30.05.2015
Một phụ nữ Việt trẻ ở Nepal tình nguyện biến các cơ sở kinh doanh của mình thành nơi cung cấp chỗ ăn-ở miễn phí cho khách thập phương sau những trận động đất rung chuyển Nepal cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người.
Ngoài ra, chị Võ Thị Kim Cương còn tự đứng ra quyên quỹ và tổ chức các chuyến hàng cứu trợ tới tận những làng mạc xa xôi để giúp đỡ các nạn nhân thiên tai đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Lý do khiến chị quyết định ở lại Nepal là vì người dân ở đây rất thật thà, chất phát. Từ khi động đất đến nay chưa bao giờ có cuộc hôi của nào xảy ra. Chưa ai báo mất một món gì. Cho dù họ bỏ nhà đi mở cửa toang hoang cũng không có bị hôi của. Chợ búa ở thành phố bắt đầu ổn định lại rồi.
Sau 5 năm theo chồng về xứ an cư lạc nghiệp, cô gái sinh năm 1979 hiện là chủ chuỗi nhà hàng Sài Gòn Phở có tiếng ở Nepal. Trong lúc chị sắp mở thêm một tiệm thứ ba thì thiên tai thảm khốc ập tới biến nhiều phần của lãnh thổ bình yên này thành những đống đổ nát hoang tàn.
Hai cơ sở kinh doanh hiện tại của người phụ nữ Việt bén duyên Nepal may mắn được an toàn sau hai cơn động đất hôm 25/4 và 12/5 cùng nhiều đợt dư chấn liên tiếp trong hơn tháng qua đã trở thành trung tâm cứu trợ tấp nập, với các chuyến hàng khởi hành liên tục đưa nhu yếu phẩm đi cứu giúp những người cơ nhỡ.
Từ thủ đô Kathmandu của Nepal, chị Kim Cương sẽ chia sẻ với các bạn những gì chị tận mắt chứng kiến trong thảm họa kinh hoàng và câu chuyện về tình người trong cơn hoạn nạn.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi với chị Võ Thị Kim Cương
- Tải
Chị Kim Cương: Chị qua Nepal thấy dân rất hiền lành, cuộc sống ở đây tĩnh lặng hơn, thích hợp với mình hơn. Cho nên chị quyết định ở lại.
Trà Mi: Sau 5 năm ở đây, chị thấy sự lựa chọn của mình có đúng đắn hay không, nhất là sau thảm họa thiên tai thế này?
Chị Kim Cương: Thấy rất xứng đáng. Nếu phải quay trở lại để lựa chọn, chị vẫn chọn Nepal.
Trà Mi: Chứng kiến thảm họa thiên tai, những mất mát về người và của rất lớn, cho chị những suy nghĩ thế nào?
Chị Kim Cương: Thấy rất tội vì cuộc sống người Nepal nói chung rất khổ. Thiên tai tới càng khổ hơn, làm cho mình càng muốn ở đây hơn để cùng chung tay giúp người Nepal vượt qua khó khăn này. Hiện tại gia đình mình cũng kêu gọi rất nhiều mạnh thường quân ở Việt Nam giúp. Trong hơn tháng nay, chị cũng làm được rất nhiều việc như phát hàng cứu trợ, phát gạo, mùng mền, dầu ăn, muối, và những thứ cần thiết cho bà con trong các làng. Hiện chị là đại diện duy nhất của các mạnh thường quân Việt Nam trong các hoạt động này.
Trà Mi: Đây có phải là kết quả chuyến đi Việt Nam của chị vừa rồi sau trận động đất?
Chị Kim Cương: Đúng rồi. Hôm 26/4 sau động đất một ngày, chị may mắn được lên máy bay về Việt Nam. Về đó, chị bắt đầu kêu gọi cứu giúp Nepal. Mình chứng kiến người ta quá khổ. Cũng giúp được mấy chục ngàn kg gạo rồi, cùng với rất nhiều lều. Mấy hôm trước có một sư thầy người Việt tới cũng tặng cho dân Nepal 100 nhà tôn để ở tạm vì bên đây đang mùa mưa tới. Ban ngày thì rất nắng. Còn ban đêm thì mưa rất lạnh. Cho nên, dân không thể ở trong lều nữa. Bây giờ ráng tập trung xây nhà cho dân, xây trên nền nhà họ bị sập.
Trà Mi: Ngoài việc đứng ra cứu trợ, chị còn dùng các tiệm phở của mình làm nơi tạm cư cho rất nhiều người trong suốt thời gian qua, chủ yếu là người Việt Nam…
Chị Kim Cương: Động đất tới, tất cả nhà hàng, quán, tiệm đóng cửa hết. Khách sạn, nhà nghỉ cũng đóng luôn. Cho dù có mở cửa cũng không dám cho khách vô vì sợ không an toàn. Nhà hàng Phở 99 của mình ở khu này rất an toàn vì không gần các tòa nhà cao tầng. Cho nên, chị kêu gọi người Việt nào ở Kathmandu mà khó khăn thì cứ tới Phở 99 ở tạm. Trong thời gian đó, mình cũng hỗ trợ ăn ở miễn phí cho các bạn Việt Nam. Đa số là các bạn sinh viên đến từ Hà Nội, những người làm ăn, những người sang đây hành hương. Phần đông là khách tới đây để leo núi. Đại diện đại sứ quán Việt Nam ở Ấn cũng có cử người qua đây cũng ở chung trong Phở 99 với mọi người luôn.
Trà Mi: Chủ yếu là người Việt từ xa tới, còn người Việt sinh sống ở Nepal có bị ảnh hưởng gì không?
Chị Kim Cương: Người Việt ở Nepal không nhiều. Trước đây có 3, 4 gia đình. Nhưng họ đã kiếm được công ăn việc làm ở những nước khác và đã đi hết. Chỉ còn 1, 2 gia đình Việt ở đây thôi, nhưng họ không bị ảnh hưởng động đất.
Trà Mi: Kathmandu là một trong những nơi bị thiệt hại động đất. Xung quanh nơi chị ở, chị chứng kiến quang cảnh như thế nào?
Chị Kim Cương: Kinh hoàng lắm. Hôm đó khoảng 12 giờ trưa 25/4. Lúc đó, mọi người hoảng loạn lắm. Trời đất rung chuyển. Lúc đầu chỉ rung bần bật, không ai nghĩ là động đất. Cho tới khi đất bắt đầu lắc lư, mọi người mới tá hỏa la lên rồi xúm nhau chạy ra ngoài. Lúc đó, chị đang trong văn phòng của mình ở nhà hàng Sài Gòn Phở. Chị cũng chạy ra với mọi người. Quang cảnh ngoài đường rất hỗn loạn. Những người đi xe honda té nằm dài la liệt ngoài đường. Những người đi xe hơi thì mở bung cửa chạy hết, mà chạy cũng không được. Nó lắc mạnh quá, mọi người nằm rạp xuống đất hết. Người chóng mặt ói, người xỉu. Khung cảnh hết sức hỗn loạn và khủng khiếp. Không ai kịp trở tay. Nhà cửa sập ngay lúc đó luôn. 15 phút sau mọi người định thần lại, cứ 5 phút là một chiếc xe cứu thương chạy ngang. Đầu tiên là xe cứu thương, sau bệnh viện hết xe cứu thương thì tới xe taxi, rồi tới xe hàng, xe của người dân toàn để chở người đi bệnh viện. Rất đáng sợ. Cùng một lúc đổ sập tất cả. Tháp cổ nổi tiếng của Kathmandu xây từ 1928 bị sập ngay lúc đó luôn. Rất nhiều trường học, nhà cửa sập ngay lúc đó luôn. 1-2 giờ sau, tin tức đưa dồn dập về nhà sập các nơi, rất nhiều.
Trà Mi: Xung quanh khu chị ở, nhà cửa bị thiệt hại nhiều không, nặng không?
Chị Kim Cương: Cách chỗ chị ở 5 phút là cung vua. Tường xung quanh sập hết, cũng bị thương mấy người. Gần tiệm phở của mình có một nhà hàng Hàn Quốc cũng sập hoàn toàn luôn. Kathmandu nổi tiếng là thành phố cổ, thu hút khách du lịch ở chỗ đó. Đa số nhà cửa là nhà cổ, nhà xưa. Một số đền đài là kỳ quan thế giới thì bằng cây, nhưng đa số nhà dân xây bằng đất sét. Khi nó sụp đổ, không còn là đống gạch nữa mà thành một đống cát luôn.
Trà Mi: Tận mắt chị có chứng kiến những cảnh thương vong đau lòng?
Chị Kim Cương: Lúc động đất mạnh, mọi người chạy băng qua bên kia đường. Khi quay trở lại nhà thấy có một chiếc xe chở người bị thương đi ngang. Nhìn vô xe thấy một bác chết rồi. Còn một bác kia thì cái chân bị rớt thịt ra, rơi ra từng miếng, từng miếng. Nó kinh hoàng hơn mình có thể tưởng tượng. Không thể tin nổi trận động đất tàn phá khủng khiếp đến vậy. Những ngôi nhà đầu chùi xuống đất, có những nhà còn là đống cát, những nhà khác còn là đống cây vụn. Không thể hình dung nổi cho dù đã từng coi động đất ra sao ở Nhật.
Qua thiên tai động đất này, mình thấy cuộc đời không có gì là chắc chắn hết. Tỉ phú hay người nghèo khó khi động đất vẫn phải ra đường nằm như nhau. Một bài học chị rút ra là cho dù giàu hay nghèo, dù ở nước nào đi nữa cuối con đường cũng về một chỗ, không ai tránh khỏi. Cho nên, mình hãy sống thật nhẹ nhàng, hạnh phúc, giúp đỡ những người xung quanh những gì có thể.
Trà Mi: Biện pháp ứng phó thiên tai và công tác cứu hộ -cứu trợ ra sao?
Chị Kim Cương: Nói chung, chính phủ Nepal cũng cố gắng lắm, nhưng ở đây mọi việc đều rất chậm so với các nước. Động đất xảy ra 12 giờ trưa, tới 4-5 giờ chiều mới nghe tiếng trực thăng cứu hộ. Sự cứu hộ cũng rất ư là chậm.
Trà Mi: Với sự tiếp sức từ quốc tế, công tác đó hiện giờ có nhanh chóng, nhịp nhàng, hiệu quả không, tính tới giờ phút này?
Chị Kim Cương: Có quốc tế vô cũng cứu giúp được nhiều lắm. Công tác đó cũng tiến triển được nhanh hơn rất nhiều. Cuộc sống của mọi người bây giờ cũng rất khổ. Dân thành phố thì cuộc sống tương đối ổn định lại, nhưng ở những làng xa mà mình đi cứu trợ, dân ở đó còn rất khổ. Chưa có sự cứu trợ nào đến hết, chỉ có y tế thôi, còn lương thực và các thứ thì chưa có gì. Dân còn đói khổ lắm, còn phải ngủ trong lều. Mình cũng giúp được một số, nhưng số thiệt hại quá lớn mình không thể nào làm hết. Tiền quyên góp của mình cũng có giới hạn.
Trà Mi: Về các nguồn lực đáp ứng các nhu cầu căn bản nhất như chợ búa, hàng hóa có khan hiếm, có nạn đội giá hay hôi của?
Chị Kim Cương: Lý do khiến chị quyết định ở lại Nepal là vì người dân ở đây rất thật thà, chất phát. Từ khi động đất đến nay chưa bao giờ có cuộc hôi của nào xảy ra. Chưa ai báo mất một món gì. Cho dù họ bỏ nhà đi mở cửa toang hoang cũng không có bị hôi của. Chợ búa ở thành phố bắt đầu ổn định lại rồi. Dân có thể đi mua các món cần thiết, giá cả không bị đội lên. Còn ở những nơi xa xôi, còn quá khó khăn. Ví dụ ngôi làng hôm nay chị trao 5300 kg gạo, nó cách thủ đô 5 tiếng. Tới nơi phải đi xe buýt tới làng thêm 5 tiếng nữa. Người trong làng đâu có xe buýt xuống, họ chỉ đi bộ xuống để mua được 1 kg rau hay 1 kg gạo.
Trà Mi: Nếu có sự so sánh giữa quê hương thứ nhất Việt Nam và quê hương thứ hai Nepal về mặt cuộc sống-con người, đặc biệt là sau những giai đoạn khó khăn nhất, chị nhận thấy thế nào?
Chị Kim Cương: Mỗi nơi có ưu điểm, yếu điểm riêng nên khó thể so sánh được. Nói chung cuộc sống ở Việt Nam được sung túc hơn Nepal. Dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi hơn. Việt Nam có điện nước 24 tiếng ngày. Bên Nepal một ngày cúp điện 18 tiếng. Bên mình có đầy đủ nước sạch, còn bên Nepal thì chưa có đủ nước sạch. Nhiều khi không có xăng, không có gas. Đôi khi phải xếp hàng cả trăm người để chạy vô mua được một thùng gas. Mỗi ngày cúp điện 18 tiếng mình phải chạy máy đèn mà đôi khi Nepal chưa trả tiền đủ cho Ấn Độ nên xăng không qua, mình phải đốt đèn cầy.
Trà Mi: Không bằng so với đời sống ở Việt Nam, nhưng chị vẫn chọn Nepal làm nơi an cư lạc nghiệp dĩ nhiên đất nước này cũng có những ưu điểm vượt trội mà một trong số đó là văn hóa, tình người đối xử với nhau. Từ kinh nghiệm thiên tai lần này ở Nepal, chị rút ra cho mình những điều gì trong cuộc sống?
Chị Kim Cương: Qua thiên tai động đất này, mình thấy cuộc đời không có gì là chắc chắn hết. Tỉ phú hay người nghèo khó khi động đất vẫn phải ra đường nằm như nhau. Một bài học chị rút ra là cho dù giàu hay nghèo, dù ở nước nào đi nữa cuối con đường cũng về một chỗ, không ai tránh khỏi. Cho nên, mình hãy sống thật nhẹ nhàng, hạnh phúc, giúp đỡ những người xung quanh những gì có thể.
Trà Mi: Về sự trợ giúp Nepal lúc này đi đầu vẫn là Mỹ. Thế còn sự trợ giúp của Việt Nam đối với Nepal, chị ghi nhận thế nào?
Chị Kim Cương: Về chính phủ thì không biết có trợ giúp thế nào không, nhưng cũng có rất nhiều cá nhân từ Việt Nam tự qua bên đây cứu trợ, tự đi phát quà. Tình thương của người Việt mình cũng bao la lắm. Chị đứng ra kêu gọi thôi mà mọi người cũng quyên góp cho chị, nghĩa là tinh thần ‘lá lành đùm lá rách’ của người Việt cũng rất lớn.
Trà Mi: Để chuyển tải một thông điệp tình cảm đến người dân Nepal, là một người Việt sinh sống ở Nepal, chị muốn nói gì với họ trong lúc này?
Chị Kim Cương: Chị chỉ muốn họ cố gắng lên để cùng nhau vượt qua khó khăn này. Thiên tai đâu đoán trước được, quan trọng là mọi người hãy nắm tay nhau đứng lên để đất nước trở lại sự bình yên như trước. Một người dân Việt sống ở đây, đã gắn bó với nơi này rồi, chị sẽ làm tất cả những gì có thể để đóng góp. Giúp được họ phần nào chị cũng thấy mãn nguyện lắm. Thấy Nepal được bình yên trở lại là chị hạnh phúc lắm rồi.
Trà Mi: Chân thành cảm ơn chị đã dành cho VOA cuộc trao đổi này.
Nguồn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét