TÌNH YÊU THỜI THỔ TẢ _GARCIA MARQUEZ


Câu chuyện  một gia đình  6 người chết trong một cuộc thảm sát vì tình ở Bình Phước đầu tháng 7/2015 vừa qua làm đã làm rúng động nhân tâm cả nước. Bấy giờ người ta mới sững sờ, thảng thốt hỏi nhau: điều gì  khiến một chàng trai trẻ mới hai mươi bốn tuổi  trở nên tàn độc, vô nhân tính với những người từng là người hắn hết lòng thương yêu như vậy, tình yêu chăng, mà tình yêu thì có tội gì???


+ + + + +


  Câu chuyện bi thảm trên làm tôi nhớ đến một tiểu thuyết khá nổi tiếng của nhà văn người Colombia , đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh. Ông là  Gabriel José García Marquez, tác giả tiểu thuyết “Tình yêu thời thổ tả.”
  
   Gabriel José García Marquez sinh ngày 6/3/1927, mất ngày 17/4/2014,  từng được trao giải Nobel văn học năm 1982. Nói đến García Marquez người ta hay nhắc đến tiểu thuyết đậm chất hiện thực huyền ảo “Trăm năm cô đơn ’’, thế nhưng “ Tình yêu thời thổ tả ”cũng có thể được xem là  thành công rực rỡ của García Marquez ở một phương diện khác. Câu chuyện tình yêu trong “Tình yêu thời thổ tả  ” được Tạp chí New York Times đánh giá là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là “Tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim ”.Scott Stein-dorff, người mua bán quyền làm phim tác phẩm này nói : “Cùng với Romeo và Juliet của đại văn hào người Anh Shakespeare, đây là câu chuyện tình lớn nhất cho tới nay được kể ra. Nó đã khiến cho hầu hết các bậc mày râu chúng ta thấy mình thực sự bất hạnh bởi không được tận hưởng vẻ đẹp lãng mạn của tình yêu đó”. Cần nói thêm, câu chuyện tình yêu trong đời thực của cha và mẹ  García Marquez chính là nguồn cảm hứng cho nhà văn viết nên tác phẩm này.

   Trước hết, xin nói về nhan đề truyện lạ lùng, độc đáo: “Tình yêu thời thổ tả .” Có thể có mối quan hệ gì  giữa tình yêu, vốn là một khái niệm long lanh,  vời vợi như những vì sao xanh trên trời với một chứng bệnh rất đời thường khá phiền phức và thô thiển của con người? Có đấy ! Câu chuyện tình trong tiểu thuyết này mở đầu với bối cảnh  của vùng cảng biển  Caribê vào những năm 1880, khi mà đất nước Colombia còn là một xứ sở thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha. Vào thời ấy , đại dịch thổ tả đang hoành hành  trên khắp nơi sau 7 lần bùng phát, bắt đầu từ Ấn Độ, lan rộng đến nước Nga qua các đường vận tải, tiếp theo là Châu Âu và Bắc Mỹ theo những chuyến di dân. Kết thúc câu chuyện  ,để được  bình yên bên nhau, đôi tình nhân sau hơn 50 năm xa  cách phải sống trên một chiếc tàu thủy. Chiếc tàu thủy ấy có treo một lá cờ vàng, dấu hiệu trên tàu có người đang mắc bệnh thổ tả, vì vậy phải cách ly hoàn toàn với thế giới của con người. Hình ảnh chiếc tàu thủy với lá cờ vàng trên vùng cửa sông Macgơđalêna ngầu bùn mênh mông như ở tận bên kia thế giới vô hình trung đã trở thành biểu tượng đẹp của tình yêu, hơn thế nữa, cũng có thể xem là hình ảnh đẹp đẽ lãng mạn duy nhất còn lưu dấu  lại trong văn chương, trong kí ức nhân loại sau những thảm họa kinh hoàng của 7 lần đại dịch tả  cướp đi sinh mạng hàng chục triệu con người . 

   Hai nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tình yêu thời thổ tả ‘’ của García Marquez là Phlorentino Arixa và Phecmina Đaxa. Mối tình trái ngang của họ là một trường hợp khá điển hình trong đời sống thực . Phlorentino Arixa là đứa con ngoài giá thú, sống với mẹ  là người  bán hàng vặt ngụ trong  ngôi nhà thuê của một  xóm nghèo.Trong khi đó, Phecmina Đaxa  mẹ chết lúc còn nhỏ,  cha là một nhà buôn giàu có mới phất lên. Nói hai gia đình không môn đăng hộ đối thì không chính xác, nhưng rõ ràng giữa hai người trẻ tuổi đã có sẵn một hố sâu ngăn cách, một sự chênh lệch khó lòng xóa bỏ giữa giàu và nghèo. Phlorentino Arixa bấy giờ mới mười tám tuổi, một điện báo viên bình thường, người gầy gò xanh xao, cặp kính cận dày, nom lúc nào cũng có vẻ cô đơn. Một ngày, Phlorentino Arixa đến nhà Phecmina Đaxa để trao cho cha cô một bức điện báo, khi đi ngang ngoài cửa sổ, tình cờ thấy Phecmina Đaxa  mười ba tuổi , đang ngồi học bài, cô đã ngước nhìn lên,  và cái nhìn ngẫu nhiên ấy là khởi thủy của một tấn bi kịch tình yêu mà hơn một nửa thế kỷ sau vẫn chưa kết thúc!

   Hai tuần sau đó Phlorentino Arixa sống mà tâm tưởng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Phecmina Đaxa  . Anh viết một bức thư dày hơn sáu mươi tờ giấy viết kín hai mặt và tìm mọi cách trao bức thư cho cô bé thiên thần của mình. Cũng  từ khi gửi thư, nỗi khắc khoải mong đợi  đã khiến anh ốm nặng: bụng quặn đau, nôn mửa, mạch chìm đi, hơi thở khò khè, mồ hôi vàng như mồ hôi người bệnh sắp chết. Bà mẹ Phlorentino Arixa phát hoảng vội mời thầy thuốc, hóa ra, mặc dù triệu chứng rất giống, Phlorentino Arixa không bị mắc bệnh thổ tả, anh chỉ khốn khổ vì mắc bệnh tương tư!
  
   Về phần Phecmina Đaxa, cô thiếu nữ xinh đẹp có dáng đi kiêu hãnh của một loài “hoẵng cái”, ban đầu là sự ngạc nhiên, tò mò, và rồi không biết tự bao giờ sự tò mò ấy biến thành nỗi khát khao mong đợi những lần gặp mặt, những lá thư mà ngày nào họ cũng viết cho nhau.Tình yêu trong lòng người thiếu nữ, ban đầu chỉ là một đốm lửa,  dần dần đã trở thành một đám cháy.

   Nhưng hiển nhiên là Lorenxo Đaxa, ông bố của Phecmina Đaxa, không bao giờ có thể chấp nhận một cuộc hôn nhân không cân xứng như vậy. Vốn chỉ là một kẻ buôn lừa, không biết đọc cũng không biết viết, chỉ có quyết tâm làm giàu và ông đã làm việc cật lực đến mức không một con lừa nào của ông sánh kịp.Từ khi vợ chết, Lorenxo Đaxa chỉ có một mục đích phấn đấu duy nhất là để cô con gái thành một bà lớn. Và sự xuất hiện của chàng trai trẻ Phlorentino Arixa đã thành một trở lực cho tất cả những dự định đó.Với một khẩu súng lục trong tay, Lorenxo Đaxa nói chuyện với Phlorentino Arixa. Cuộc nói chuyện bất thành, biết không thể lay chuyển được ý chí của chàng trai, ngay trong tuần lễ đó, ông bố đem người con gái đi xa thật xa.

    Phecmina Đaxa  đã mười tám tuổi, ngày càng trở nên xinh đẹp và kiêu hãnh hơn xưa. Thời gian  làm cho mọi chuyện trở nên mờ nhạt và cô gái nhận ra chuyện tình yêu với Phlorentino Arixa ngày xưa chỉ là một chuyện hoang đường. Khoảng thời gian ấy, bệnh tả đang lan tràn, chỉ trong mười một tuần lễ mà gây ra nạn chết người chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Người chết ngã sóng sượt trên những vũng bùn ở chợ, nghĩa địa đầy ứ người và các nhà thờ cũng không còn chỗ để chôn cất tử thi. Phecmina Đaxa  có vẻ như đang có những triệu chứng của bệnh tả. Điều đó khiến bố cô rất lo lắng và lập tức ông cho mời bác sĩ đến khám bệnh cho Phecmina Đaxa  .
  
    Bác sĩ Huvênan Ucbinô, hai mươi tám tuổi, trở về tổ quốc sau một thời gian dài học tập ở Pari, là niềm ngưỡng mộ của tất cả các cô gái trong thành phố. Kết quả chẩn đoán của ông là Phecmina Đaxa  chỉ  bị rối loạn tiêu hóa,  điều trị tại gia trong ba ngày là khỏi. Nhưng bác sĩ Huvênan Ucbinô sau đó còn trở lại ngôi  nhà của Phecmina Đaxa  nhiều lần .Bác sĩ sĩ Huvênan Ucbinô từng là người hùng chiến đấu rất kiên cường với đại dịch tả nhưng lại hoàn toàn gục ngã trước sắc đẹp và sự kiêu hãnh của Phecmina Đaxa; và ông bố  Phecmina Đaxa thực sự không có mong muốn gì hơn là một chàng rể học thức, giỏi giang, con nhà dòng dõi và giàu có như vậy .

   Khi Phlorentino Arixa biết chuyện Phecmina Đaxa  sẽ kết hôn cùng bác sĩ Huvênan Ucbinô, anh phát ốm  không tài nào dậy nổi.  Anh không ăn, không nói và trắng đêm khóc sướt mướt.Bà mẹ rất sợ hãi đã hết lời yên ủi con mình, và rồi bà tìm mọi cách khẩn cầu một người bà con cho anh làm việc trong một hãng tàu thủy, mục đích là rời xa thật xa khỏi thành phố cần được lãng quên này.

  Năm mươi mốt năm chín tháng bốn ngày sau đó, mà mỗi ngày đều như được vạch một vạch để đánh dấu, Phlorentino Arixa đã trở thành ông chủ Hãng tàu thủy Caribê  giàu có. Thời gian ấy,  ông cũng đã trải qua 622 mối tình, mà mỗi mối tình đều được ghi chép tỉ mỉ vào một cuốn sổ. Mặc dù vậy, không một ngày nào, không một mối tình nào có thể làm cho Phlorentino Arixa nguôi quên được Phecmina Đaxa. Cả cuộc đời đã qua và còn lại của ông dường như chỉ hướng tới một mục đích cuối cùng, một mục đích duy nhất là chờ đợi ngày Phecmina Đaxa  trở lại với ông .Ông đã chờ đợi cái ngày ấy với  một khát vọng tình yêu mà không một trở lực nào của cõi đời hoặc cõi thần có thể  bẻ gãy được.
  
   Những thách thức,  trở lực mà Phlorentino Arixa phải đương đầu để đạt đến khát vọng tình yêu của mình quả thực rất ghê gớm, bởi cuộc hôn nhân của bác sĩ Huvênan Ucbinô và Phecmina Đaxa  trong mắt người đời chừng như rất lâu bền và viên mãn. Bác sĩ Huvênan Ucbinô không chỉ là một công dân sáng giá của thành phố mà còn là một ông chồng mẫu mực trong gia đình. Phecmina Đaxa quý phái , trang nhã  đúng kiểu một phụ nữ tầng lớp thượng lưu, bà  thường xuyên xuất hiện các hoạt động từ thiện và giao lưu văn hóa xã hội. Không ai ở bên ngoài có thể chê trách điều gì về cuộc sống của đôi vợ chồng này. Hai người vừa mới tổ chức lễ kỉ niệm Đám cưới vàng vào năm ngoái và Phecmina Đaxa  khi ấy đã ngoài bảy mươi. Tuổi già làm họ càng gắn bó với nhau đến mức người này sống không thể thiếu  người kia.Từ lâu, đã không còn ai đặt tay lên ngực chỗ trái tim mình mà tự hỏi: cuộc hôn nhân của họ có được bắt đầu từ tình yêu không ? Và từ lâu , cả hai đã đều muốn quên đi câu trả lời .
  

   Vậy mà ngày Phlorentino Arixa mong đợi rồi cũng đến.Tám mươi mốt tuổi, cái chết của bác sĩ Huvênan Ucbinô đến tự nhiên như lẽ thường tình mà vẫn cứ khiến tất cả  mọi người  bất ngờ. Điều làm Phecmina Đaxa  bất ngờ nhất là ngay trong ngày đám tang chồng bà, khi khách khứa vừa vãn thì Phlorentino Arixa, bấy giờ đã là một  cụ già, ông mặc tang phục, đứng nghiêm trang, mũ úp lên phía ngực có trái tim, vẻ run rẩy và đường hoàng, nghẹn ngào bật ra tiếng nói:

 _ Phecmina Đaxa, từ hơn một nửa thế kỉ anh đợi dịp này để một lần nữa nhắc lại với em lời thề hạnh phúc mãi mãi và tình yêu thủy chung son sắt của anh đối với em.
  
   Câu nói của Phlorentino Arixa quả thực, nói như  bây giờ, rất sến sẩm, rất cải lương, tưởng chừng như García Marquez đã cho nhân vật của mình sống lùi tới vài thế kỉ để nói cái kiểu lời nói của Romeo với  Julieet  trong tác phẩm của văn hào William Shakespeare. Nhưng ngẫm ngợi kĩ, trong hoàn cảnh ấy, những lời nói ấy rất tự nhiên và chân thành. Đó là những lời nói mà chàng trai _người đàn ông Phlorentino Arixa đã ấp ủ trong trái tim mình, đã đợi chờ miệt mài hơn nửa thế kỉ, chỉ mong cầu dẫu thế nào cũng phải được được nói ra và sẽ phải nói ra ngay khi có cơ hội đầu tiên, dù cơ hội đầu tiên đó  đến ngay trong đám tang chồng Phecmina Đaxa.
  
   Nghe câu nói của Phlorentino Arixa, thoạt tiên Phecmina Đaxa giận đến điên người và suýt nữa nổi cơn thịnh nộ với kẻ đã dám báng bổ vào thanh danh của gia đình bà ngay trong đám tang của chồng bà. Nhưng sau đó, khi chỉ còn một mình trong cái phòng ngủ trống trải ,trong đêm góa bụa đầu tiên của mình,  lần đầu tiên sau hơn năm mươi năm bà khóc một mình, khóc cho chính mình. Và tất cả những gì vốn  thuộc về quá khứ đã muốn đào sâu chôn chặt trong phút chốc lại hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết.
  
   Mười tám tuổi, Phecmina Đaxa đã từ bỏ tình yêu với Phlorentino Arixa, không hẳn chỉ vì thuận theo ý cha, và trong suốt hơn năm mươi năm, chưa bao giờ bà nghi ngờ rằng cái quyết định ấy của mình là không đúng đắn. Mười tám tuổi, Phecmina Đaxa dẫu là cô gái mạnh mẽ, cá tính vẫn không thể thoát ra khỏi những định kiến xã hội cho rằng chính là bác sĩ Huvênan Ucbinô giàu có, danh giá _ chứ không phải là chàng điện báo viên Phlorentino Arixa nghèo khó, đáng thương_ mới là mẫu người đàn ông lý tưởng  khả dĩ mang lại hạnh phúc cho cuộc đời nàng. Cũng như nhiều phụ nữ trẻ đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân biết rằng cần phải tỉnh táo để lựa chọn người sẽ gắn bó với mình suốt cả một cuộc đời dài dằng dặc, Phecmina Đaxa đã bước qua những bối rối , hoang mang để thực tin rằng tình yêu không có thực, và dù rằng nếu nó có thực thì tình yêu cũng không phải là cái mà nếu thiếu nó người ta không thể sống được trên đời !!!
  
  Tuy nhiên, ngay từ khi vợ chồng bác sĩ Huvênan Ucbinô trở về sau chuyến du lịch trăng mật ở Châu Âu, trong lòng người vợ trẻ Phecmina Đaxa đã xuất hiện những hoài nghi  và sự hoài nghi ngày lại càng trở nên nguy hiểm Hai người vẫn thường xuyên xuất hiện với gương mặt tươi cười đầy hạnh phúc trước công chúng nhưng ngay trong dinh thự  họ sống Phecmina Đaxa lại luôn cảm thấy có mùi chết chóc và tù đọng, bà sống nhưng lại luôn cảm thấy bất hạnh và khốn quẫn vì phải chịu đựng cái mùi chết chóc, tù đọng ấy. Những năm tháng sau, khi đã có con, bà hoàn toàn sống với những đứa con của mình, hoàn toàn chối  bỏ những cảm xúc không có lợi cho việc duy trì cuộc hôn nhân như những phần đông người phụ nữ được tiếng đoan trang vẫn thường làm thế.
  
   Về phía bác sĩ Huvênan Ucbinô cũng không thể nói mọi sự tốt đẹp hơn. Là người học thức, danh giá, giàu có, lẽ ra ông đã có thể điềm nhiên bước ra khỏi những ràng buộc của định kiến xã hội để có hạnh phúc thực sự với một cuộc hôn nhân có tình yêu. Nhưng ông đã không sáng suốt để  có sự lựa chọn như vậy. Cũng có thể nói tình yêu của bác sĩ Huvênan Ucbinô với Phecmina Đaxa là một sự nhầm lẫn về bệnh lý. Ngay từ đầu ông bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và sự tươi trẻ của Phecmina Đaxa nhưng ông lại  nhầm lẫn giữa sự đam mê nhất thời ấy  với tình yêu là sự đồng điệu, là sự kết nối sâu sắc bền vững giữa hai tâm hồn. Phecmina Đaxa với ông, không thực sự là một người vợ đúng nghĩa  _một  bạn đời tâm đầu ý hợp_  mà chỉ là một món hàng trang sức đẹp đẽ  ông muốn có được để làm dáng, để  được hãnh diện với  người đời. Việc ông thường xuyên lén lút đắm say với một người phụ nữ lai da đen đã có chồng và những người đàn bà khác nữa _mặc dù bị bưng bít  mọi đàng vẫn bị các báo lục lọi ra, làm ầm ĩ lên sau khi ông qua đời_ là   minh chứng rõ ràng của sự thất bại nặng nề  trong cuộc đời của người đàn ông vốn được xem rất thành công này
.
   Vậy là, cả  ba con người đáng thương ấy, thay vì được sống trọn vẹn từng ngày, họ đã bỏ phí hơn  năm mươi năm quý giá của cuộc đời mình. Tất cả cũng chỉ vì họ không bước qua được những định kiến xã hội. Những giọt nước mắt của Phecmina Đaxa trong đêm góa bụa đầu tiên là những giọt nước mắt đau thương của  sự thấu hiểu, cảm thương chính trái tim mình.
  
   Nhưng  thành trì của những  định kiến xã hội cổ hủ và nặng nề chỉ hoàn toàn sụp đổ vào những tháng năm sau đó, khi hai sự thật nữa dần được báo chí  phanh phui. Chuyện thứ nhất: hóa ra sự giàu có của ông bố Phecmina Đaxa có nguồn gốc từ những vụ làm ăn dối trá và bẩn thỉu động trời mà lợi nhuận của mỗi phi vụ  có thể lên tới 2000% .Lão ta đã không từ một việc gì kể cả buôn lậu vũ khí, ăn cắp của công và làm bạc giả. Chuyện thứ hai: hóa ra bác sĩ  Huvênan Ucbinô, người chồng gương mẫu gắn bó hơn năm mươi năm không chỉ là người tình của cô gái lai da đen, nữ tiến sĩ thần học Bacbara Lin,  mà còn  bồ bịch lăng nhăng hàng mấy năm trời với cả  Lucrêxia, người  bạn gái thân thiết nhất của  gia đình vợ chồng Phecmina Đaxa.

    Hai cú sốc đã làm Phecmina Đaxa gục ngã. Trong một thời gian ngắn, bà tàn tạ hẳn đi.Trong mỗi ánh nhìn, mỗi cử chỉ, người ta đều nhận ra ý nguyện muốn chấm dứt cuộc đời của bà. Nhưng Phlorentino Arixa, lúc bấy giờ là một cụ già đã ngoài tám mươi, chân bị què, lưng bó bột, ngày này qua ngày khác, kiên nhẫn  giúp bà nhóm lại đốm sáng của niềm tin le lói giữa những đổ vỡ hoang tàn .

    Sự gắn bó giữa hai người già đã làm  thành phố  dấy lên một làn sóng dư luận và làm đám con cháu nổi khùng lên. Cô con gái Ôphêlia tỏ rõ quan điểm: “ Tình yêu ở lứa tuổi chúng ta đã nực cười rồi , nhưng ở lứa tuổi các cụ, tình yêu là một cái gì đó dơ dáy, dơ dáy như những con lợn ấy” và quyết chí đuổi cụ Phlorentino Arixa ra khỏi nhà. Chính hành động ấy của  Ôphêlia đã thổi bùng cơn giận dữ của Phecmina Đaxa, bà lại một lần nữa trở về cá tính  mạnh mẽ, quật khởi như thời còn tuổi đôi mươi .Trước hài cốt của mẫu thân, bà đuổi đứa con gái hỗn láo ra khỏi nhà, và bằng thứ ngôn ngữ cầu kì giàu màu sắc của những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, bà giãi bày tâm sự với cô con dâu: “Một thế kỉ nay người ta đã làm thất bại cuộc đời ta với người đàn ông đáng thương kia vì lúc ấy chúng ta còn quá trẻ,và giờ đây họ muốn làm lại điều đó vì chúng ta đã quá già”.

    Vượt lên trên mọi sự ngăn trở của thần thánh và con người, đôi tình nhân sống những ngày cuối cùng với nhau trên một con tàu.Tình yêu càng gần cái chết càng trở nên mặn nồng. Bất chấp những xương xẩu xấu xí của tuổi già, bất chấp những buồn thảm vô vọng của cái chết kề bên, họ đã cùng sống với nhau những ngày yên bình, thanh thản nhất. Ngoài kia, trên mặt sông,  những khóm sen nở bông đỏ thắm và những chiếc lá to xòe hình trái tim. Gió vùng Caribê qua cửa sổ ùa vào phòng và chim chóc đủ loại từ mọi nẻo kéo về bay vòng tròn kêu lảnh lót. Chính trên chiếc tàu đơn độc cũ kĩ  này đây, họ nghe trong trái tim mình có những tiếng đập của ý nguyện rộn ràng.

   Để không làm phiền ai, cũng chẳng để ai làm phiền mình, họ treo lên cột cờ của  tàu một lá cờ vàng là dấu hiệu trên tàu có người mang bệnh dịch tả .
  
   Và chiếc tàu thủy với với lá cờ vàng cứ mãi miết trôi đi hoài  trên dòng sông Macgơdelena mênh mông xa mù  như thể trong một giấc mơ.

+ + + + +


   García Marquez là nhà văn tiên phong của dòng văn chương hiện thực huyền ảo Ở  “Tình yêu thời thổ tả”, tuy tính huyền ảo không đậm nét như ở tác phẩm kinh điển “Trăm năm cô đơn”của  nhưng người đọc vẫn dễ dàng nhận ra ở đây sự kết hợp giữa cái thực và cái ảo, cái bình thường với cái khác thường. Tình yêu của Phlorentino Arixa với Phecmina Đaxa là tình yêu của một người đàn ông bình thường, một công dân của xứ sở Colombia nửa cuối thế kỉ XIX, nhưng đồng thời cũng có thể nói  đó là một thứ tình yêu  “ngoại cỡ “ chỉ có thể có trong trí tưởng tượng của con người .Cách mà nhà văn để nhân vật chờ đợi năm mươi mốt năm chín tháng bốn ngày để nhắc lại “lời thề hạnh phúc mãi mãi  và tình yêu thủy chung son sắt thủy chung”; cách mà nhà văn để nhân vật trải qua 622 mối tình với đủ hạng đàn bà trong đó không thiếu những mối tình chân thành và nồng nhiệt nhưng vẫn giữ gìn trọn vẹn một trái tim thanh tân; rồi cách mà tác giả để đôi tình nhân tuổi ngoài tám mươi phiêu lưu trên một chiếc tàu không bến đỗ…Tất cả những chi tiết không thực , không bình thường ấy  đều thuộc về bút pháp nghệ thuật mà García Marquez sử dụng để  có thể diễn đạt một cách sâu sắc và độc đáo một  vấn đề muôn thuở: thân phận của  con người , thân phận của tình yêu.  Với “Tình yêu thời thổ tả”nhà văn châu Mỹ La Tinh  García Marquez muốn gửi đến nhân loại một “Tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim”.
  
+ + + + +
  
   Như đã nói ở phần đầu, câu chuyện tình trong tiểu thuyết này mở đầu với bối cảnh một xứ sở thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha  nửa cuối thế kỷ XIX. Khi ấy  xã hội Colombia  phải trải qua rất nhiều biến động trong đó có cuộc nội chiến tương tàn làm chết đến 300.000 người. Vào thời ấy mặc dù trên thế giới đã xảy ra sáu lần đại dịch tả kinh hoàng, ở  đây đại đa số người dân còn chưa hiểu được cơ chế của dịch bệnh. Hai phần ba dân số không có nhà vệ sinh có thói quen phóng uế bừa bãi, phân người khô đi dưới ánh nắng mặt trời, biến thành bụi và người ta thích thú hít thở nó. Rác thải đủ các loại tiện đâu vứt đó. Nguồn nước ăn uống sinh hoạt được lấy trực tiếp từ sông là nơi phần lớn cống rãnh đổ ra…Hậu quả của tình trạng mất vệ sinh đó là sự lan tràn, hoành hành của bệnh dịch làm chết người nhiều nhất trong lịch sử đất nước này.
  
    Đất nước Việt Nam của tôi thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI chừng như cũng rơi vào một hoàn cảnh tương tự . Cũng xứ sở thuộc địa, cũng nội chiến tương tàn, cũng di dân, cũng đói nghèo lạc hậu…Điều đáng buồn là sau bốn mươi năm hòa bình, những vấn đề của quá khứ chưa giải quyết xong mà hàng loạt  những vấn đề mới xem chừng rất nan giải đã xuất hiện. Xã hội biến động chưa từng thấy, lòng người tan tác chưa từng thấy. Chưa bao giờ cái hố ngăn cách giàu nghèo sâu đến thế. Chưa bao giờ giáo dục xuống cấp như thế. Chưa bao giờ mà báo chí tràn lan những câu chuyện kinh tởm hoặc nhảm nhí được người ta háo hức tìm đọc như thế!...
  
  Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng chiến tranh, trưởng thành khi cuộc chiến vừa tàn. Bởi những biến động dữ dội của thời cuộc, nhiều người trong chúng tôi chỉ kịp nhận ra  tình yêu  vừa đi  lướt ngang  qua   chứ không may mắn được sống với tình yêu, được nếm trải vị ngọt của tình yêu. Mặc dù thế, chúng tôi  vẫn luôn muốn tin tình yêu, dù hết sức mong manh, nhưng là có thực. Với những thế hệ tiếp nối sau này, chút lãng mạn còn sót lại từ thế kỉ trước chưa dám chắc có chỗ để  sống còn.  Những thanh niên ngày nay  phải  lớn lên trong một môi trường xã hội thực sự khắc nghiệt và có khi còn tệ hại hơn cả  thời của chúng tôi ngày trước. Một hiện trạng nhức nhối là: tầng lớp thượng lưu trong xã hội bây giờ lại là những  kẻ cầm quyền ngang nhiên  cấu kết với bọn con buôn bất kể thủ đoạn tìm cách vơ vét hết các món lợi dù lớn dù nhỏ  và làm giàu nhanh với một tốc độ kinh khủng. Con số  tài sản họ thường xuyên nói tới lên tới hàng triệu, hàng tỉ đôla. Trong khi đó,  đại đa số người dân sống  nghèo đói  , cùng kiệt chỉ còn có mấy chọn lựa khả dĩ: hoặc là lao động đến kiệt sức với đồng lương  khỏi chết đói ở các khu công nghiệp, hoặc là dạt về thành phố nơi chỉ có hai thứ nghề còn thấy treo bảng tìm người : bảo vệ nam và tiếp viên nữ !!!
  
   Nhưng điều tệ hại nhất chưa phải chỉ là những đói nghèo và bất công, điều tệ hại nhất là lớp trẻ bây giờ  phải ngày ngày sống và  hít thở trong một môi trường văn hóa xã hội  đã trở nên rất bẩn thỉu. Những bản tin đâm thọc vào đời tư con người với những cái tít giật gân, những bản nhạc tình sến sụa vô nghĩa lý, những thông tin về những câu chuyện giết người diễn ra như cơm bữa  vì vô số những lý do quái đản …Và vì chỉ quanh quẩn trong một không gian hạn hẹp, chúng quen với tất cả những điều đó đến mức không cảm thấy lạ lùng, không thấy có gì cần phải phẫn nộ. Và thực chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một trong số chúng hành xử như những gì đã nghe, đã thấy,  y hệt như người dân ở xứ sở thuộc địa của thế kỷ trước vô cùng quen với việc hít thở bầu không khí đã bị ô nhiễm, vô cùng  quen   việc phóng uế, xả rác  bừa bãi rồi điềm nhiên hằng ngày ăn uống tắm rửa bằng chính thứ nước thải  được xả ra từ cống rãnh. Những con người ấy  nói cho cùng là nạn nhân nhưng đồng thời cũng là tác nhân của những tấn thảm họa.


  Và như vậy, những câu chuyện giết người vì tình bi thảm ở Bình Phước hay ở Nghệ An xảy ra gần đây có phải là những dấu hiệu cho thấy một đại dịch bệnh mới đang bùng phát ? ? ? Và phải chăng đó là những cái chết _ở một hình thái khác_ đã  được báo trước _nhưng vẫn sẽ tiếp tục diễn  ra vì sự  thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm của con người.


+ + + + +

   “Tình yêu thời thổ tả “ của García Marquez là một tiểu thuyết về tình yêu. Với “Tình yêu thời thổ tả “ và rất nhiều tác phẩm văn học khác , nhân loại đã và sẽ mãi mãi tôn vinh giá trị vĩnh cửu của tình yêu , cũng là giá trị vĩnh cửu, đích thực của con người. Dịch thổ tả, dịch hạch, HIV, Ebola, Mers …hay bất cứ một hình thức bạo lực nào đe dọa cuộc sống con người, chà đạp lên lương tri nhân loại  cũng sẽ bị lên án và đẩy lùi. Nhưng những ngày  tháng này của thế kỷ XXI ,trên đất nước của mình, liệu chúng ta có còn đủ dũng khí để tin vào sự thật ấy hay không???

      
                                            Sài Gòn , 22/7/2015.
                                            Hà Thị Lệ Hà K8

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét