PHẦN IV: ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP
/VIÊM KHỚP XƯƠNG
Thoái hóa khớp tiến triển từ từ và dần dần nặng hơn, chưa có cách điều trị hết hẳn. Vì thế mục tiêu của điều trị là giảm đau và cải thiện tình trạng chức năng.
Điều trị phải kết hợp nhiều phương pháp: tập thể dục, giảm cân nếu thừa cân, thuốc men, vật lý trị liệu với các bài tập tăng cường cơ bắp, chườm nóng và lạnh, tiêm thuốc vào khớp, và sử dụng các thiết bị hỗ trợ. Phẫu thuật có thể hữu ích để giảm đau khi các điều trị nội khoa không còn hiệu quả.
Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bao gồm tuổi tác, hoạt động và nghề nghiệp, sức khỏe tổng thể, tiền sử y tế, khớp bị ảnh hưởng, và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Tùy mức độ năng nhẹ mà có phương pháp điều trị phù hợp.
I. GIẢM CÂN VÀ VẬT LÝ TRỊ LIỆU
1. Tập thể dục:
Đạt trọng lượng lý tưởng là cách tốt nhất và quan trọng nhất để điều trị thoái hóa khớp. Tập thể dục còn làm tăng độ bền và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp, làm cho khớp ổn định hơn. Bài tập nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đi bộ trên bề mặt phẳng được khuyến cáo. Tránh các hoạt động làm tăng đau khớp, chẳng hạn như chạy bộ hoặc các động tác thể dục nhịp điệu mạnh. Khi tập mà cảm thấy đau khớp thì dừng lại. Đau kéo dài nhiều giờ sau khi tập thể dục có nghĩa là đã tập quá trớn, nhưng không có nghĩa là nên ngừng tập thể dục hoàn toàn.
2. Vật lý trị liệu, Tai chi và yoga:
Liệu pháp vận động liên quan đến bài tập nhẹ nhàng và kết hợp với hít thở sâu làm tăng cường các cơ bắp xung quanh khớp, tăng phạm vi của chuyển động và giảm đau. Nhiều người sử dụng các liệu pháp này để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống và có thể làm giảm đau khớp. Tránh các vận động gây đau khớp.
3. Giảm cân:
Thừa cân hoặc béo phì làm các khớp phải chịu tải trọng, ví dụ đầu gối và hông.
4. Sử dụng nhiệt và lạnh để giảm đau:
Chườm nóng và lạnh có thể làm giảm đau ở khớp. Nhiệt làm giảm độ cứng khớp và lạnh làm giảm co thắt cơ và giảm đau.
II. THUỐC
• Bước đầu tiên với thuốc giảm đau thông thường không cần toa. Không dùng hơn 10 ngày nếu chưa có ý kiến của Bác sĩ vì nguy cơ tác dụng phụ. Một số loại thuốc dạng kem, thuốc xịt dùng tại chỗ ít tác dụng phụ hơn mà vẫn giảm đau tốt.
• Nếu không có hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa loại thuốc kháng viêm mạnh hoặc dùng thuốc khác để giúp giảm đau.
• Tiêm thuốc corticosteroid giúp giảm đau khớp. Trong thủ thuật này bác sĩ sẽ gây tê khu vực xung quanh khớp, sau đó tiêm thuốc vào trong khớp. Chú ý nguy cơ nhiễm trùng khớp. Lượng cortisone nên giới hạn vì thuốc có thể làm trầm trọng thêm tổn thương khớp theo thời gian.
• Tiêm axit hyaluronic (tương tự như một thành phần trong dịch khớp) tác dụng như chất đệm giúp giảm đau.
• Khi cơn đau trầm trọng và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như các narcotics có thể xem xét.
III. THUỐC PHỤ TRỢ/ THAY THẾ
• Glucosamine và chondroitin: một số nghiên cứu cho thấy bổ sung glucosamine & chondroitin có thể giảm đau ở một số người bị thoái hóa khớp, đặc biệt là đầu gối. Nhưng không có bằng chứng cho thấy glucosamine có thể tái tạo lại sụn. Không sử dụng nếu dị ứng với động vật có vỏ hoặc đang sử dụng warfarin.
Chế phẩm bổ sung khác là SAMe (S-adenosylmethionine) có hiệu quả kháng viêm và ít tác dụng phụ hơn, nhưng tác dụng chậm hơn.
• Hỗn hợp của các loại dầu chống viêm: một số nghiên cứu cho thấy có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn ngừa tổn thương khớp.
• Châm cứu có thể làm giảm đau và cải thiện chức năng ở những người có viêm xương khớp đầu gối. Rủi ro bao gồm nhiễm trùng, bầm tím và một số cơn đau nơi kim đâm.
• Thiết bị trợ giúp làm cho cử động khớp dễ dàng do giảm áp lực lên khớp. Ví dụ gậy chống ở tay đối diện với chân đau vừa làm giảm đau vừa ngừa té ngã, bàn chải đánh răng có trợ giúp làm cho việc đánh răng dễ dàng hơn ở người viêm khớp ngón tay, chiếc ghế dài trong phòng tắm giúp giảm đau do đứng nếu viêm khớp gối, miếng lót giày hoặc các thiết bị khác có thể giúp giảm đau khi đứng hoặc đi bộ.
IV. ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA
Thật không may, điều trị nội khoa chỉ có thể giúp giảm đau và duy trì vận động khớp, không có thuốc đặc trị thoái hóa khớp, không có thuốc nào có thể đảo ngược hoặc làm chậm sự tiến triển của tổn thương khớp do thoái hóa. Vì thế, khi khớp bị hư tổn trầm trọng, các biện pháp nội khoa và phục hồi chức năng không đạt kết quả thì phương pháp điều trị phẫu thuật được xem xét.
1. Phẫu thuật nội soi khớp
Nội soi khớp để làm sạch sụn bị tổn thương hoặc sửa chữa các mô bị hư hỏng, thường được thực hiện trên đầu gối và vai. Phẫu thuật này cắt hoạt mạc đang bị viêm bằng dao đốt điện, lấy bỏ những mảnh sụn bị bong gây kẹt khớp, làm sạch sụn rách. Mất sụn có thể tiến hành can thiệp ghép sụn, nếu không ghép được thì làm sạch nơi tổn thương và kích thích các mô khớp phát triển làm đầy phần sụn đã mất. Phẫu thuật nội soi có thể giúp giảm đau một thời gian, tuy nhiên nó không thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp.
2. Phẫu thuật đục xương chỉnh trục
Nếu quá trình thoái hoá làm bào mòn lớp sụn khu trú trong một ngăn của khớp, đồng thời gây biến dạng vẹo trong hoặc vẹo ra ngoài thì bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp đục xương chỉnh trục. Ví dụ: thay đổi trục cơ học của khớp gối, làm cho khớp gối chịu lực lên ngăn còn lại không bị mòn lớp sụn. Phẫu thuật này thường áp dụng cho những người còn trẻ tuổi, nó giúp giảm đau kéo dài một thời gian khá lâu.
3. Khớp nhân tạo
Nếu khớp đã bị hư trầm trọng, lớp sụn đã bị bào nhiều, đau khớp nghiêm trọng gây trở ngại đáng kể chức năng và chất lượng cuộc sống thì phải thay khớp nhân tạo (bằng nhựa cao phân tử hay kim loại). Thường là các khớp háng và đầu gối (hiện nay cũng có cả các khớp nhân tạo khác như khớp vai, ngón tay, khuỷu tay, mắt cá chân). Sau đó, mọi vận động và chịu lực của khớp bây giờ sẽ do khớp nhân tạo này đảm trách, người bệnh hết đau, vận động khớp được cải thiện rõ rệt, dù không thể trả lại trạng thái bình thường của nó (khớp nhân tạo không thể có tất cả các chuyển động như một khớp bình thường). Rủi ro phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng và tắc mạch. Khớp nhân tạo có thể hao mòn hoặc lỏng và có thể phải thay lại. Thay khớp lặp lại thì khó và ít thành công hơn so với phẫu thuật ban đầu. Thay khớp phải cân nhắc tuổi của bệnh nhân ( thường > 60 tuổi) vì tuổi của khớp nhân tạo chỉ khoảng 15 năm.
Khớp gối nhân tạo tư thế thẳng & nghiêng
Khớp háng (T) nhân tạo
Tham khảo:
http://emedicine.medscape.com/article/330487-overview
http://www.webmd.com/osteoarthritis/guide/arthritis-basics
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoarthritis/basics/definition/con-20014749
0 nhận xét:
Đăng nhận xét