KỶ NIỆM HỌC TRÒ.



Bây giờ thì tôi đã là cô giáo, ra đường gặp mọi người thường thoảng một vẻ trang nghiêm. Nhưng phải chăng trước đây, tôi không từng là một cô bé học trò hồn nhiên và hay nghịch ngợm. Ôi, cái thuở còn là học trò thật dễ thương, thoáng chốc đã mấy chục năm rồi...

    Có biết bao nhiêu buồn vui đã qua đi trong những ngày tháng ấy? Và bao nhiêu điều đã trở thành những kỉ niệm không thể nào quên? Nào những buổi chiều mưa xứ Huế, giờ ra chơi, mấy cô học trò nhỏ áo đầm trắng, áo ấm đủ màu che chung một cái dù chạy ra nhà bà cai trường ăn mực nướng. Con mực khô màu nâu sẫm bé chỉ bằng hai ngón tay út cong giòn trên lửa than, thơm lừng lựng, lại phết thêm một đũa tương ớt cay xè, ngon ơi là ngon! Mấy đứa vừa ăn vừa hít hà, vừa phủi những bụi mưa trăng trắng, li ti bám đầy trên áo, trên tóc. Nào những chiều hè thơ thẩn bên tường thành Đại nội để hái hoa lồng đèn và trái cứt chuột về chơi bán hàng. Hoặc đến nhà nhỏ Thu Trang đọc truyện. Trời ơi, cả một tủ đầy sách truyện, một thế giới lạ lùng kỳ diệu mà mánh đất nào bạn cũng có thể là những Christopher Columbus đầu tiên. Ngôi nhà vắng vẻ không bố mẹ, chỉ có mấy cô học trò và sách. Đọc chán, cả bọn rủ nhau ra vườn hái ổi, có khi lại bò sang hàng rào nhà bên để nhổ trộm cà rốt. Bạn đã bao giờ thấy những luống cà rốt được chăm sóc tưới tắm kỹ lưỡng chưa? Nó thật xinh đẹp, ưa nhìn với những đầu lá xanh mướt như lá ngò vẫy vẫy trong gió nhẹ. Nhưng tuyệt diệu nhất là những củ cà rốt hồng hồng mới lớn bằng ngón chân cái mà chúng tôi rửa sơ rồi nhai rau ráu như những con thỏ. Ôi, những củ cà rốt thời thơ ấu, hồng tươi, giòn ngọt biết bao nhiêu!

    Nói đến Huế không thể không nhớ đến trường nữ tiểu học Đoàn Thị Điểm - một ngôi trường cổ kính mà mỗi khung cửa lớp đều giăng giăng những giàn dây leo xanh hoa tím. Sân trường đỏ rợp những hàng phượng vĩ mỗi độ hè về. Sang xuân, khi những vòm lá phượng bắt đầu xanh non thì cũng là lúc không biết bao nhiêu con sâu xanh nho nhỏ từ trên cành cao buông mình lắc lư trong gió, làm cho bao nhiêu cô bé học trò giật mình sợ hãi khi bất chợt một chú sâu mơ mộng nơi trên tóc hoặc bò thơ thẩn trên áo trắng của các cô nàng.

     Sau biến cố Mậu Thân  theo gia đình vào Đà Nẵng, tôi theo học ở một trường trung học. Ngôi trường nằm phía đông sông Hàn, xanh ngắt những bóng bạc hà với những chiếc lá thon dài như ngón tay con gái. Tên trường thật lạ và dễ thương: trường ĐÔNG GIANG. Lúc này cô học trò bé nhỏ ngày xưa đã lớn lên. Lòng yêu thích văn chương từ thuở bé đã thành hình. Những giờ học văn và đọc sách truyện trở thành những đam mê, còn các giờ toán và các thầy dạy Toán trở thành nỗi sợ hãi bất tận.Năm tôi học lớp 6 và 7 thì còn chưa đến nỗi nào. Thầy Nguyễn Ba lúc âý mới ra trường. Thầy đẹp trai và vui tính, hiền lành, có lẽ vì thế mà tôi thấy những bài đại số và hình học gì đó của thầy khá dễ hiểu. Nhưng lên lớp 8 thì tình hình bắt đầu thay đổi. Thầy dạy toán mới với bộ râu quai nón thật là nghiêm khiến tôi và có lẽ nhiều bạn nữa chết khiếp mỗi khi đến giờ của thầy. Điểm số cứ thấp dần đi khiến ba tôi phải nghĩ đến việc kèm cặp thêm môn toán cho con gái của mình. Mỗi ngày tôi đều phải làm thêm một số bài toán. Mỗi buổi chiều không có giờ ở trường là tôi phải theo ba đến Tổng y viện  Duy Tân - nơi ông làm việc để theo học với một ông thầy bất đắc dĩ - một anh lính mới tò te nào đó. Còn ngày chủ nhật mỗi tuần thì không còn là ngày của Chúa mà là ngày của địa ngục. Chúa ơi, tôi còn nhớ rõ như in những cảm giác khổ sở của tôi trong những ngày xa xưa đó. Tôi ước ao trái đất đến ngày tận thế,tôi mong mình là một con bé côi cút , bất hạnh nào đó để khỏi phải học hành.Vậy mà trái đất chưa đến ngày huỷ diệt và tôi vẫn cứ là một con bé khốn khổ là tôi. Chầm chầm từng phút một, khi công việc của buổi sáng xong xuôi là lúc trái tim tôi bắt đầu quặn thắt lại khi nghe tiếng gọi trầm trầm của ba tôi: “Hà, đem sách toán lại đây!”



    Nỗi khổ của tôi kéo dài suốt mấy năm trường cho đến một hôm... Ôi, tôi rất cảm ơn cái “một hôm” đáng nhớ như vậy!
    Buổi sáng hôm ấy như thường lệ, ba tôi gọi tôi đem sách toán ra làm. Tôi không biết trốn đi đâu được đành phải cố nén tiếng thở dài ôm sách bước ra. Có lẽ thần kinh căng thẳng quá hay sao mà sau khi tóm tắt đề trên bảng, tôi cứ đứng ngẩn người ra không viết thêm được gì. Một khoảng thời gian lặng lẽ trôi qua, tôi đứng im, đầu óc mù mịt. Rồi một luồng không khí lạnh toát chạy dài từ sống lưng lên tới đỉnh đầu. Vì tôi đứng im lâu quá nên ba tôi cất tiếng gọi. Như bị điện giật,tôi run bắn cả người, mắt hoa lên rồi lảo đảo ngã xuống, mê man không biết gì nữa cả. Cả nhà cuống quít bế tôi lên giường, xoa dầu, đắp khăn ướt lên trán. Một lúc sau khi tỉnh dậy, tôi còn nghe tiếng mẹ tôi nặng nhẹ : “Ông bắt con nó học làm gì mà khổ sở lắm vậy, ông có biết thương con không. Thôi từ rày sắp lên không có học hành gì nữa”.


    Từ đó về sau ba tôi không còn bắt tôi phải học toán ráo riết như trước nữa. Cũng may, sau đó không lâu tôi lên lớp mười, vào học ban C, ban này cả tuần chỉ học một giờ toán. Mà trong một giờ toán đó, bao giờ các thầy cũng rất dễ chịu đối với học sinh lớp chúng tôi. Cuộc đời lại trở nên thật là tươi đẹp!

     Bấy giờ tôi đã trở thành một thiếu nữ và rất nhiều mơ mộng. Đã chú ý nhiều hơn đến chải tóc, soi gương, sửa soạn quần áo. Bao nhiêu bài thơ tôi đã viết trong khoảng thời gian đó. Và bao nhiêu bài thơ gởi cho tôi với rất nhiều ngụ ý. Có những câu bạn tôi gửi không biết là tự làm hay chép lại mà bây giờ đọc  còn thấy cảm động:“ Mây vốn đẹp bởi đời mây câm lặng / chút nắng hanh hanh lối cỏ vô tư ’’… hoặc:“ Còn tôi kiếp học trò tay trắng/ có dám bao giờ mơ ước đâu?.’’..Năm ấy rất may mắn là tôi được học văn với một cô giáo mà tôi rất yêu mến. Tôi học được ở cô nhiều điều và dần trở nên chững chàng, đằm địa hơn. Ấy vậy mà trong tôi vẫn có một cô bé nghịch ngợm, bướng bỉnh, không thích lúc nào cũng chỉ biết vâng lời.Hồi ấy ở lớp C của tôi các bạn phần lớn hơi có tính nghệ sĩ nên việc học hành khá “amateur”. Các bạn ấy có thể nghỉ học vì một bộ phim hay mới được trình chiếu. Như khi các rạp ở Đà Nẵng chiếu phim  Doctor Jivago  hay Cléopatre ...có tới mười mấy bạn nghỉ học làm cô giáo dạy giờ học hôm ấy khóc sướt mướt. Tôi chưa bao giờ dám bỏ học đi xem phim ( và sự thật là sau này tôi luôn cảm thấy hối tiếc -tại sao lại không một lần thử trải nghiệm cái cảm giác này nhỉ???), nhưng ngậm ô mai, gặm cóc ổi rồi nói chuyện riêng trong lớp cùng hàng tá những chuyện linh tinh học trò khác thì không phải là chuyện hiếm...

    Tôi còn nhớ một câu chuyện làm tôi xấu hổ mãi đến sau nầy:

    Năm ấy tôi học 11, sau 1975 nên giờ ra chơi có tập thể dục. Ôi, rất buồn cười là những lần tập thể dục sau 1975 ,không những chỉ có học trò mà cả các thầy cô giáo đều phải ra sân. Những thầy cô giáo rất mực trang nghiêm và những cô học trò vốn rất mực kiều mị tha thướt lại phải dang tay, co chân làm các động tác thể dục ngay giữa sân trường. Tôi thấy hình ảnh ấy thật buồn cười nên thỉnh thoảng lại kiếm cách trốn. Một buổi, đang ngồi nhẩn nha trong phòng chờ cho qua giờ thể dục,thấy thấp thoáng bóng thầy giám thị với cây roi mây vung vẫy đi truy quét các phòng, tôi vội vàng chui ngay vào bàn của thầy giáo. Đó là một chỗ nấp rất kín đáo, bất ngờ nên ông giám thị dù đã đi vào trong lớp quan sát kỹ lưỡng vẫn không thấy ai bèn bỏ đi. Trống ngực vẫn còn đập thình thịch, tôi vừa định bước ra thì đã nghe tiếng bước chân dồn dập lục tục kéo nhau vào lớp. Ngó qua khe hở của các mảnh gỗ tôi thấy đi trước là cô giáo chủ nhiệm Lê Khắc Ngọc Khuê vốn nổi tiếng nghiêm khắc, theo sau là một đoàn một lũ những học trò con trai, con gái. Tiến thoái lưỡng nan, tôi đành ngồi im trong bàn. Cho tới khi cô giáo ngồi xuống ghế , lấy sổ điểm ra để kiểm tra bài cũ , thấy tôi cựa quậy bên trong, cô bèn ghé mắt ngó vào. Biết không có cách nào khác, tôi bèn bước ra, lúng ta lúng túng giữa những tiếng cười của mấy chục tên phản bội.

    - Em làm gì trong đó ?
    - Dạ thưa cô, em ... em trốn tập thể dục


     Cả lớp cười như chưa bao giờ được cười, cô giáo cũng cười theo. Tôi đỏ mặt đứng im với cái vạt áo dài lấm bụi và cái đầu tóc dính đầy mạng nhện, không biết nói gì , bào chữa như thế nào?... Kết quả tôi bị phạt, bị xếp loại hạnh kiểm loại C hay là cái gì đó tôi không còn nhớ được.

     Ôi cái tuổi thơ ngây, cái tuổi học trò, em đi qua tự bao giờ mà tôi không biết. Bây giờ nhìn lại, tôi chỉ muốn thốt lên như ba tôi trong một tập ảnh lưu niệm :“Ôi, thời thơ ấu nay còn đâu!”. Bây giờ nhìn lại, thấy khát khao được trở thành bé bỏng để được làm học trò, được mộng mơ, đùa vui và tinh nghịch. Và nếu có một phép màu như thế, tôi sẽ nhân danh tuổi thơ, nhân danh tuổi học trò mà nói với các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các người lớn trên cuộc đời này rằng: “ Vì những gì mà các người đã trải qua, hãy thương yêu, cảm thông và tha thứ cho chúng tôi nhiều hơn”...


Hà Th L Hà K8

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét