng cũng là chủ tịch của Quỹ Phúc lợi Cuộc sống mới (New Life Welfare) và Tổ chức quốc tế Chúng tôi Yêu Bạn (We love You).
Tà giáo này tuyên bố đã thành lập hơn 400 nhà thờ tại Hàn Quốc và 2.200 nhà thờ tại 150 quốc gia với hơn 1,75 triệu tín hữu tính đến tháng 4 năm 2012.
2. Người thành lập:
Ahnsahnghong (1918-1985) sinh tại Nam Hàn trong một gia đình có truyền thống Phật giáo. Năm 1946-1947, AhnSahnghong theo tà giáo Cơ Đốc Phục Lâm, năm 1948 AhnSahnghong Chịu Báp tem. Sau đó AhnSahnghong ra khỏi tà giáo Cơ Đốc Phục Lâm và bắt đầu giảng dạy những giáo lý lạ. AhnSahnghong tự nhận mình là Đấng Christ đến thế gian lần 2. Năm 1964 AhnSahnghong thành lập giáo hội World Mission Society Church of God. Ahnsahnghong mất ngày 25/2/1985, được chôn cất tại một khu nghĩa trang công cộng tỉnh Nam Gyeongsang,gần Oeseok-ri, Hàn Quốc.
III. NHỮNG SAI TRẬT TRONG GIÁO LÝ:
Chúng ta biết rõ đây là một tà giáo, tuy nhiên dường như họ lại đưa ra khá nhiều các trưng dẫn của Kinh Thánh, vậy chúng ta giải thích thế nào?
Chúng ta thấy rõ sự sai lầm của các giáo lí này đến từ việc họ đã giải thích Kinh Thánh theo Đoạn Chương Thủ Nghĩa. Nghĩa là lấy một phần hoặc một vài câu Kinh Thánh riêng lẻ để củng cố cho quan điểm cá nhân của mình. Đây chính là phương pháp mà hầu hết các tà giáo mang danh nghĩa Cơ Đốc khác đều đang dùng. Họ đã vi phạm việc tối kị của nguyên tắc giải nghĩa Kinh Thánh, đó là giải nghĩa nhưng không theo văn mạch và không đối chiếu với những sách khác trong Kinh Thánh.
1/ Việc dựa vào câu Kinh Thánh trong 2Sa-mu-ên 5:4 “Khi Đa-vít khởi trị vì, tuổi đã được ba mươi; người cai trị bốn mươi năm” và xem nó như lời tiên tri cho chức vụ của của AhnSahngHong là một sự áp đặt cho điều Kinh Thánh không nói đến. Đây đơn thuần chỉ là một sự kiện lịch sử mà thôi. Trong Giăng 17:4, trước thời điểm Chúa chịu thương khó Ngài đã cầu nguyện “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.” và trong Giăng19:30, trước khi trút hơi thở trên thập tự giá, Chúa Giê-xu phán “mọi sự đã được trọn”. Chúa Giê-xu Christ Con Đức Chúa Trời đã hoàn thành xong công tác cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá.
Xem ra, Christ giả AhnSahngHong rõ ràng là có 37 năm chức vụ để phục vụ cho Vua của hắn là Sa-tan chứ chẳng có Đức Chúa Trời nào cả.
2/ Sai lầm của tà giáo này còn đến từ ngay chính giáo lý căn bản của họ: Đó là tuyên bố việc có Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Đây không phải là một điều mới, vì trước đó Giáo hội Công Giáo cũng đã cổ xúy việc thờ Nữ Thần qua việc tôn vinh Bà Ma-ri như là một người mẹ Thiên Thượng của Chúa Giê-xu. Trong hầu hết các tôn giáo kể cả Tây Phương lẫn Đông Phương, việc có một vị Thần Nam và một thần Nữ là rất phổ thông: Vd: Người Hi Lạp có Thần Zeus và Nữ Thần Hera (cùng rất nhiều vị thần nam nữ khác), người Ca-na-an có Thần Ba-anh và Nữ Thần Át-tạt-tê; Người Phật giáo có Phật Như Lai và Bồ-Tát; Đạo Việt Nam chúng ta có thờ Ông Bà. Nhưng việc tuyên bố Đức Chúa Trời còn có một thân vị khác là Đức Chúa Trời Mẹ quả là điều mới.
Lu-ca 24:39 Chúa Giê-xu cho biết “Thần thì không có thịt và xương” và Giăng 4:24 “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”, khi những Sa-đu-sê hỏi Chúa về vấn đề giới tính của những người sống lại Chúa phán “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Con cái của đời nầy lấy vợ gả chồng; 35 song những kẻ đã được kể đáng dự phần đời sau và đáng từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gả chồng. 36 Bởi họ sẽ không chết được nữa, vì giống như các thiên sứ, và là con của Đức Chúa Trời, tức là con của sự sống lại” (Lu-ca 20:34,35). Mục đích của giới tính là nhằm để cho việc kết hợp và duy trì nòi giống. Đức Chúa Trời là Thần, Ngài vốn vô hình, vô hạn và chắc chắc Ngài không giống chúng ta về việc có giới tính như là nam hay nữ. Cho nên đừng có ai mất thì giờ mà tranh luận để chứng minh Đức Chúa Trời là nam hay là nữ, là cha hay là mẹ vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết.
Vậy, tại sao Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con” (Ma-thi-ơ 6:9) hay như trong Rô-ma 8:15, Phao-lô nói “Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha!”. Đây là điều chúng ta cần hiểu theo nghĩa biểu tượng, chứ không phải theo nghĩa đen:
- Chẳng hạn khi Chúa Giê-xu phán ta là “Cái cửa”, “Con Đường”, “Người chăn”, “Gốc nho”, “Bánh hằng sống” thì chúng ta hiểu rằng Ngài đang đang ví sánh Ngài với các ý nghĩa: Ngài là phương cách duy nhất đem đến sự cứu rỗi, Ngài là Đấng giữ gìn chăm sóc, Ngài là năng lực là sức mạnh, là nguồn sự sống cho những ai tin Ngài”.
- Khi ví sánh Đức Chúa Trời như một người Cha Thiên Thượng, Đức Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến quyền quyết định, lãnh đạo và dẫn dắt của Đức Chúa Trời trên đời sống của những người tin Ngài.
- Khi Chúa Giê-xu gọi Đức Chúa Cha và xưng mình là Con, Ngài muốn tỏ cho mọi người thấy rằng dầu Ngài cũng là Đức Chúa Trời đồng đẳng, đồng vị với Đức Chúa Cha (“Ta với Cha là một” Giăng 10:30), nhưng Ngài đã bằng lòng hạ mình, đầu phục trọn vẹn như một người con thuận phục ý muốn cha mình. Việc Ngài gọi mình là Con hoàn toàn không có nghĩa là Ngài được sinh ra bởi một Đức Chúa Trời Cha và một Đức Chúa Trời Mẹ như nhiều tà giáo suy diễn.
3/ Riêng về câu Kinh Thánh trong Ga-la-ti 4:26 “Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do và ấy là mẹ chúng ta”, tà giáo của Ahnsahnghong đã hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa bởi vì đã loại bỏ câu Kinh Thánh này khỏi văn mạch của phân đoạn mà Phao-lô đang nói đến. Ý đầy đủ cần hiểu là:
“Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật pháp, há không nghe luật pháp sao? 22 Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: Một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ. 23 Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa. 24 Cả điều đó có một nghĩa bóng: Hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na-i, sanh con ra để làm tôi mọi, ấy là nàng A-ga. 25 Vả, A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọi. 26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta. 27 Vì có lời chép:
Hỡi đàn bà son, ngươi là kẻ chẳng sanh nở chi hết, hãy vui mừng; Ngươi là kẻ chẳng từng chịu đau đớn sanh đẻ, hãy nức lòng mừng rỡ và bựt tiếng reo cười, Vì con cái của vợ bị để sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng.
28 Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa. 29 Nhưng, như bấy giờ, kẻ sanh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh, thì hiện nay cũng còn là thể ấy. 30 Song Kinh thánh có nói gì? Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ. [†]
31 Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là con cái của người nữ tự chủ.” (Ga-la-ti 4:21:31)
Sứ đồ Phao-lô chẳng có ý gì liên quan đến Đức Chúa Trời mẹ ở đây cả. Đọc hết đoạn chúng ta sẽ hiểu rằng ông đang dùng Kinh Thánh Cựu Ước để giải thích cho các tín hữu tại Ga-la-ti hiểu về giá trị của Ân điển trong Đấng Christ. Phao-lô dùng hình ảnh của hai người nữ là A-ga và Sa-ra. Cả hai bà đều có một người con với Áp-ra-ham, tuy nhiên A-ga là một người nữ tôi mọi, và con của bà với Áp-ra-ham sanh ra theo phương diện xác thịt, còn Sa-ra là một người nữ tự do, Y-sác con bà được sanh ra bởi lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham. Sau đó, Phao-lô dùng hình ảnh biểu tượng của hai người nữ này để so sánh với hai thành Giê-ru-sa-lem, một là Giê-ru-sa-lem trên đất hiện đang làm nô lệ cho đế quốc La-mã thuộc về những kẻ khước từ Ân Điển của Chúa Giê-xu và hai là Giê-ru-sa-lem mới trên Trời dành cho những người tin vào Ân Điển Cứu Chuộc của Chúa Giê-xu trong tương lai. Như vậy, chúng ta những người tin Chúa Giê-xu được gọi là Con Đức Chúa Trời theo như lời Chúa hứa chúng ta thuộc về Giê-ru-sa-lem trên trời, cũng giống như Y-sác là con của Sa-ra theo lời Chúa hứa vậy. Về nghĩa hình bóng “mẹ chúng ta” chính là Sa-ra, nghĩa là chúng ta là con của sự tự do, con của lời hứa chứ không phải là con của người nữ tôi mọi.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét