LỤT NGUỒN TRÔI TRÁI LÒN BON





Ở Quảng Nam, có hai câu ca dao liên quan về trái lòn bon, là dị bản của nhau:
Lụt nguồn trôi trái lòn bon
Cha chết mẹ còn chịu tiếng mồ côi
Và:
Lụt nguồn trôi trái lòn bon
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai
Cả hai câu đều thuôc thể hứng. Lấy hứng từ trái lòn bon, một đặc sản trái cây của Quảng Nam. Và, cả hai câu đều buồn. Mà cả hai câu đó, cũng có thể gọi thuôc thể tỷ, được dân gian viết ra. Ví trái lòn bon mùa lụt Quảng Nam bèo bọt, nổi nênh như của phận người.
Chính ngay tên gọi của loại trái cây nầy cũng bất nhất. Có người gọi là bòn bon, hay long boong, nam trân. Nhưng chính xác nhất và dân dã nhất, là lòn bon. Thiệt thà chân chất Quảng. Tôi có ông cậu ruột, lưu lạc sinh sống tận miền Nam, vì nhớ quê hương quá, nên đặt tên cho con là bé Lòn Bon, Tên khai sinh của nó là Nam Trân hẳn hoi. Đến nay, nó đã có cháu nội ngoại đầy nhà, vẫn “bị” gia đình gọi là bé Bòn Bon. Nó cười tít mắt, sướng lắm. Dù chẳng bao giờ thấy nó về thăm quê cha lấy một ngày.
Năm nay, làng tôi trúng mùa lòn bon. Vườn nhà nào cũng vàng rực, chiu chit trái. Dân làng nườm nượp gánh qua đò trong cái dầm mưa, se lạnh tháng 10. Của rẻ là của ê! Cái gì nhiều quá cũng không tốt. Lòn bon rẻ như cho. Đầu mùa 20 ngàn đồng một ký. Dần sau còn 10 ngàn, rồi 8 ngàn. Có còn hơn không. Suốt một tháng trời, tôi như con sóc, chuyền hết cành nầy rồi qua cây khác. Sức khỏe U60 lâu nay không leo trèo gì. Nay đươc dịp dùng lại cái sở trường của thời trai tráng, xem ra cũng còn tốt chán. Cũng xin nói thêm, bất cứ trai làng Đại Bình nào cũng có hai cái giỏi, đó là trèo cây và bơi lội. Tự hào một chút! Xin đừng hiểu nhầm, xiên xẹo. Chỉ có tội mắt hơi kèm nhèm, cứ hái nhầm trái xanh, chưa được chin trắng. Má tôi an ủi: Không răng hết! Ủ ấm một bữa, hắn chin trắng chừ!
Tôi vừa đu cây vừa hái lòn bon lại vừa nghĩ đến hai câu ca dao trên. Lại vẩn vơ tích cũ. Hồi Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Ánh( Nguyễn Ánh Gia Long chứ không phải Nguyễn Ánh 9 nhạc sĩ) còn choảng nhau tơi bời nồi da xáo thịt. Có một bận, quân Nguyễn Gia Long bị Nguyễn Tây Sơn vây khốn ở núi rừng miền tây Quảng Nam. Quân Nguyễn Ánh đói khát, rệu rã.Nhờ mùa lòn bon chin rộ. Đám quân thất trận đó cầm hơi mà qua cơn bĩ cực. Sau nầy, khi lên ngôi vua, thống nhất sơn hà. Gia Long cảm động cái ơn trời ban ấy, đặt tên cho trái lòn bon Quảng Nam là Nam Trân. Có nghĩa là viên ngọc Quảng Nam. Lại cho đúc chin cái đỉnh đặt trước sân rồng Đại nội ở Huế, tượng trưng cho quyền uy cửu trùng. Ờ cái đỉnh thứ hai tính từ trái qua, vua cho khắc một chum lòn bon để kỷ niệm thời nằm gai nếm mật.(Ấy là tôi biết qua sách vở, chứ chưa ra Huế kiểm chứng bao giờ). Từ đó, các đời vua sau nầy, trái lòn bon Quảng Nam là đăc sản tiến vua. Báo hại quan quân Quảng Nam năm nào cũng lên tân Hiên Giằng, Trà My để lùng cho đươc loại lòn bon ngon nhất, gánh qua đèo Hải Vân, đem dâng vào cung cho vua và các bà phi ngự thiện. Lại tương truyền rằng, trái lòn bon nào có dấu bấm móng tay của Gia Long là trái đó ngon ngọt nhất. Hóa ra, cái bấm móng tay của bậc thiên mạng cũng chuyển biến đươc tạo vật. Tôi cũng để ý xem có trái lòn bon nào bị bấm móng tay không, nhưng chẳng thấy gì! Không có dấu bấm của vua thì mình tự bấm vỏ, tự đưa vào miệng vậy!
Không những đi vào lịch sử mà trái lòn bon còn vào ca dao, dân ca Quảng thì nhiều vô kể. Nhưng có lẽ hai câu đươc trích ở trên là hay nhất. Có lẽ vì ý nghĩa nhất. Tháng 10 âm lịch là mùa mưa lụt ở Quảng Nam. Trái lòn bon quê tôi cũng chịu chung số phận nổi nênh của người dân, tính khí thất thường của thời tiết. Từ đó làm cảm hứng cho dân gian, ví thân phận trái lòn bon bèo bọt, bếp bênh, lênh đênh như đứa trẻ mất cha. Cái phận cha chết mẹ còn chịu tiếng mồ côi rồi mẹ đi lấy chồng con ở với ai thiệt là nẫu nước mắt, thắt cả ruột. Con ở với ai là tiếng khóc xé lòng đắng lắm, chứ không ngọt thơm như trái lòn bon. Thân phận đó giống như trái lòn bon trôi mùa lũ tháng 10.



Lại nhớ danh sĩ Quảng Nam Huỳnh Quỳ, hay còn gọi là Tú Quỳ. Một con người dùng tài thơ trào phúng trêu chọc thiên hạ, bất kể vua quan. Đã từng ngạo mạn trêu đến cả Bình Tây sát Tả và Bà Chúa Thu Bồn thì còn sợ ai. Thế mà ông Tú ứa nước mắt, tay run rẫy khi viết hai câu đối đám tang nầy, viết cho một người vợ khóc chồng, con khóc cha:
Sàng đầu lưu bách phiến
Giang thượng lạc Nam Trân
Có nghĩa là: Trên đầu giường còn để lại cây quạt. Ở đầu sông trôi trái lòn bon.
Cái tài hoa của ông Tú ở chỗ ông đã vận dụng cả hai câu ca dao của Quảng Nam để lột tả tình cảnh vợ mất chồng, con mất cha một cách chính xác, Nói về cái chết, về sự chia ly mà không một từ dùng về cái chết, không một từ về sự chia ly. Tất cả là hình tượng ca dao, điển sự. Hai câu ca dao đó là:
Anh đi để quạt Long Châu
Để thương để nhớ để sầu cho ai!
Và:
Lụt nguồn trôi trái lòn bon
Cha chết mẹ còn chịu tiếng mồ côi
Cái tình cảnh quạt Long Châu từ nay không ai dùng đến và hình ảnh trái lon bon lên đênh mùa lũ có phải chăng là hệ quả nhau, nghiệp nhau. Cha chết thì mẹ phải lấy chồng. Cái đáng buồn mới não nề và đương nhiên làm sao!
Dù sao thì, bao nhiêu năm đi xa. Năm nay về hái mùa lòn bon quê nhà cho má tôi gánh qua chợ. Tôi cảm thấy vui và ấm lòng trong thời tiết lành lạnh. Cái niềm vui nhỏ nhoi vượt qua ngàn buồn của ca dao lòn bon. Vườn nhà còn trái gì đâu ngoài trái lòn bon. Bữa cơm gia đình tươi hơn. Trong túi tôi cũng rủng rỉnh ít tiền lẻ cà phê, bù khú với đám bạn già. Hạnh phúc đơn giản là đươc hít thở chính hơi thở của mảnh đất đã sinh mình ra. Vất mình ra đường nhựa, rồi lại nậng niu kéo mình về cho thơm cho ngọt như trái lòn bon mùa lụt khốn khó.
Hôm trước, tôi có gửi cho các con tôi hiện ở Sài Gòn một thùng toàn trái lòn bon. Phải kỳ công tìm xe hàng quen biết, gửi đến tận nơi ở của các con. Của đồng công lạng mà. Ba tôi già yếu rồi, cứ nhắc đi nhắc lại, chúng nó ăn lòn bon có ngon không. Còn phải nói. Mấy cái tàu há mồm đang sức lớn, gửi chanh cho nó, nó cũng khen ngọt nữa là!
Lại hôm trước, có một đoàn các cháu sinh viên ở Đà Nẵng và Tam Kỳ lên tham quan làng. Tôi được dịp bán lòn bon lấy tiền lại đươc cao đàm khoát luận về trái lòn bon:
-Các cháu thưởng thức trái lòn bon không chỉ đơn giản là thưởng thức một đặc sản trái cây mà còn là thưởng thức một giai thoại lịch sử, một giai thoại văn chương bắt nguồn từ một loại cây trái đầy dẫy ở núi rừng Quảng Nam. Do đó, thú vị và ý nghĩa hơn nhiều so với các cháu vào siêu thị mua lòn bon Thái Lan hay Mã Lai.
Rồi tôi thao thao bất tuyệt về tích Gia Long, về ca dao lụt nguồn, về câu đối của Tú Quỳ. Các cháu sinh viên tuổi như các con tôi, nhìn bộ dạng tôi rất vườn tược, trố mắt ngạc nhiên mà rằng:
-Ui thầy ơi, hồi trước thầy dạy ở đâu hả thầy?
Tôi tỉnh rụi mà rằng:
- Chú có dạy dỗ ai đâu! Chẳng qua hồi trước chú có duyên may gặp hai ông tiến sĩ về…lòn bon học ở đại học Lisbon bên Bồ và Sorbonne bên Pháp, giảng cho chú nghe về…lòn bon bên Quảng nên chú nhập tâm thôi!
Tôi thoáng thấy có đứa che miệng cười khích khích và biết rằng mình quảng cáo đúng bài nói dóc, đúng chất Quảng. May mà công ty du lịch Quảng Nam chưa mời mình làm tiếp thị quảng cáo du lịch.
Rứa đó. Lụt nguồn trôi trái lòn bon chắc chắn sẽ còn trôi miết. Cái hữu hạn tôi đã gắn liền cái vô cùng của trời đất sinh đã ra trái lòn bon. Trong chiêm bao của tôi, những chùm lòn bon bíu vào thân cành cứ lủng lẳng, đung đưa mời gọi. Và tôi cứ thỏa sức trèo hái đến khi không còn trèo đươc nữa Và tôi viết những dòng nầy khi mùa lòn bon bắt đầu vào cuối vụ. Và cũng là kỷ niện đúng 50 năm ngày Giỗ lụt năm Thìn 1964( Mồng 5-6 tháng 10 âm lịch). Trái lòn bon đã trôi và những phận người đã trôi. Như một niềm tin và biết ơn với mảnh đất của ông cha mình. Trái lòn bon chim ăn rụng hạt xuống và nẩy mầm. Không cần phải trồng. Tự nó sẽ bén rễ và vươn sức sống.
Nắng đã se lên rồi. Cây lá đã khô rồi. Tôi ra vườn hái lòn bon đây!

Nguyễn Đại Bường
( Nguyễn Quốc Huấn K10)


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét