Vài tháng nay hầu hết phương tiện truyền thông kháo nhau lời của lãnh đạo về việc tái cơ cấu kinh tế. Các biện pháp gọi là "đồng bộ" được đưa ra và bắt đầu chuyển bánh. Nào tái cơ cấu ngân hàng bằng cách ghép 3 ngân hàng làm ăn sai trái để trở thành cục nợ khó đòi, thành một ngân hàng nợ lớn hơn mất khả năng chi trả. Nào hô hào bán cổ đông cho tất cả các tổ chức, công ty nhà nước nhưng vẫn giữ lại tỷ lệ phần trăm để đảng vẫn còn lãnh đạo. Nào sẽ hạ trần lãi suất trong năm mới 2012. Nào vinh danh doanh nghiệp là rường cột của kinh tế quốc gia, v.v... và v.v... Nhưng tất cả các điều này chỉ là đi giải quyết hậu quả của những nguyên nhân chưa ai muốn đụng đến, dù đã biết từ lâu.
Ba cục nợ nhỏ trở thành một cục nợ lớn, từ khó đòi trở thành mất khả năng chi trả, những vẫn cố gắng để nó không sụp đổ. Nó giống như khi nợ một tỷ thì con nợ sẽ sợ chủ nợ. Nhưng khi nợ lên đến ngàn tỷ thì chủ nợ sẽ sợ con nợ và phải ra tay nuôi, o bế con nợ để con nợ còn sống mà lo trả nợ. Câu chuyện dân gian về chúa chổm lại hiện về vì nó là ai?
Cổ phần hoá toàn bộ các tổ chức cơ quan nhà nước, nhưng nhà nước vẫn giữ lại tỷ lệ phần trăm lớn để đảng vẫn lảnh đạo và giữ quyền sinh sát trong vận hành, kinh doanh. Với kiểu điều hành lâu nay là báo cáo lỗ lãi cho cổ đông khi cần phát hành cổ phiếu thì thông báo lãi ngất trời, nhưng khi báo cáo thành tích năm để chia lãi cổ đông và đóng thuế thì báo cáo lỗ hoặc lãi suất cận biên. Thế thì ai dám đầu tư, ngoài các thành viên hội đồng quản trị?
Còn câu chuyện sẽ giảm trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng thì, chưa giảm đã có thông tin các ngân hàng tăng trần lãi suất, để thu hút tín dụng vì tình hình dân chúng đua nhau rút tiết kiệm mua vàng vì vàng xuống giá. Do ngân hàng đang trong tình trạng khát vốn thanh khoản. Để hôm nay thủ tướng chính phủ lại than phiền rằng hệ thống ngân hàng đừng để chính phủ lo lắng.
Tất cả những điều ấy là hậu quả của một hệ thống chính trị điều hành đất nước chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế sau gia nhập WTO, mà hầu hết các nước trên thế giới đang mắc phải. Toàn cầu hoá và thế giới phẳng là sáng kiến của Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ là nơi bị tổn thương vì nó trước nhất. Và thế giới còn lại đang điêu đứng từ liên minh châu Âu đến các thành viên mới nổi. Việt Nam không tránh khỏi hậu quả của nó, khi cấu trúc chính trị chưa theo kịp.
Trước tiên là điều hành chính sách tiền tệ phải tách riêng ra hệ thống ngân hàng. Lâu này ở Việt Nam chính sách tiền tệ gắn liền hệ thống ngân hàng, nên khi chính phủ kích cầu kinh tế để thúc đẩy phát triển thì tiền đó qua ngân hàng trước khi đến nơi cần tiền.
Trong khi đó, ngân hàng hoạt động theo kiểu tư bản thân hữu nhà nước nên có ưu tiên và thiên vị. Mà >80% lực lượng lao động nằm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn để kinh doanh thì tìm vốn như tìm sao giữa ban ngày. Còn đại gia thân hữu muốn là có, và hầu hết đại gia này đầu tư vào lĩnh vực không làm ra sản phẩm cho xã hội. Đặc biệt nhất là đầu tư công và đầu tư ngoài ngành của các nắm đấm thép của đảng. Nơi cần tiền để làm ra của cải vật chất cho xã hội làm nên phúc lợi cho dân, thì tiền không đến, nơi tiêu tiền để làm ra tham nhũng và sụp đổ nền kinh tế thì tiền lại đến.
Chưa có một đất nước nào trên thế giới mà có được các tổ chức kinh tế công làm ra lợi nhuận, ngay cả phương Tây và Hoa Kỳ, dù họ là những nền kinh tế thị trường tự do.
Thế nhưng, khi đã quen điều hành kinh tế bao cấp, tư duy kinh tế thị trường tư do của lãnh đạo không có. Nên tái cơ cấu kinh tế kiểu như trên chỉ là trò giật gấu vá vai, hòng kéo dài cái chết đã, đang và sẽ đến là điều không tránh khỏi.
Không ai trong nhân dân ganh tỵ với chuyện đảng cho tư nhân hoá tất cả các nắm đấm kinh tế nước nhà về tay các tư bản thân hữu. Mạnh được yếu thua kiểu kinh tế đấu tranh sinh tồn của Darwin đã từng đi qua các nước đã phát triển. Tư nhân hoá làm cho chủ có trách nhiệm với của cải của mình. Việc của đảng là chỉ nên làm việc vĩ mô hướng nền kinh tế, chính trị nước nhà đi đúng hướng và điều tiết mọi lĩnh vực không đi chệch hướng và quá đà, mà không nên thọc tay vào quá sâu từng chi tiết vi mô. Mọi nguồn thu cho hoạt động công quyền là từ thuế, chứ không từ những sân sau của đảng. Chính nó biến lợi ích dân tộc thành lợi ích nhóm, đẩy bản chất của con người thành tha hoá và làm đất nước như một đoàn tàu đang xuống dốc không phanh.
Không có gì lạ khi đang thấy các chính khách kháo nhau phải tái cơ cấu kinh tế. Và cũng không có gì lạ khi tại sao các chính khách sợ nghe đến từ tái cơ cấu nguyên nhân của xã hội Việt đang loay hoay tìm thuốc chữa đúng là, tái cơ cấu chính trị để cứu không chỉ nền kinh tế, cứu một đất nước, mà còn cứu cả giai cấp chính khách đang cầm quyền.
Tái cơ cấu cái gì? Giữa kinh tế và chính trị chọn đâu đã có câu trả lời trong mấy tháng qua. Đúng hay sai câu trả lời không cần chờ lâu - năm 2012 - năm Rồng lộn ngược đầu xuống vực, mới thực sự thấy hết những triệu chứng giai đoạn cuối của bệnh khó chữa của nước Việt.
Asia Clinic, 17h56' ngày Chúa Nhựt, 18/12/2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét