Gần trưa, tôi đưa Loáng đến nhà hàng "Cây cau lùn" trên phố Tô Hiến Thành. Ở đây có một sân rộng và nhiều phòng nhỏ có máy lạnh. Các loại đồ ăn để một dãy dài hình thước thợ ở một phía góc sân. Cũng đủ các món chế biến từ thịt lợn, thịt bò, gà và cả vịt quay Bắc Kinh. Rau cũng đủ loại từ su hào xào bầu dục, súp lơ xào nấm hương có tim gan, đến salat Nga phủ đầy kem bơ và đỗ trọng. Ở đây còn có món cá thu nướng thơm lừng, mỗi khúc to như cái bánh đa khoai dày cộp. Mới đi qua một lượt, chưa kịp chọn bàn để ngồi mà thằng Loáng đã nuốt nước miếng đánh ực. Tôi kéo nó ngồi xuống ghế, bảo nó xé khăn lạnh lau mặt cho mát, mày cứ bình tĩnh quan sát toàn bộ trận địa đi, đánh chắc tiến chắc cho có trọng điểm. Loáng cười.
Bây giờ tôi đóng vai như người bảo vệ, hay là tai mắt của Loáng cũng được. Tôi lấy ít món cho vào cái đĩa rồi đem về bàn ngồi ăn và quan sát Loáng chiến đấu. Ngay pha đầu tiên của Loáng gồm một đĩa gà rán to tướng, gần nửa con vịt quay chặt miếng ăn theo kiểu Việt Nam cùng một đĩa đầy tú ụ thịt lợn hun khói đã làm tay đầu bếp người mập mạp và thấp lùn như Napoleon phải tròn mắt ngạc nhiên và há hốc mồm nhìn, đến 5 phút sau mới ngậm miệng lại được. Chẳng cần phải dao với nĩa cắt từng mẩu thịt bé tẹo như cái lưỡi mèo kiểu cách, Loáng xua cả "năm quân" rồi cả "thập cẩm y vệ" vào trận chiến. Mười phút là đủ giải quyết đợt tấn công thứ nhất. Loáng ra lấy các món ăn đợt hai. Lần này thì toàn là chất bột. Lượng bánh mỳ Loáng lấy ra bằng cả một cái bánh gối vuông loại cân rưỡi. Tất nhiên kèm theo đó giò, chả và cả bơ lẫn đường. Cửa hàng này chơi sang có cả món Pho-ma bò cười, Loáng cũng lấy đủ cả nguyên một khoanh 10 miếng. Đợt này Loáng không ôm một lúc nhiều đĩa, mà nó đi làm ba lượt, xếp về cho đủ một góc bàn đồ ăn rồi mới chén một thể. Một thằng phục vụ bàn ở đây có vẻ thiếu kiên nhẫn đã nhắc nhẹ nó: "Chú cứ lấy ít một, ăn hết rồi lấy tiếp chứ không ăn hết lại bỏ phí". Loáng nhe răng cười, gí mũi vào sát cái mặt vừa nhăn nhó, vừa căng thẳng của thằng phục vụ bàn: "Cậu em lại gần mà xem anh đánh chén nhé. Nếu anh chén hết mà còn đói, phiền chú mày lấy giúp tiếp đồ ăn cho anh đỡ mất công đi lại, hì hì". Nói rồi Loáng ngồi vào bàn ăn như máy trước sự ngơ ngác của tay phục vụ. Nói thật là tôi cũng tập trung quan sát xung quanh xem tình thế để có gì còn hỗ trợ Loáng xử lý tình huống, nên ăn uống cũng thiếu tập trung và tất nhiên là không nhẩn nha đi chọn các món theo ý thích được.
Cũng như ở cửa hàng Hoàng hậu Mariana, đến đợt ăn thứ ba của Loáng thì đã thu hút sự chú ý của nhóm phục vụ. Tôi liếc nhìn đồng hồ, mới có hơn nửa tiếng mà Loáng đã giải quyết xong ba đợt ăn. Đến đợt thứ tư, khi Loáng vừa soạn xong mấy đĩa đồ ăn thì người quản lý của cửa hàng bước đến. Đó là một người phụ nữ gần độ tứ tuần, có nhiều nét đẹp, còn kém xa tuổi Loáng. Cô ta chào Loáng, tự giới thiệu và ngỏ ý xin được tiếp bữa ăn cùng Loáng. Thắng Loáng chưa gặp phải tình huống này, mặt hơi nghệt ra rồi nhìn tôi dò hỏi. Tôi lịch sự mỉm cười chào cô chủ, cũng tự giới thiệu và kéo ghế mời cô ngồi. Cái vẻ mặt tự tin và hơi hài, nhưng thân thiện của tôi làm cô ta yên lòng và vui vẻ ngồi xuống. Tôi tỏ ý quan tâm, hỏi cô ăn món gì để tôi đi lấy cho cô, nhưng tôi thừa biết những người chủ tiệm sẽ làm gì trong những tình huống như thế này. Cô ta bảo tôi cứ ngồi vào bàn, rồi quay lại nói nhỏ câu gì đó với người phục vụ vừa tiến đến phía sau. Chỉ một lát, mấy người phục vụ đã bê ra mấy đĩa thức ăn gồm gà rán, tôm nướng và một đĩa nộm, kèm theo một chai vang Bordeaux của Pháp loại 1,25 lit và 3 chiếc cốc chân cao. Người phục vụ khui rượu và rót ra lưng 3 chiếc cốc. Cô chủ tiệm mời rồi nâng cốc cùng chúng tôi. Cô chủ động mời Loáng ăn tự nhiên, và nhỏ nhẹ trò chuyện. Thực ra chỉ có tôi và cô nói chuyện là chính, còn Loáng thì ăn là chủ yếu, thỉnh thoảng nó mới tạm dừng lại gật đầu xác nhận để đưa đẩy câu chuyện của chúng tôi.
Tôi đã kể cho cô chủ cửa hàng nghe về cái làng Tiên Châu cùng vị Tổ sư của làng, Trạng ăn Lê Như Hổ. Cái sự tích này có ghi chép trong Chuyện Dân gian Việt nam, nhưng không đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học, nên không phải ai cũng biết. Nhiều người cũng chỉ nghe nói phong thanh về Trạng ăn, cũng như nghe chuyện về Trạng Quỳnh, Trạng lợn … nên không tường chuyện lắm. Vì thế mà cô chủ đã rất thú vị khi nghe tôi kể chuyện ông Lê Như Hổ. Chuyện về ông thì không phải cầm sách, cả xã tôi ai cũng thuộc lòng. Tôi lại thêm tí gia vị vào câu chuyện nữa, khiến nó vừa thần thoại, vừa thật, vì đã có hậu duệ Lê Loáng đây chứng minh. Cô chủ nghe chuyện vui vẻ và thích thú ra mặt. Thật đúng là “tai con gái”. Chỉ nghe chuyện ăn thôi mà đã có vẻ quên cả ngôi chủ khách, khiến cho tôi càng thêm hào hứng. Mấy gã phục vụ phải đứng xa phía sau nghe hôi câu chuyện tiếng được tiếng mất nhưng cũng có vẻ náo nức lắm.
Hết chai rượu ngon, hết thêm vài đĩa thức ăn nữa, bữa ăn kết thúc. Mọi người uống chén trà, còn Loáng tráng miệng hết một quả dưa hấu. Sau đó cô chủ tiệm vui vẻ tiễn chân chúng tôi. Chỉ tiếc rằng chúng tôi chỉ là khách ăn, bữa nay làm vui cho người phụ nữ này một lần rồi chia tay, chứ nếu là đối tác hay quan hệ khác thì chắc cô cũng sẽ mong gặp lại chúng tôi và quan hệ cũng có nhiều cơ sở để phát triển.
Buổi chiều, loáng không ngủ. Nó bảo tôi hay là chúng mình đi bơi vẫy vùng sông nước tí chút. Tôi đồng ý và đưa nó ra bể bơi Thái Hà. Chưa kịp gửi xe, Loáng đã nhìn bể nước và nghi ngại bảo tôi: “Bơi ở cái bể bơi bằng cái lỗ mũi này ấy à”. “Mũi là mũi thế quái nào”, tôi cự lại. Mày nhìn xem, mấy chục người đang vẫy vùng thế kia cơ mà. "Nhưng tao thấy nó bé lắm, có đủ quạt độ dăm sải không", nó nói, thái độ chán nản ra mặt. Thấy vậy, tôi đưa Loáng quay ra, vòng lên bể bơi Ngọc Khánh. Bể này tương đối cao cấp, giá bơi thuộc loại đắt nhất Hà Nội. Vẫn không đủ rộng để thuyết phục Loáng, nó nhìn qua rồi ngao ngán bảo: “Hà Nội chỉ có mấy cái chỗ bơi toen hoẻn thế này thôi à”. Tôi tự ái, nhưng thầm nghĩ nó nói cũng đúng. Tôi quay ra bảo nó. Nếu chính thống thì Hà Nội từ xưa cũng chỉ có độ dăm cái bể bơi thôi, toàn loại này. Ngày trước tao cũng ưa thoáng nên hay lên hồ bơi Quảng Bá. Nước sâu và chiều ngang hồ cũng tới hơn 200 mét. Mùa nước đầy thì trông cũng mênh mông lắm. Nhưng bây giờ dân họ lấn chiếm quanh hồ, lại xây đủ các quán ăn đặc sản vứt bừa chất thải xuống đó nên nước hồ cũng ô nhiễm lắm, bơi chỉ tổ bẩn ngứa thêm. To nhất thì có hồ Tây, nhưng không có bến xuống. Ở đó chỉ có dân sở tại quanh vùng và bọn câu cá trộm bơi lội thôi.
Loáng cười buồn, rồi chúng tôi quay về. Dọc đường tôi chợt nhớ ra bên con đường cao tốc Láng-Hòa Lạc mới mở, phía gần Tây Mỗ có một hồ nước lớn, một số dân bơi Hà Nội đã rủ nhau tới đó bơi buổi chiều. Nhưng mình phải tự lo là chính, vì đó không phải hồ bơi nên không có dịch vụ hay công tác cứu hộ nào cả. Loáng thích thú gật đầu liền. Nó bảo tôi, "mày yên tâm đi, thế mọi khi ra sông bơi thì ai dịch vụ và bảo hộ". Tôi cười. Nói thế thôi chứ tài sông nước của Loáng thì tôi chịu rồi. Khi bé ở quê, mặc dù ao hồ lẫn mương tiêu nhan nhản khắp quanh làng, nhưng Loáng vẫn hay rủ chúng bạn ra sông Hồng hay sông Luộc tắm. Đi xe đạp mà cũng phải gần tiếng mới ra đến sông. Loáng nổi tiếng bơi giỏi khắp vùng. Nó cũng thuộc loại to khỏe có sức vóc hơn người. Lại nhớ, ngày xưa thời Chúa Trịnh Doanh thế kỷ 18, bên Thanh Hà, Hải Dương có cuộc khởi nghĩa nông dân của ông Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Tài bơi lội của ông được ví với cá He ngoài biển Đông, được tôn là Yết Kiêu tái thế. Đội quân thủy của ông rất mạnh, ngang dọc sông nước khắp vùng. Tôi chợt nghĩ, nếu thằng Loáng sinh vào thời đó, thể nào nó cũng gia nhập nghĩa quân, được làm tướng dưới trướng Nguyến Hữu Cầu. Sau này lớn lên, Loáng có đi bộ đội, vào Hải quân và được tuyển chọn vào Đặc công nước. Nó đã từng bơi 30 cây số trên mặt biển. Tuy thế đến khi đơn vị nó được điều động vào Nam thì chiển cuộc đã thay đổi, miền Nam giải phóng đến nơi rồi. Loáng theo đơn vị ra tiếp quản quần đảo Trường Sa mà không phải đánh trận đặc công nào. Nếu không, chắc nó cũng đã nằm lại dưới lòng sông nào đó trong Nam rồi, vì đặc công nước ra đi 100 thì chỉ có 1 trở về.
Đến cái hồ bơi thiên nhiên bên đường Láng-Hòa lạc ấy thì đã có hơn hai chục người đang bơi. Toàn là thanh niên, đàn ông. Hồ rộng có dễ đến gần chục hec-ta, mênh mông nước. Chúng tôi chọn chỗ, dựng xe rồi cởi quần áo xuống bơi. Tha hồ mà vẫy vùng. Thằng Loáng sải những cánh tay dài bơi vòng rộng ra giữa hồ. Tôi bơi kém hơn nên chỉ làm vòng nhỏ gần bờ. Trong đám thanh niên ở đây, nhiều đứa bơi tốt ra phết, nhưng xem sức vóc và tầm cỡ bơi lội thì không ai có thể so được với Loáng.
Vùng vẫy giữa trời nước phải đến hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới chịu lên bờ, mặc quần áo và ra về. Thế mà tới nhà cũng đã gần 6 giờ tối rồi. Tôi giục Loáng thay quần áo để còn đi ăn tối.
Tôi nhẩm tính lướt qua trong đầu rồi chọn quán Khang Sinh trên phố Nguyễn Thái Học. Chỗ ấy là vừa phải, không xa quá và cũng tương đối náo nhiệt vào buổi tối. Quán này chỉ có vài buồng nhỏ bật đèn mờ, còn chủ yếu khách ăn ngoài trời. Cái sân gạch đỏ rất to kê nhiều dãy bàn, có một ít cây cau và tre đàng ngà nghiêng cành sát bàn ăn, lại có cả vài bụi chuối rừng tạo vẻ gần gũi thiên nhiên. Dãy đồ ăn cũng nằm sát góc sân, có mái che sương. Quán này mưa to là phải đóng cửa. Tiền vào ăn là 15 “đô” một người, cũng vào loại thứ hạng cao trong các quán ở Hà Nội. Chỗ này có hơi đặc biệt một chút, có món sườn cừu nướng sả ớt mà dân miền Trung hay miền Nam rất khoái. Nó thơm ngon chứ không hôi rình và gây gây như món thịt cừu hun khói mà những gã thảo dân Mông cổ vẫn mang theo làm lương thực trên các chuyến tàu hỏa xuyên Á chạy từ Liên xô về Trung Quốc. Lại có một quầy có 2 gã phục vụ món tôm nướng tại chỗ. Tôm đang bơi vớt ngay từ bể kính ra, loại tôm sú to cỡ 25-30 con một cân. Ngoài ra lại có mấy quang gánh có bún ốc, bánh đúc riêu, phở gánh do mấy cô gái mặc áo tứ thân kiểu thôn nữ phục vụ. Thằng Loáng có vẻ thích mắt, nó không vội ăn như ở mấy quán trước, mà ngồi tại bàn chống tay lên má nghiêng người ngắm các cô một lúc khá lâu.
Chén xong đĩa ngao hấp, tôi mới giục Loáng ăn. Ở quê đi kéo vó ngoài ruộng chỉ có tép nhỏ, hợp với món kho khế. Tôm càng to chỉ có ở các ao lâu tát. Loại này phải câu hoặc đánh dậm. Xét về chất, tôm càng ở đồng ngon hơn tôm sú, nhưng lại bé hơn nhiều. Tôm càng mà làm món bánh tôm là số một. Thằng Loáng chắc cũng muốn so sánh, nên quyết định khởi đầu bằng món tôm nướng. Ở đây không nướng sẵn mà chờ khách yêu cầu mới bắt tôm để nướng. Mỗi kẹp chỉ có năm con. Thường mỗi người chỉ lựa một kẹp, ăn xong nếu thích mới yêu cầu thêm, còn thường là đổi sang món khác. Loáng yêu cầu luôn 2 kẹp. Mười con tôm sú nướng chấm tương ớt không đủ cho Loáng ngồi nóng chỗ. Nó lại ra yêu cầu hai kẹp nữa và lại thanh toán xong trong chớp nhoáng. Khi Loáng yêu cầu hai kẹp tôm lần thứ ba thì thằng nướng tôm hơi cau mặt. Nó bảo, anh nên ăn sang món khác đi, để người khác còn ăn. Loáng không chịu, nó bảo, cậu cứ nướng đi, ăn gì là quyền tớ cơ mà. Thằng nướng tôm tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn phải nướng tiếp hai kẹp tôm đưa cho Loáng. Tôi vừa cắt miếng thịt bò bít-tết chậm rãi nhai vừa nhìn Loáng. Lần này nó ăn từ tốn hơn, nhưng mười con tôm to cũng không kéo được quá năm phút. Loáng lại ra yêu cầu tôm nướng. Thằng nướng tôm có vẻ cáu, nhưng nhìn bắp thịt cuồn cuộn ở cánh tay của Loáng thì cũng ngại. Nó giở trò trẻ con nói với Loáng để hoãn binh, hay anh cứ ăn tạm món gì khác đi, chờ em nướng mấy kẹp này cho khách khác rồi em nướng cho anh. Loáng phẩy tay, ừ một tiếng rồi quay sang bên cô hàng bún gần đó: “Em làm cho anh hai bát bún ốc thật to, cho nhiều ớt một chút”. Cô gái vâng khẽ rồi nhanh nhẹn làm bún. Thằng nướng tôm thấy thế quay người cười thầm. Chắc nó nghĩ cái đồ vai u thịt bắp như gã khách này chắc quái gì đã xơi hết cả hai bát bún ốc. Mà xơi xong rồi thì no lòi kèn, còn chỗ nào trong bụng mà đòi thêm tôm nướng. Loáng bê hai bát bún nóng về bàn, đẩy một bát sang phía tôi, "mày ăn một bát cho vui". Tôi lắc đầu, miếng bò bít-tết tôi đã chén xong đâu. Loáng không khách xáo, cầm thìa và đũa lên chén sạch hai bát bún khi còn chưa hết nóng. Nó khà nhẹ một tiếng khoan khoái, lấy cái khăn lau mồm rồi đứng dậy. Mày đi đâu đấy, tôi níu nó. Tao ra lấy tôm, Loáng nhe răng cười. Tôi thấy hơi ngài ngại, nhưng rồi để mặc Loáng. Thằng Loáng tiến lại chỗ nướng tôm, e hèm: “cho anh hai kẹp tôm”. Gã nướng tôm đã quan sát, biết Loáng vừa chén hết hai bát bún ốc to, nên kêu lên: “Anh chưa no cơ à? Làm sao anh ăn hết hai kẹp tôm bây giờ?”. Loáng bảo, "hai kẹp tôm ăn thua gì, chục kẹp nữa tớ xơi cũng hết". Mười kẹp tôm là năm chục con, cỡ hai cân chứ ít ỏi gì. Loáng đã xơi hết sáu kẹp tôm và hai bát bún ốc to. Thằng nướng tôm biết vậy nhưng không thể biết Loáng thuộc loại “Trạng ăn”, nên đã làm một việc ngu ngốc là cá cược với Loáng. Nó bảo," em sẽ đưa 4 kẹp tôm nướng nữa, nếu anh ăn hết, em sẽ chịu suất tiền ăn tối nay cho anh, nếu không, anh phải trả em năm trăm ngàn, chịu không?". Loáng cười, đưa bàn tay vạm vỡ ra bắt.
Loáng cầm 4 kẹp tôm về bàn, nói nhỏ với tôi chuyện cá cược. Tôi gật đầu, thầm nghĩ, mọi người lại phải chuẩn bị xem Loáng biểu diễn đây. Bọn nướng tôm chỉ để lại một đứa làm việc tiếp, còn một đứa và hai thằng phục vụ bàn tiến lại cạnh bàn chúng tôi làm vai trò trọng tài. Tôi vẫn ngồi nhưng không ăn nữa mà nhìn Loáng biểu diễn. Loáng từ tốn bóc vỏ từng con tôm, chấm đẫm vào đĩa tương ớt rồi đưa lên mồm. Nó cũng từ tốn cắn mỗi con làm ba miếng. Liên tục hết con tôm này đến con tôm khác. Hai chục con tôm hết veo, Loáng lấy khăn lau tay và liếm mép tỏ vẻ như còn thèm thuồng trước sự tròn mắt ngạc nhiên của ba gã thanh niên nhà hàng. Tôi cũng cười, vì biết trước sự việc sẽ diễn ra như thế. Loáng vỗ vai gã nướng tôm: “Thôi, chú mày về làm việc đi và chuẩn bị lát nữa trả tiền cho anh. Còn bây giờ, để anh còn đi thưởng thức các món khác". Nghe vậy, ba gã thanh niên càng tròn mắt ngạc nhiên hơn. Chúng đứng ngây người ra hồi lâu, nhìn Loáng ra xúc một bát chân giò hầm đậu Hà Lan to đem về bàn xúc ăn ngon lành như không, rồi mới giải tán. Tôi chỉ túc tắc ăn và làm tiếp nhiệm vụ giới thiệu cho Loáng biết nhà hàng này còn món gì, để ở chỗ nào …
Ăn kiểu như Loáng mà không gây sự chú ý với ai thì mới là điều lạ. Sự việc bây giờ lại diễn ra gần như ở các quán khác và không còn làm chúng tôi phải nghĩ ngợi gì nữa. Bọn phục vụ lại báo chuyện với tay quản lý. Gã quản lý ở đây tuổi cũng tầm ngoài 40, người to tròn trông như gã đồ tể trong chuyện Thủy Hử của ông Thi Nại Am. Gã tiến lại chào chúng tôi. Sau vài câu chào hỏi thăm dò, gã đề nghị được tiếp ăn cho Loáng. Sau cái phẩy tay của hắn, một gã phục vụ bê ra một thùng bia Heineken, bóc hộp rồi xếp bia lên bàn. Gã quản lý đưa tay mời mọc. Tôi biết thằng này có ý thử đểu. Thường uống bia thì không thể ăn nhiều. Thằng Loáng bạn tôi đã ăn một lô thứ đủ để bội thực nhiều người, nay nốc bia có men vào dạ dày, nó sủi lên làm trương tất cả các thứ trong đó lên thì chỉ còn nước vỡ bụng. Tôi không lo lắm vì biết sức của Loáng, nhưng về cái khoản kiến thức khoa học thì tự cho mình cũng hơn nó, nên nhắc nhỏ Loáng về chuyện bia có khả năng làm lên men đủ thứ. Loáng cười rồi tự tay ra chỗ để đồ ăn lấy về một lô các món toàn loại chắc nịch như sườn sào chua ngọt, sườn cừu nướng, bê thui và gà rán. Ở đây thằng quản lý chỉ mời bia thôi chứ không phải tiếp chuyện lịch sự như cô chủ quán “Cây cau lùn” nên nó không ngồi ăn cùng, mà cũng để mặc Loáng muốn lấy món ăn gì thì lấy. Cả một thùng bia 24 lon, nó chỉ bật ra một lon rồi xoay xoay trên tay nhấp từng ngụm và đẩy cả 23 lon còn lại về phía Loáng. Tôi cũng muốn uống đỡ Loáng một chút, nhưng vì vốn kém cái khoản rượu bia, lại vì thằng quản lý có ý mời riêng Loáng khoản uống này nên tôi cũng coi như không quan tâm.
Loáng vẫn vừa ăn vừa uống một cách bình thường, vẻ ngon lành kiểu thưởng thức chứ không phải là cố gắng ăn kiểu thách đố. Tôi biết Loáng dư sức ăn bữa dăm cân thịt luộc, cơm nấu dăm bảy đấu gạo và hết cả lít “cuốc lủi”, nhưng không nghĩ bụng nó chứa được cả hơn hai chục lon bia. Thế mà hết nhẵn, lại chẳng thấy đỏ mặt tía tai hay say sưa gì cả. Dọn sạch mọi thứ trên bàn xong, Loáng còn thong thả ngồi lấy tăm xỉa răng, dáng vẻ ung dung thư thái. Nó cứ nhe răng ra mà xỉa như lão Nghị Quế trong cuốn "Tắt đèn" của cố nhà văn Ngô Tất Tố. Đúng là quê. Nhưng hình như nó cố làm vậy để chọc tức thằng quản lý thì phải. Gã quản lý ngồi im không nói gì, hình như chờ nó vỡ bụng thì phải. Xỉa răng chán rồi, Loáng mới vươn vai đi ra khu Toilet. Nó vào đấy chừng năm phút, đủ để thải cái chỗ nước bia sau khi đã được lọc qua cơ thể nó. Chén một mạch, rồi mới đi "tồ" một mạch, thế chẳng phải đã khác người sao?
Chưa hết. Về đến bàn, Loáng còn chén thêm ba ly kem và một đĩa dưa hấu to nữa rồi mới chịu chùi mép kết thúc bữa.
Chúng tôi vui vẻ bắt tay chào gã quản lý rồi ra về. Tất nhiên là tôi chỉ phải trả tiền cho một suất ăn thôi.
Về nhà, tôi cứ sợ Loáng ăn bữa tối nay hơi nhiều, liệu có sao không. Nói dại chứ, phải đi cấp cứu bệnh viện vì chuyện bội thực ăn uống thì thật chẳng ra làm sao, ê cả mặt. Nhưng tôi lo cũng bằng thừa. Quen thân là thế mà hóa ra tôi vẫn chưa phải là kẻ đã hiểu hết về Loáng. Các ông "Trạng văn" còn có giới hạn bởi 3 quyển thi trong ba ngày lều chõng, chứ cái loại "trạng ăn" này thì đã có sách nào định lượng được đâu? Rửa chân tay xong, cởi bỏ đám quần áo dài vướng víu, đánh mỗi quần đùi áo may-ô, Loáng lại hô tôi pha ấm chè thái ướp sen. Hai thằng lại ngồi ngoài hiên uống chè, ngửa cổ ngắm sao trời và tán láo đủ thứ chuyện đến tận khuya.
*
Đấy mới là hơn hai ngày Loáng ở chơi nhà tôi với ba bữa đi ăn buffet. Kể tiếp tỉ mỉ nữa thì cũng bằng thừa. Tất nhiên trong mấy ngày ở chơi nhà tôi, Loáng không chỉ ngồi ăn và tán chuyện. Nó đòi tôi đưa đi thăm danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Quả là bắt bí nhau, biết đi loanh quanh chỗ nào bây giờ ở đất Hà thành này. Tôi ở Hà Nội lâu, nhưng có lẽ chưa biết đến mấy cái danh lam thắng cảnh nào. Đọc thơ, nghe hát thì hay đấy, nào là Chiều hồ Tây lộng gió, đàn chim Sâm Cầm bay rợp đầm sen, rồi phố vắng thơm mùi hoa sữa … nhưng hình như chẳng có chỗ cụ thể nào cả. Tôi nhớ ngày bé có một lần thăm Di tích Cổ Loa bên Đông Anh, nhưng hình như không phải ngày hội thì cũng chẳng có ai đến. Thôi thì cứ xem người các tỉnh lên Hà Nội thì đi đâu, thì mình cũng đưa nó đến đấy. Tôi dành một buổi sáng đưa nó đến Lăng Bác, cảm nhận cái không khí nghiêm trang của dòng người lặng lẽ chầm chậm vào Lăng, sau đó theo ra khu nhà sàn của Bác, xem đàn cá thế hệ thứ bao nhiêu đó của đàn cá thời Bác còn sống, thăm ngôi chùa Một-cột. Thằng Loáng hơi ngỡ ngàng trước chùa Một cột. Nó bảo chùa này chỉ độc đáo về kiến trúc thôi, chứ bé tẹo mà vắng vẻ. Vắng vì có mấy ai được vào chùa ngoạn cảnh hay thắp hương gì đâu.
Hôm khác chúng tôi đến công viên Thủ Lệ xem con voi già và mấy con hổ ốm nhách. Mấy con hổ ấy đói ăn gầy còm sống trong chuống sắt đã mất hết cả sinh khí, có khi còn không được ăn nhiều bằng thằng Loáng. Cảnh vật công viên nói chung buồn tẻ. Chỗ nào cũng thấy người bán rong mấy thứ đồ vơ vẩn như vài qủa bóng bay, tí kẹo cao su, chai nước khoáng… Mà cũng toàn do người nhà quê ra kiếm sống vặt vãnh qua ngày đem bán. Vèo một cái đã hết các nơi cần đến. Loáng bảo còn chỗ nào nữa. Tôi bảo nó, hay mày có đến các Nhà Bảo tàng không, mỗi nơi phải hết một ngày. Loáng lưỡng lự rồi hỏi tôi khu phố cổ. Tôi cười, chúng mình có phải như mấy ông Tây bà Đầm ngô ngô nghê nghê như từ mặt trăng rơi xuống đâu mà phải đi xem phố cổ. Thế là ngoài cái vụ đi bơi đúng gu của Loáng, tôi rủ nó đi xem bóng đá. Không phải bóng đá giải Quốc gia hay khu vực gì vì độ này không đúng dịp. Chúng tôi đi xem bóng đá ngoài sân vận động của phường, vào và ngồi xem tự do không phải mua vé. Chỉ là thanh niên 2 phường cá cược nhau một trận bia, vậy mà khí thế và sôi nổi, hay chả kém gì V-league.
Chơi chán rồi, đến bữa thì phải ăn. Trừ bữa sáng chúng tôi tự nấu, còn trưa và tối nào tôi cũng đưa Loáng đi ăn Buffet. Mỗi nơi chúng tôi đến một lần cho biết. Từ những nhà hàng trên phố Liễu Giai, ở đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ hay phố Hàng Chuối hoặc cho đến nơi xa tít như đường Lạc Long Quân hoặc tận Nguyến Văn Cừ bên Long Biên, tôi đều đưa Loáng đi. Giá cả các nhà hàng không chênh nhau nhiều lắm, cứ trong khoảng hơn trăm đến hai trăm nghìn một suất tùy theo bữa. Bữa tối thường đắt hơn bữa trưa 40%, vì có nhiều món hơn, và thời gian ngồi ăn nhâm nhi cũng được lâu hơn. Chỗ nào Loáng cũng gây sự chú ý đặc biệt cho cả nhà hàng lẫn thực khách. Mỗi nơi một hình thức tiếp nhận, nhưng ở đâu người ta cũng tò mò xem Loáng ăn. Có phải ai cũng ăn nhiều được như thế đâu, và có phải hôm nào cũng có ông khách như thế này vào nhà hàng đâu. Bởi vậy chỗ nào người ta cũng tiếp đón tốt thằng Loáng và không nhà hàng nào dám để xảy ra ấn tượng là không mến khách, vì thực khách nhìn vào là chính chứ nếu chỉ hai chúng tôi thì có đáng kể gì.
Đúng vào lúc cánh nhà báo săn tin biết chuyện, muốn tìm rủ Loáng đi ăn buffet để phỏng vấn nó và viết phóng sự cho mấy tờ báo đang trên đà "lá cải hóa", thì Loáng ngỏ ý muốn về quê. Cũng phải. Vụ cày sắp đến rồi, bao việc đồng áng đang chờ nó ở nhà.
Tôi đưa Loáng ra bến xe Lương Yên, bắt tay và hẹn gặp lại nó vào kỳ Seagames sau tổ chức tại Việt Nam.
Tác giả: ChienC6
0 nhận xét:
Đăng nhận xét