MƯỜI ĐOẢN KHÚC NGỘ NHẬN

.
... Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…
(NGUYỄN GIA THIỀU)

1- MỘT
Dân làng kể lại ba hắn dám cho anh Tú tài – tên gọi do chính dân làng đặt cho - một trận thừa sống thiếu chết vì dám mò đến nhà mẹ hắn vào lúc trời chạng vạng. Ngay tối hôm đó ba hắn cùng vài người bạn đi vào bưng.
Cái làng La Liên này được xếp vào vùng xôi đậu - còn gọi là vùng da beo - ban ngày bên này kiểm soát và nhường cho bên kia vào ban đêm. Cả đến cha con, anh em bạn bè cũng không biết ai là người của bên này, ai là người của bên kia. Thỉnh thoảng người ta kéo lên từ ven đập vài ba xác chết dồn trong bao tải, đến khi biết chắc cái cách họ chết như thế nào thì dân làng mới biết người chết là người của bên kia hay của bên này.
Người ta cũng kể rằng, ông nội và ông ngoại hắn là bạn bè từ thuở còn chăn trâu cho nhà ông Hương Lục. Họ càng gắn bó nhau hơn qua cái đận cùng bắt nhà Hương Lục phải cúi đầu chịu tội địa chủ ác ôn, và trong những ngày khí thế đạt đến cao trào ấy, hai người kết tình thông gia khi ba mẹ hắn hãy còn trần truồng chơi trò té nước ở ao làng.
Cái anh Tú tài mà ba hắn cho một trận thừa sống thiếu chết trước khi đi vào bưng kia là cháu nội đích độc tôn của nhà Hương Lục. Sau cây lụt năm Thìn, anh ta cùng cha mình trốn trong một chiếc ghe rách nát xuôi theo giòng Thu Bồn lẳng lặng rời quê cha đất tổ sau khi hai cha con quỳ gối vái sống ông Hương Lục mỗi người ba lạy. Sau đó, vào các kỳ nghỉ hè, anh ta về quê cùng cuốc đất, dâm khoai cùng ông nội, ít khi tiếp xúc với một ai ngoại trừ với cô láng giềng dễ thương. Người ta thấy hai người thỉnh thoảng nói chuyện với nhau bên hàng dậu chè tàu. Ba hắn cũng đã từng bắt gặp họ đứng với nhau. Lấy tư cách là chồng chưa cưới đã được hứa hôn, ba hắn cùng vài ba người bạn đã có lần cảnh cáo công khai nặng lời với anh ta:
- Mày coi chừng, mày có hai tội lớn. Một: là dám thậm thụt với vợ tao, hai: mày là con cháu cái bọn…
Và dân làng chẳng mấy ngạc nhiên khi anh Tú tài kia bị một trận đòn thù trước khi ba hắn vào bưng.

2 - HAI
Khoảng sáu tháng sau, ba hắn bị bắn chết dưới hầm bí mật cạnh hàng rào ấp chiến lược. Cái bụng mẹ hắn lớn dần không thể che mắt được những cặp mắt soi mói của dân làng. Hắn được sinh ra trong lặng lẽ vào ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Đúng ngày thôi nôi, không báo trước, ông bà nội cùng các cô con gái đến nhà ông ngoại hắn bày biện trầu cau rượu xin nhận dâu và nhận cháu nội đích tôn độc đinh của giòng họ.
Ông ngoại hắn hỉ hả. Ít ra có đến ba bốn điều đáng để hỉ hả. Một: con gái ông là gái có chồng, mà chồng lại là liệt sĩ. Hai là: gia đình ông thông-gia-trưởng-thôn thuộc loại được trọng vọng nhất nhì trong làng bởi những thành tích họ có. Ba là: cô-ruột-của-cháu-ông làm đến chức phó Ủy ban xã. Bốn là:, mà thôi, thế đã là phúc đức, thế đã là danh giá. Hai ông sui gật gù tâm đắc và mãn nguyện. Sau chén tạc chén thù, hai bên đồng ý cho mẹ hắn làm nhà mới ra ở riêng để rước bài vị, giấy chứng nhận liệt sĩ, bằng khen… của ba hắn về để cháu nội đích tôn lo việc hương hoa thờ tự. Mẹ hắn đã biến thành cái bóng kể từ ngày nghe tiếng chì tiếng bấc của làng trên xóm dưới, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn lên. Và cái bóng ấy chỉ biết nhìn vào nôi thở dài trong khi hai họ phấn khích sôi nổi với mối thâm tình cốt nhục vừa mới được hình thành.
Ngôi nhà mới của cô gái góa được cha chồng dựng trên mảnh đất được trưng thu của ông Hương Lục. Hắn lớn dần lên bằng những củ khoai củ sắn từ bàn tay tần tảo của người mẹ trẻ. Hàng năm hai bên nội ngoại tập trung về để tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ ba hắn. Hắn được dạy cách quỳ bái, dâng hương với cung cách trưởng nam của dòng họ. Hắn cung kính và biết ơn người ngồi trên bàn thờ kia một cách thân thích tự nhiên. Vài năm sau, do thời thế, gia cảnh bên nội hắn sa sút, không còn được trọng vọng vì không có ai đủ trình độ để đảm đương việc dân việc nước, tất thảy trách nhiệm giỗ quảy đều đổ lên đầu mẹ hắn. Ngày giỗ cha không còn nhộn nhịp như trước. Mẹ hắn định cho hắn thôi đến trường.

3 - BA
Thi đậu Tú tài toàn, anh Tú tài theo ngành sư phạm và được dạy tại một trường trung học ở vùng ven thành phố. Dạy chưa được một năm thì lại được đi học tập cải tạo với tư cách sĩ quan dự bị. Sau khi ra trại, được bạn bè cho chiếc xe đạp cà tàng và trở thành anh xe thồ đứng chờ phiên bên bến phà. Ngày ông Hương Lục mất, anh không dám về quê phục tang mà chỉ một mình ngồi khóc bên quán rượu nếp than ven đường. Nghe đâu ba mẹ, anh em đều bị chết trên một chiếc tàu cá khi vừa rời khỏi Cầu Đen.
Người quen không ai còn nhận ra anh. Cái nghề kham khổ làm anh biến dạng. May mắn thay bệnh tật chưa hề đoái hoài đến - chắc chó không nỡ cắn kẻ bần cùng - nếu không, hàng năm người xứ Hà Thân sẽ chẳng thấy cái đám giỗ gộp chung ông bà nội, cha mẹ, anh em… của gã tứ cố vô thân cùng năm ba anh bạn xe thồ cúi đầu thắp hương cúng rượu dưới gốc cây da An Thị.
Sau một ngày không thấy anh đứng chờ phiên, đám bạn xe đạp thồ ngạc nhiên khi nhìn thấy anh khá tươm tất trong bộ cánh không phải của dân xe thồ và mời cùng đi uống rượu.
- Người yêu mình đi lấy chồng!
Anh em xe thồ ngạc nhiên và cười rộ lên. Anh nốc gọn ly rượu rồi tiếp : “Mình nói thật, cô ta đã về nhà chồng, có con, thờ chồng”. Rồi khề khà xa vắng: “Mất luôn một chút lận lưng để dành!”. Rồi gõ đũa vào thành ly cao giọng “Cô láng giềng ơi…chờ đợi tôi…đừng nói tới phân ly…Đành rằng…”. Rồi gục đầu yên lặng.

4 - BỐN
Hết lớp chín, hắn xin nghỉ học để ở nhà giúp mẹ. Hắn đủ lớn để biết mẹ không thể nuôi hắn ăn học tiếp. Tiền trường, tiền lớp, tiền thầy, tiền cô, tiền quần, tiền áo, quỹ này, quỹ kia, học thêm, học kèm v.v… là những âm thanh ong ong trong đầu hắn. Nhưng mẹ hắn lại không muốn hắn nghỉ học mặc dầu những âm thanh kia trong đầu bà còn ong ong gấp trăm lần hơn. Sau khi trầm ngâm suy nghĩ, bà nói như lên đồng:
- Con cứ tiếp tục lo học, để mẹ tính. Ngày mai mẹ ra Đà nẵng xin việc làm.
Hình như chỉ chờ đến tờ mờ sáng, mẹ hắn dẫn hắn sang nhà dì Ba. Sau một hồi thầm thì to nhỏ với cô em gái, mẹ hắn hôn vội lên trán hắn : “Con ở với dì, mẹ đi có việc…”
Đến tối mịt hôm sau mẹ hắn về với khuôn mặt khang khác và có vẻ đẹp hơn trước khi đi. Quà cho hắn gồm một bộ quần áo mới, ít bánh kẹo, bút, vở và một số sách giáo khoa lớp mười sờn gáy. Hắn hiểu , tự hứa sẽ chăm chỉ để thành con ngoan trò giỏi.
Và hắn trở thành học sinh xuất sắc. Không những của lớp mà của cả trường. Cuối năm nhà trường tuyên dương con em liệt sĩ hiếu học và đem hắn ra làm gương. Và cả làng ngạc nhiên khi hắn đỗ đại học. “ Em là niềm tự hào của xã ta, đúng là giòng giống của một liệt sĩ, một thế hệ anh hùng, hãy phấn đấu và xứng đáng là lớp kế thừa, là tầng lớp ưu tú của đất nước”. Không những ông hội trưởng hội Khuyến học xã gật gù phát biểu như vậy mà còn nhiều vị lãnh đạo của xã cũng đã từng phát biểu như vậy về hắn. Hắn thường bắt gặp cái nhìn trìu mến của mẹ trước khi bà đưa mắt hướng lên bàn thờ với cái nhìn u uất. Hắn thương mẹ quá. Và cả ba hắn nữa.
Một tối nọ, mẹ hắn thầm thì không buồn không vui: 
- Mẹ phải lấy chồng thôi con ạ.
Hắn trân trân nhìn mẹ. Và bỏ chạy khỏi nhà. Tối hôm đó hắn ngủ ở nhà dì.

5 - NĂM
- Cháu phải biết thương mẹ cháu chứ, mẹ còn trẻ và quá khổ cực, cần có người đỡ đần cháu ạ. Mai mốt cháu đi xa học hành, để mẹ ở nhà một mình thui thủi à ? Chính dì khuyên mẹ cháu lấy chồng đấy.
Hắn không ngờ chuyện này xảy ra. Mặc dù không biết ông ta, từ đêm ấy hắn căm thù. Căm thù người đàn ông sẽ là chồng của mẹ hắn, người mà hắn buộc phải gọi là "dượng".
Sáng hôm sau, mẹ và dì hắn mang trầu cau rượu sang nhà ông nội hắn. Kể từ ngày ông bà mất, gian nhà trở nên hoang vắng, ba cô gái không chồng thay nhau hương khói. Họ sống lặng lẽ, lặng lẽ cả những lúc đi gặt, đi cấy; ít ai nghĩ rằng ba chị em đã từng một thời mang súng ngắn, một thời vừa đánh vần vừa nắn nót từng chữ xác nhận vào lý lịch của dân sở tại, một thời là phụ mẫu chi dân.
- Nghĩ qua nghĩ lại chẳng bà con chi, thôi, chị cứ lạy cha lạy mẹ lạy chồng rồi cứ việc đi lấy chồng mới. Tụi tôi cũng phận đàn bà không chồng, biết quá mà. Với lại bây chừ là thời đại dân làm chủ rồi, không ai o ép ai…
Cô em út đại diện phát biểu như đọc diễn văn và hai cô chị lớn xem đó là quyết định chính thức của tập thể. Cúi chào bàn thờ và khẻ gật đầu với ba cô em chồng, họ yên lặng ra về.

6 - SÁU
Hắn theo học tại trường Đại học ngành Y ở Huế. Mẹ và dì hắn cương quyết không cho hắn nghỉ học để đi làm.“Hai người đàn bà không nuôi nổi một thằng học trò à ?". Dì hắn dí tay vào trán hắn và tiếp : “Ông ngoại có để lại cho mẹ con và dì một ít, cháu đừng lo, yên tâm học hành nhé. Ráng học làm bác sĩ mai mốt chữa bệnh cho mẹ, cho dì…”
Hắn chú tâm vào việc học nhưng không bao giờ yên tâm. Hắn tính nhẩm và tự hỏi không biết bốn bờ vai gầy guộc kia làm cách nào để chu cấp cho hắn ăn học. Ông ngoại là bần cố nông thì làm gì có của. Ba tháng sau, mẹ hắn ra thăm và mắt nhìn xuống đất: “Con xin phép vài ngày về quê dự đám cưới của mẹ.” Hắn trả lời như thuộc bài :“Con thương mẹ nên thông cảm cho mẹ, nhưng không bao giờ con gọi chồng mẹ bằng dượng. Con không chấp nhận ông ta. Và con xin lỗi mẹ trước, nếu nói chuyện về ông ta trước mặt con thì mẹ con mình đừng gặp nhau nữa".
Mẹ hắn lầm lũi ra về, mắt vẫn cúi nhìn xuống đất.

7 - BẢY
Cái đám vừa hỏi vừa cưới ấy bao gồm các thành phần tham dự như sau: Nhà trai ngoài chú rể là anh Tú xe thồ cháu nội ông Hương Lục còn có ba người đại diện là bạn cùng làm nghề xe thồ. Nhà gái gồm cô dâu, cô em ruột và hai người bà con xa. Ba người có lời mời nhưng không có mặt là ba cô em chồng. Hai mái đầu bạc của bà con xa tò mò liếc nhìn trộm chú rể, chụm đầu vào nhau thầm thì : “Cái anh rể này trông quen quen…”.
Trong lúc mọi người chân thành nâng ly chúc mừng hạnh phúc muộn màng của hai người thì cô em út nhà chồng đến. Không chào hỏi ai, thắp ba nén nhang, vái ba lạy rồi cắm vào chân hương, từ tốn rút ra một tập giấy từ chiếc xắc cọt của mình, nói như trong cuộc họp :
- Đây là tờ đơn báo cáo cho chính quyền rõ là đám cưới này phạm pháp vì không đăng ký kết hôn. Tôi viết, nhưng vì nghĩa tình nên không trình. Còn đây là giấy tờ của cái nhà ni, có dấu mộc hẳn hoi của Ủy ban.
Sau khi đằng hắng và nuốt nước miếng lấy giọng, cô nói tiếp:
- Cái nhà đất này là của cha tôi làm để thờ anh Hai, chắc là chị hiểu, nếu chị muốn sung sướng thì kiếm nhà khác mà sướng mà sung.
Chiều hôm đó mẹ hắn theo chồng ra thành phố.

8 - TÁM
- Anh chị cảm ơn dì nhiều lắm, nhờ dì mà anh chị mới được sống với nhau.
Nhìn khuôn mặt đầy ắp hạnh phúc của hai người, dì hắn cảm thấy mãn nguyện, rồi với giọng rụt rè nói : 
- Hôm kia cháu về, có ghé nhà thắp hương nhưng nhà bị khóa, hắn đứng dưới gốc cây gòn nhìn vào, không khóc nhưng nước mắt chảy dài. Tội nghiệp!
Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau.“Thế cháu có nói gì không?"  Dì hắn kéo riêng mẹ hắn về phía bụi xương rồng, thầm thì : “Cháu nói nếu dì và mẹ nuôi được thì nuôi, đừng bắt cháu ăn học bằng đồng tiền của ông ta, cháu cũng nói hàng tháng được trợ cấp tiền con em liệt sĩ, dì và mẹ gởi tiền ít lại…”. Mẹ hắn kín đáo liếc nhìn chồng. Và biết chắc chồng mình đang nghĩ đến điều gì.

9- CHÍN
Ba năm sau anh Tú xe thồ quyết định bán nhà, mua lại một căn nhà nhỏ hơn, lụp xụp hơn ở vùng ven. Trả nợ một phần, số còn lại mua chiếc honđatrungquốc đầu đời. Chồng xe thồ vợ vé số quần quật cả tháng thu nhập không bằng giá một chai rượu ngoại loại vừa. Thỉnh thoảng hai vợ chồng ra thăm hắn, nhưng anh ta chỉ được đứng nhìn từ xa hai mẹ con họ gặp nhau.
Công việc làm ăn không được thuận lợi trong những tháng ngày mưa bão, họ nhìn nhau và cùng thở dài. Vào một buổi sáng mùa đông, hai người tình cờ bắt gặp nhau ở bệnh viện, tại phòng chờ xét nghiệm thu mua máu. Người vợ bỗng hiểu ra vì sao chồng mình xanh xao và tiều tụy.
Người chồng cũng vậy.

10 - MƯỜI
Ra trường với tấm bằng loại xuất sắc và nhờ nhân thân tốt, hắn được nhận ngay vào bệnh viện loại một của thành phố. Cái ngày sinh trong lý lịch của hắn cũng gây ấn tượng tốt đối với xã hội. Hắn là một điển hình tiên tiến và thuộc diện cán bộ qui hoạch của bệnh viện. Hai năm sau hắn được đề bạt vào ban giám đốc, công việc chuyên môn hoàn toàn chẳng liên quan gì đến việc sáu năm vất vả học hành.
Thường xuyên về thăm mẹ và dì nhưng hắn luôn dành cho cha kế cái nhìn của một kẻ thù. Hắn chẳng có một chút cảm xúc nào khi thoáng bắt gặp khuôn mặt thẩn thờ và thân thể bệ rạc của ông ta. “May mà mình không có một đứa em cùng mẹ khác cha”, hắn nghĩ thầm.

10+1 - MƯỜI CỘNG MỘT
Linh cảm điều gì đó đã xảy ra, rời sân bay, hắn bảo lái xe chạy ngay về nhà mẹ. Sáu tháng tu nghiệp ở nước ngoài là khoảng thời gian đủ để hắn nhận ra nhiều điều. Hắn đã đối xử một cách quá thiếu tình người và quá vô lý với dượng mình. Ngoài số quà mang về tặng mẹ, dì, anh em cơ quan, còn có một hộp nhân sâm cho dượng. Hắn nghĩ đến niềm vui của mẹ và của dì khi hai người nhìn hắn tặng quà cho cha kế với sự trân trọng và cảm thông chân thành. Hắn sẽ mang niềm vui đến cho cả ba người, và cảm thấy hạnh phúc thực sự khi nhận ra mình biết bao dung và yêu thương người khác.
Bước vào nhà, mùi nhang thoang thoảng quyện với tiếng tụng kinh văng vẳng từ chiếc máy thu âm đặt trên bàn thờ làm hắn sững sờ. Khuôn mặt của người lồng trong khung ảnh sao quá quen thuộc, hắn đoan chắc rằng đã nhiều lần gặp khuôn mặt của người đàn ông này ở đâu đó. Và hắn chợt rùng mình khi nhận ra khuôn mặt của hắn chính là bản sao của bức ảnh chân dung cũ kỹ kia… “Con thắp hương lạy ba ruột của con đi, tội nghiệp, trước khi mất ông ấy cứ lảm nhảm đòi gặp con cho bằng được”. Giọng nói nhẹ như hơi thở của mẹ hắn phát ra từ chiếc giường tre đặt ở góc nhà.
……………..
Mọi người ngạc nhiên khi nghe tin bác sĩ phó giám đốc xin thôi việc và về làm tại một bệnh viện tư nhân. Nếu tình cờ bạn gặp vị bác sĩ nào có khuôn mặt khá nhàu nát nhưng lại đối xử với bệnh nhân một cách tận tụy, trách nhiệm và yêu thương- đặc biệt đối với những cụ già và người nghèo - thì đó chính là “hắn” trong câu chuyện không đầu không đuôi không bố cục không hàm ý không ám chỉ gì hết của tôi. Và vị bác sĩ đó rất thích ngồi ở quán cóc ven đường uống rượu nếp than với một đĩa nhộng xào.

Vugia
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét