LOÃNG XƯƠNG (OSTEOPOROSIS): PHẦN III

Bài viết của BS ThS Hàn Tiểu Sảo


PHẦN III: PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG

Bảo vệ sức khỏe xương của bạn dễ dàng hơn bạn nghĩ

Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và lối sống có thể ảnh hưởng đến khối lượng xương. Để duy trì sức mạnh và mật độ xương, cơ thể đòi hỏi được cung cấp đủ calcium, khoáng chất, vitamin D, lượng thích hợp của một số hormone:

• Hormone tăng trưởng GH (growth hormon) do tuyến yên tiết ra: không có tác dụng trực tiếp lên hủy và tạo xương, nhưng nó có thể kích thích sự tổng hợp IGF1 (insulin like growth factor 1) của tế bào xương.

• Calcitonin do các tế bào cận nang giáp tiết ra làm giảm hoạt động của các tế bào hủy xương, ức chế quá trình hủy xương.

• Hormone tuyến cận giáp: dưới tác dụng của PTH thì bao giờ quá trình hủy xương cũng diễn ra mạnh hơn tạo xương.

• Estrogen được tạo ra bởi buồng trứng: có tác dụng ức chế hủy xương gián tiếp thông qua các hormon khác hoặc thông qua tác động của các yếu tố tăng trưởng tại chỗ.

• Testosterone được bài tiết chủ yếu từ tinh hoàn một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận. Giảm testosteron hay sự thiếu hụt estradiol cũng góp phần vào sự loãng xương ở nam giới.

Với hoạt động và liều lượng tối ưu của các hormon, vitamin, và khoáng chất, bè xương phát triển thành một cấu trúc mạng phức tạp tuy trọng lượng nhẹ nhưng mạnh mẽ.

Đo loãng xương

Chỉ định đo mật độ xương (Bone Mineral Density test: BMD test) hàng năm cho phụ nữ ≥ 65 tuổi , hoặc nữ kèm các vấn đề sau:

1. Quá trọng.
2. Hút thuốc lá.
3. Giảm chiều cao, lưng khom, còng.
4. Đau lưng đột ngột không nguyên nhân rõ ràng.
5. > 45 tuổi và gãy 1 xương.
6. Bệnh mạn tính.
7. Trước và sau khi điều trị K vú.

Nếu như không có chỉ định điều trị sau khi đo mật độ xương thì chỉ cần đo lặp lại sau 2-3 năm, thậm chí 4 năm. Để phát hiện thay đổi mật độ xương 2-3% cần phải 1-1,5 năm nếu như sai số đó là 1%, và 5 năm nếu sai số của máy là 5%. Khi đo lại, cần đo ở cùng một máy trên cùng một vị trí.

Trong trường hợp điều trị, có thể đo lặp lại ở cột sống thắt lưng vì tác dụng của thuốc ở vị trí này khá rõ rệt.

Trường hợp không có điều kiện đo mật độ xương: Có thể chẩn đoán xác định loãng xương khi đã có biến chứng gãy xương dựa vào triệu chứng lâm sàng và Xquang: Đau xương, đau lưng, gẫy xương sau chấn thương nhẹ, tuổi cao… 

Vài bước đơn giản để ngăn ngừa hoặc làm chậm mất xương

1/ Bao gồm nhiều calcium trong chế độ ăn uống. Đối với người lớn, tuổi từ 19-50 và nam giới độ tuổi từ 51-70, nhu cầu calcium là 1g/ngày. Các khuyến nghị tăng tới 1.2g một ngày cho phụ nữ sau 50 tuổi và nam giới sau tuổi 70. Nguồn cung cấp calcium bao gồm cua đồng, ốc nhồi, vừng, tôm khô, pho mát và các sản phẩm từ sữa, hạnh nhân, bông cải xanh, cải xoăn, cá hồi đóng hộp với xương, cá mòi và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ.

1/ Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ calcium. Ở tuối 19-70, nhu cầu Vitamin D là 600 IU/ngày. Kiến nghị tăng đến 800 IU/ngày cho người ≥ 71 tuổi. Nguồn cung cấp vitamin D bao gồm dầu cá, như cá ngừ và cá mòi, lòng đỏ trứng và sữa tăng cường. Ánh sáng mặt trời cũng góp phần vào việc sản xuất vitamin D của cơ thể.

3/ Hoạt động thể chất: Bài tập chịu tải trọng, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, tennis và leo cầu thang, có thể giúp bạn xây dựng xương và chậm mất xương. Tránh lạm dụng thuốc, không hút thuốc lá và tránh uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày.


Thức ăn có hàm lượng calcium cao: cua đồng, ốc nhồi, mè, tôm khô, và pho mát.

Nhu cầu calcium và hàm lượng calcium trong những thức ăn giàu calcium

Tài liệu tham khảo:

http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/bone-health/art-20045060?pg=1
http://www.webmd.com/osteoporosis/
http://bacsinoitru.vn/content/chan-doan-va-dieu-tri-loang-xuong-osteoporosis-1165.html


Tư Gia, 23:55' ngày thứ Sáu, 22/5/2015
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét