CÂU CHUYỆN BÁC CAI TRƯỜNG NGUYỄN ĐIỂM VÀ THẦY HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐÔNG GIANG



Câu chuyện về bác Nguyễn Điểm – bác Cai trường - mà chúng tôi có dịp nghe được từ những người con của bác kể lại  trong những ngày tang lễ của bác sau Tết, câu chuyện thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn của gia đình bác đối với thầy Lâm Sĩ Hồng (nguyên Hiệu trưởng trường Đông Giang từ năm 1963-1975), qua đó chúng tôi hiểu được cách hành xử đầy tính nhân văn của thầy Hiệu trưởng đối với bác lao công cai trường từ những ngày đầu làm cai trường đến ngày bác Điểm qua đời.



     Những năm 1960, 1961 bác Nguyễn Điểm từ quê Hòa Quí ra quận 3 ( Sơn Trà bây chừ) để đi làm thợ hồ, công việc của bác chủ yếu làm xây dựng và nhận làm hòn non bộ cá cảnh cho các gia đình, chùa chiền. Ngày ấy việc đi lại của bác hết sức khó khăn, không xe đạp xe máy mà phải đi bộ từ quê ra, chỉ hơn 10 km nhưng đối với bác là đoạn đường quá xa xôi, do đó ban ngày làm xong việc bác tìm chỗ trú lại qua đêm để ngày mai tiếp tục công việc chứ ít khi về nhà. 

      Một lần đi làm ở Ngã 3 Hương Nho, bác thấy có ngôi trường ở An Hòa, An Hải Bắc mới xây, cửa ngỏ chưa có,  ban đêm bác vào đó để ngủ, cứ thế đến một hôm thầy Hiệu trưởng đến rất sớm nhìn thấy bác còn đang nằm trên những bàn học để ngủ, thầy Hiệu trưởng không la mắn, không xua đuổi mà hỏi han hoàn cảnh của bác rồi Thầy đề nghị ban ngày bác đi làm, ban đêm về coi giữ ngôi trường và trường sẽ trả lương như một nhân viên bảo vệ, nói là ngôi trường nhưng thực ra mới 1 phòng học và con đường đất cát từ ngoài vào trường mà các học sinh đang làm dang dỡ..   (Lúc nầy bác Điểm mới biết tên thầy Hiệu trưởng của ngôi trường là thầy Lâm Sĩ Hồng, do cứ mỗi buổi sáng khi đến trường, thầy Hiệu trưởng trông thấy bàn ghế xê dịch như có người ngoài vào đây, thầy quyết định đến sớm để kiểm tra và phát hiện bác Điểm ngủ qua đêm tại đây)

      Cơn lụt năm Thìn (năm 1964 ) căn nhà bác ở quê bị lũ cuốn trôi, gia đình phải sơ tán, trước hoàn cảnh hết sức khó khăn của gia đình, bác Điểm xin thầy Hiệu trưởng và được thầy cho gia đình chái tạm mái tranh chừng mấy mét vuông phía sau trường để trú tạm.

       Lúc nầy gia đình bác Điểm có 3 người con, người con lớn tên Thúy cũng chỉ mới12 tuổi, không được học hành nên thầy Hiệu trưởng đề nghị bác cho chị Thúy sang nhà Thầy ở đường Võ Tánh ( đường Núi Thành bây chừ) vừa phụ giúp những việc lặt vặt trong nhà vừa cho chị Thúy ăn học.

      Năm 1967 khi trường Đông Giang và nay là Hoàng Hoa Thám  chuyển về An Hải, trường rộng lớn hơn  và thầy Hiệu Trưởng Lâm Sĩ Hồng nhận bác Điểm về làm cai trường, công việc hàng ngày của bác là quét dọn,  mở và khóa các phòng học, ban đêm bảo vệ, từ đó bác không còn đi làm thợ xây dựng và làm hòn non bộ nữa, bác làm cai trường đến năm 1985, lúc nầy sức khỏe bác già yếu nên trường giải quyết cho bác nghỉ việc mà không được hưởng một chế độ nào cả.

      Sau năm 75 từ hải ngoại mỗi lần thầy Hiệu trưởng về nước, Thầy đều ghé thăm gia đình bác Nguyễn Điểm, ngoài ra mỗi dịp có người về thăm quê không nhiều thì ít Thầy đều gửi quà về tặng bác, tháng 8 năm 2014  thầy Lâm Sĩ Hồng có gửi tặng bác Điểm 200 USD chị Thúy con gái bác bị bệnh tâm thần 100 USD..  
       Vừa rồi nhận được tin bác Điểm qua đời Thầy viết thư cho chúng tôi ” Tết vừa rồi Thầy bận lu bu nên quên gửi quà tặng bác Điểm, hôm nay nghe tin bác mất Thầy ân hận vô cùng, Thầy nhờ các em đến viếng và thắp hương giúp Thầy”.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét