Bài đọc liên quan: Thoát Trung Luận
Mọi truyền thông trong nước đưa tin dày đặc chuyến đi thăm Hoa Kỳ của chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ 24 đến 26 tháng Bảy năm 2013. Một số báo giới khu vực cũng đưa nhiều phân tích bình luận về chuyến đi này, và đoán già, đoán non về tính hiệu quả, khả thi của chuyến đi. Tựu trung chuyến đi có 2 vấn đề lớn để Việt Nam hy vọng đạt được là kinh tế và quốc phòng trong cơn khủng hoảng kinh tế trong nước và những gì Trung Hoa đang quấy nhiễu trên biển Đông.
Tôi xin nhìn một số sự kiện thực tế khách quan về chuyến đi này ở hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ để đánh giá mức độ quan trọng của chuyến đi chủ yếu nằm ở phía nào, Việt Nam hay Hoa Kỳ? Đó là mục tiêu của bài viết này.
Một đặc điểm lịch sử gần đây đáng lưu ý là, hễ khi Việt Nam cô độc và suy yếu là Trung Hoa xâm chiếm biên cương lãnh thổ của ta. 1974 khi Việt Nam Cộng Hòa suy yếu, bị Mỹ bỏ rơi thì Trung Hoa chiếm Hoàng Sa. 1988, khi Liên Xô suy yếu bỏ rơi Việt Nam Cộng Sản, thì Trung Hoa chiếm 7 đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà bắt đầu từ Hoa Kỳ chủ động chọc xì bong bóng bất động sản và hệ thống tài chính đã bị bơm quá căng. Hôm nay, khủng hoảng này lan ra toàn thế giới. Cuối cùng là Liên Minh châu Âu và hai quốc gia cộng sản là Trung Hoa và Việt Nam. Phải nói thẳng vấn đề là Trung Hoa và Việt Nam đang khủng hoảng kinh tế thừa thực sự. Nó không giống như cuộc khủng hoảng thời 1997 của châu Á làm ảnh hưởng đến Trung Hoa và Việt Nam, mà là chính trong bản thân Trung Hoa và Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng. Và xuất hiện 2 chuyến đi của chủ tịch nước Việt Nam đến 2 quốc gia đang dẫn đầu kinh tế toàn cầu.
Một vấn đề đặt ra là, lướt qua 2 trang quan trọng nhất về ngoại giao của Hoa Kỳ là Diplomat và Foreign Policy về thông tin và bình luận của khu vực Đông Nam Á, không thấy có bất kỳ một bài bình luận nào trong 2 tháng qua về chuyến đi, cũng như về Việt Nam. Ngoại trừ những dòng thông báo của trang Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo vài dòng về các cuộc tiếp đón của các vị lãnh đạo Mỹ, các cố vấn chính phủ Mỹ tiếp chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chỉ có duy nhất một bài bình luận của ông Zachary Keck - phó tổng biên tập của trang e-International Relations và là một trợ lý biên tập tại trang Diplomat, trên blog của ông này. Một bài viết có nội dung và cái tựa rất ấn tượng - Vietnamese President Officially US Bound - Chủ tịch Việt Nam chính thức "sắp đi" Hoa Kỳ.
Sau chuyến đi Trung Hoa về, chủ tịch nước đã đạt được 10 thỏa thuận hợp tác với Trung Hoa, trong đó, đáng lưu ý nhất là 2 gói tín dụng chưa tới 100 triệu đô la cho hệ thống thông tin đường sắt, và cho một nhà máy nhiệt điện chỉ để gây ô nhiễm môi trường ở Ninh Bình, mà cũng vì ô nhiễm môi trường nên mới hôm 19/7/2013, Exim Bank của Hoa Kỳ đã từ chối hỗ trợ tín dụng khoảng 1,6 tỷ đô la cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình II. Trong khi đó, ngư dân Việt vẫn bị Trung Hoa xem thường ký kết của 2 nguyên thủ quốc gia bằng cách tấn công. Trong khi kinh tế Việt Nam cần đến 1.000 lần hơn 2 gói tín dụng mà Trung Hoa cung cấp - 100 tỷ đô la - thì mới mong cứu được.
Trao đổi thương mai song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang về cho Việt Nam 24 tỷ đô la trong năm 2012 trong tổng thương mai hai chiều 26 tỷ, chưa tính hơn 10 tỷ đô la hằng năm mà khúc ruột ngàn dặm gửi về từ Hoa Kỳ. Nhưng trao đổi thương mại này với Trung Hoa thì Việt Nam mang lại lợi nhuận cho Trung Hoa hơn 16 tỷ đô la cùng kỳ.
Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam rất có giá trị về kinh tế và khoa học kỹ thuật như Intel được xem là hòn đá tảng. Thông tin của tôi có được từ những bài viết về học bổng đại học ở Hoa Kỳ trên blog này, vấn đề nâng cấp giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam bằng những học bổng mà từ những đầu tư như thế này, những người trẻ họ đã theo đến được cả Harvard.
Và chuyến đi của chủ tịch nước Việt Nam đến Trung Hoa là chuyến đi trước khi ông Tập đi Hoa Kỳ, nhưng chuyến đi của chủ tịch Trương sang Hoa Kỳ lại sau chuyến đi của ông Tập. Một sự đan xen rất có ý nghĩa để luận bàn, và một lợi thế không nhỏ cho Việt Nam, mà tháng trước tôi đã viết trong bài Có vận hội hay không?
Trung Hoa muốn gì ở Việt Nam? Vấn đề này ngày nay đã rất rõ. Thứ nhất, họ muốn Việt Nam là vùng đệm và là một nước yếu trong khu vực, vì chuyện xâm lược trong thế giới ngày nay là chuyện khó có thể thực hiện được. Thứ hai, quan trọng hơn là chiếm cả cái mặt tiền hướng ra thế giới, lại giàu tài nguyên năng lượng mà Trung Hoa đang cần - Biển Đông.
Hoa Kỳ muốn gì ở Việt Nam? Không khó để thấy. Thứ nhất là một Việt Nam trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa trong khu vực Thái Bình Dương. Thứ hai là, một Việt Nam hùng cường để như là quốc gia dẫn đầu khối Asean làm đối trọng với Trung Hoa, trong sự trổi dậy hung hăng của Trung Hoa. Vì để nhìn vào biển Đông thì đã có eo Mallaca, Úc và Phillipines đã chìa tay góp sức cho Hoa Kỳ.
Với những ghi nhận và phân tích ở trên, cho thấy tầm quan trọng của chuyến đi của ông chủ tịch Trương, nó lớn đối với Việt Nam, mà không là gì với Hoa Kỳ.
Có hai lựa chọn trên cho Việt Nam trong lúc này là một thời cơ quá dễ dàng cho Việt Nam trong chiến lược lâu dài để thoát Trung Hoa. Nếu không biết lựa chọn đúng e rằng, dù con hổ có bị thương như Trung Hoa hiện nay thì, nó cũng đủ sức để nuốt 21 đảo, bãi đá ngầm còn lại ở Trường Sa của Việt Nam.
Asia Clinic, 12h08' ngày thứ Tư, 24/7/2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét