THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (2)

6/6/201
Hương này.
Như thường lệ, cứ nửa đêm thức giấc là thày lại không ngủ được nữa. Vì thế mà thày thường bật máy tính ra đọc. Cố nhiên là đầu tiên phải xem thùng thư có ai gửi cho mình không? Có một thời cái trang web NNYVN... nó rất hay gửi vào. Đầu tiên thày còn thử đọc, nhưng rồi nhiều quá không đọc xuể nên lại phải gửi thư trống trả lời để nó cắt đi cho. Từ đó thùng thư chỉ còn là thư bè bạn văn chương. Gần đây lại thêm Hà và Hương gửi thư ra nữa. Thày rất vui.
Thày cũng mới đọc qua 3/5 truyện ngắn của em gửi ra. Và cũng có một số “thoát kiến”( chợt thấy) . Thày thường rất chú ý đến những “chợt thấy” đầu tiên này. Vì nhiều khi nó mới là thần khí chân thực của tác phẩm. Cố nhiên vì mới là “chợt thấy” thì nó còn mơ hồ chưa rõ nét. Phải có thời gian nghiền ngẫm và thẩm định lại. Thày thấy Hương có tài viết truyện ngắn thật sự đấy. Truyện nào viết cũng có chiều sâu, mang tầm khái quát lớn. “Cây khế vườn xưa” là môt cái bi kịch của tình yêu, nhưng chủ yếu vẫn là bi kịch của chiến tranh. Truyện giầu chất thơ và tiềm ẩn một “chất kịch” lớn đấy. Khúc cuối là một trường đoạn phim khá xúc động. Nhưng vì sự “cài bẫy” chưa khéo để người đọc đoán trước được rồi nên sức hấp dẫn của nó bị giảm đi. Câu cuối cùng của truyện hoàn toàn có thể bỏ đi được. Cứ để mặc cái cây khế trút hết lá trơ trụi đứng đấy thì tự nhiên nó sẽ thành một ẩn dụ。“Vườn mai” là một cái bi kịch của lòng tốt rất phổ biến và khá thường gặp. Con người trong truyện này, ai đối với nhau cũng “tốt bụng” cả mà ai cũng cứ phải sống ấm ức không thanh thản được. Truyện viết thế là giỏi. Nhưng những câu lý sự giải thích thì lại không cần. Lý sự và triết lý trọng truyện cũng cần, nhưng đó phải là những lý sự, những triết lý “ngộ ra” , “mở ra” chứ không nhằm giải thích thêm cho ý nghĩa của truyện. Vì như thế tự nhiên nó sẽ thành thừa。 “Nỗi đau” là một cái bi kịch lớn của chiến tranh. Chiến tranh đã tạo ra những hoàn cảnh để con người phải tự bóp chết những “mầm sống” vô tội. Thời chống Pháp đã có một “Bà mẹ sông Hồng” đã phải bỏ đứa trẻ xuống sông để giữ bí mật cho bộ đội vượt sông rồi. Đến thời Chống Mỹ lại thấy xuất hiện một ông Tư này. Mô tuýp giống nhau nhưng hoàn cảnh cụ thể thì có khác nhau. Cái tên Chiến Thắng và sự chết ngạt của bé Chiến Thắng gợi ra một ẩn dụ ghê gớm về sự vô nghĩa của chiến tranh. Nhưng đoạn kết thì lại vớt vát quá. Đáng ra cứ để cho ông Tư muốn nói ra mà không thể nói ra. Nghĩa là bản thân cái “nỗi đau” ấy cũng chết ngạt nốt thì truyện có khi lại sống hơn chăng?
Ấy là “trò Tuân” cứ mạo muội mấy ý với “cô giáo Hương” thôi. Xin được tác giả trao đổi lại dài dài thêm. Hương chỉ nên đưa dần dần từng truyện một thì nó không bộn, đọc dễ tập trung hơn.
Lần này “trò Tuân” gửi thêm cho “cô giáo Hương” một bài giới thiệu thơ để cô giáo cho ý kiến. Số là thế này: Thày Bùi Trác Trường, giáo viên dạy môn Kỹ thuật nông nghiệp ở trường ta (cấp 3 Chí Linh) ấy. Thày đã nghỉ hưu cũng lâu lâu rồi, có cho in một tập thơ và nhờ thầy viết lời giới thiệu và đặt tên hộ cho tập thơ. Thày đã đặt tên cho tập thơ là Gió lành và có mấy lời Tản mạn xung quanh tập Gió lành

7/6/2010
Kính thưa thày!
Em vô cùng cảm ơn những nhận xét của thày về 3 truyện ngắn của trò Hương. Thế là em lại được học thêm những kỹ năng trong khi viết văn. Từ khi xa thày, học đại học Nông nghiệp, ra công tác, trò Hương của thày đã vận những kiến thức đã học được từ thày Tuân để viết luận văn tốt nnghiệp đại học, rồi viết các văn bản của một Chánh văn phòng, rồi viết báo, viết truyện ngắn, thi thoảng làm thơ, viết tạp bút... Cứ thế, trò Hương lầm lũi làm việc, sống và công tác, được nhiều người khen là văn hay chữ tốt. Nhưng tuyệt nhiên, không ai góp ý cho trò Hương của thày những hạn chế, non yếu trong viết lách. Vẫn biết là mình còn nhiều yếu điểm, nhưng lung mung không rõ ràng, do vậy mà không thoát ra được. Hôm nay, lại tiếp tục được học thày, trò Hương ngộ ra rất rõ nét về mình: Minh Hương của Thày viết truyện ngắn mới chỉ có tấm lòng của người viết, còn về "Nghề" thì còn non tay lắm. Qua 3 truyện ngắn thày đã nhận xét, trò Hương đã rút ra 3 bài học để nếu còn viết thì sẽ vận dụng: Bài học thứ nhất qua truyện CÂY KHẾ VƯỜN XƯA là: Muốn bất ngờ phải bí mật; Bài học thứ hai qua truyện VƯỜN MAI là : Nói ít hiểu nhiều - không nói thay; Bài học thứ ba qua truyện NỖI ĐAU là: Phải đi đến tận cùng của sự dồn nén. Lần này em gửi truyện CHA VÀ DÌ. Thày đọc và lại chuyện trò với em nhé.
Em đã đọc bài của thày về tập thơ Gió lành. Em học được thêm lối viết khéo léo và rất ngọt, hóm hỉnh và rất sống động của thày. Nhưng em vẫn hơi phân vân phần thày viết về chuyện làm thơ vui của thày. Hơi lo cho Gió Lành bị "Gió dữ" đâu đó tạt qua, lại gặp tai bay vạ gió như người viết lời bình ngày nào thì lại khốn khổ!?
Em xin lỗi, Thày trò mình cứ mải chuyện văn chương, em muốn biết hiện thầy làm nhà đến đâu rồi ạ? Em chúc thày và gia đình hạnh phúc, thày sẽ viết được nhiều những điều mà thày còn ấp ủ!


30/8/2014
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét