Trung Quốc kéo giàn khoan về đảo Hải Nam: Kế lùi 1 tiến 2


Trung Quốc luôn phát triển với tư tưởng bành trướng, điều đó không bao giờ thay đổi. Chúng ta phải nhìn lại quá khứ, không được để bị lừa phỉnh, ru ngủ. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam trước thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Không để Trung Quốc lừa thêm lần nữa
 
Tướng Thước nhận định, việc Trung Quốc kéo giàn khoan về sau hơn 2 tháng xâm phạm trái phép tại vùng biển của Việt Nam không phải là chuyện gây bất ngờ, nhưng đó chỉ là một bước lùi tạm thời trong tư tưởng bành trướng của các nhà lãnh đạo nước này.
 
“Chúng ta không bao giờ được phép chủ quan trước hành động của Trung Quốc. Mỗi bước đi, hành động của họ đều ẩn chứa dã tâm rất lớn, vì vậy hành động lần này chẳng qua là cách ru ngủ ta mà thôi, rồi họ tiến tới đàm phán và đòi hỏi đáp ứng nhiều thứ có lợi cho họ. Nếu chúng ta tin tưởng họ thì chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với nhiều việc còn nguy hiểm hơn cả giàn khoan 981”, Tướng Thước dự đoán.
 
 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhắc lại sự kiện tàu Trung Quốc cắt trộm cáp tàu Bình Minh của Việt Nam, sau đó khi đàm phán, phía Trung Quốc thống nhất quan điểm không gây ra tranh chấp, làm phức tạp thêm tình hình, nhưng trên thực tế quốc gia láng giềng đã nuốt lời.
 
“Tư tưởng bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thay đổi, họ sẽ tìm mọi cách để hoàn thành đường 9 đoạn, dù biết rõ sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của các nước. Việc cắt cáp tàu Bình Minh là một sự việc nhỏ hơn giàn khoan 981 rất nhiều, cho nên bước tiếp theo Trung Quốc rất có thể gây ra còn nguy hiểm hơn nữa. Vì vậy, chúng ta luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc hàng nghìn đời nay đã cho thấy rất rõ mưu đồ bá quyền của Trung Quốc”, Tướng Thước nói.
 
Trung Quốc có chịu thừa nhận đã xâm chiếm biển Việt Nam?
 
Đưa giàn khoan 981 về đảo Hải Nam, nhưng Hồng Lỗi - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn rêu rao rằng quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền cố hữu của Trung Quốc. Vị trí tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc trên biển không phải thuộc khu vực tranh chấp, mà hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
 
Trong suốt hơn 2 tháng hạ đặt trái phép giàn khoan 981, thế giới đã có nhiều cuộc hội thảo và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bằng chứng lịch sử cũng khẳng định, ngay cả các quốc gia phương Tây đã thừa nhận Việt Nam có chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII.
 
Trong khi đó, Trung Quốc không đưa ra được một chứng cứ lịch sử (khoa học) nào để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa (thực chất là xâm chiếm của Việt Nam). Thế nhưng khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981, các tàu của Trung Quốc lại rất hung hăng, tìm cách tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt là hành động vô nhân đạo đâm chìm tàu cá của Việt Nam và ngăn cản các tàu Việt Nam cứu ngư dân trên con tàu bị đâm chìm.
 
Trước những hành động sai trái bị dư luận thế giới lên án, Hồng Lỗi vẫn tiếp tục hăm dọa bằng luận điệu: “Sẽ sử dụng các biện pháp thiết yếu nhằm bảo đảm an toàn tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc”.
 
Tổng hợp những lần xâm chiếm nước ta trong thế kỷ XX, Tướng Thước nhận định: “Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm chiếm biển của nước ta chính là một minh chứng rõ nhất để chúng ta xác định mối quan hệ với nước láng giềng. Tôi rất mừng vì thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các ngành phải nỗ lực để kinh tế trong nước không bị ảnh hưởng, đồng thời tìm thêm nhiều thị trường mới, tránh sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, hành động rút giàn khoan 981 của Trung Quốc chỉ là tạm thời trước sự phản đối kịch liệt của nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế, mà trong số ấy có cả những học giả người Trung Quốc cũng phản đối hành vi xâm chiếm này.
 
Chúng ta không thể đặt niềm tin vào một người láng giềng có dã tâm lớn như vậy, cho nên ngay cả khi đàm phán chúng ta cũng phải giữ vững lập trường. Chúng ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta mong muốn làm bạn tốt với mọi quốc gia, và chúng ta không cho phép bất kỳ ai lợi dụng tình hữu nghị để làm điều xằng bậy”.
Tướng Thước nhận định, sau khi kéo giàn khoan 981 về Hải Nam, Trung Quốc rất có thể sẽ gây ra những chuyện còn kinh khủng hơn.  
 
Trước một số quan điểm cho rằng, Trung Quốc tạm thời kéo giàn khoan về là vì bão đang mạnh lên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, đó chỉ là hành động mang tính chất tình thế, không phải bản chất thật của vấn đề.
 
“Nếu chỉ vì một cơn bão mà Trung Quốc rút giàn khoan thì chẳng lẽ mọi sự nỗ lực của Đảng ta, của Chính phủ và của toàn thể nhân dân Việt Nam suốt 2 tháng qua để làm gì? Chỉ khi nào áp lực của Việt Nam và áp lực của thế giới buộc Trung Quốc không thể làm gì nữa thì lúc đó Trung Quốc mới chịu chấp nhận, còn bây giờ đừng mất cảnh giác. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng, cho tới khi nào Trung Quốc thừa nhận với thế giới hành vi đó là sai trái và phải trả lại cho Việt Nam những vùng biển đã chiếm đóng trái phép”, Tướng Thước nói.
 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, lợi thế của Việt Nam chính là biển, trước đây, bây giờ và mãi sau này cũng vậy. Phát triển kinh tế trong tương lai hay thể hiện vị thế của một quốc gia hùng mạnh ở châu Á cũng đều phải dựa vào biển.
 
“Chúng ta phải thẳng thắn đánh giá rằng biển chính là môi trường sinh tồn của quốc gia, để từ đó có các chính sách đầu tư mạnh mẽ khai thác tiềm năng to lớn ấy, mà muốn khai thác tốt thì chúng ta phải có sự chuẩn bị đủ mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền trước sự nhòm ngó của kẻ thù. Không thể để cho hắn hôm nay tiến một bước, ngày mai lại thêm một bước, dần dần nuốt gọn hết lãnh hải của đất nước này”, Tướng Thước bày tỏ.
                           Theo : GDVN
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét