THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (7)


Em đã rất cảm động khi đọc những dòng tâm sự của thày. Em hiểu ra thêm nhiều điều về ý nghĩa của chuyện viết văn. Vâng, thưa thày, trước hết em xin được chia sẻ với thày về nghiệp văn mà thày đang vận vào người. Nếu không thì làm gì có chuyện ông thày già 70 tuổi vẫn hằng đêm thức giấc trò chuyện, dạy dỗ học trò 54 tuổi về cảm nhận cuộc sống và thai nghén văn chương chứ. Em rất cảm ơn thày về những phân tích, chỉ ra những điểm yếu của truyện Hồng nhung. Lại một lần nữa em thầm cảm phục sự tinh tường của thày. Hồng Nhung là một kiểu "gắn"  rất vụng về, gượng ép. Điều đó em đã không tự nhận ra, chỉ khi được thày nhận xét, em soi lại cái logic khi mình viết truyện này một cách thật khách quan em mới thấy sự áp đặt duy ý chí của mình. Cho em được chắp tay lạy "Sư phụ" một lạy. Chắc là em phải nhờ khoa học hiện đại cấy thêm một số trứng "Siêu hạng" để sửa sai thôi ạ.
  Về Phượng Hồng, thày chê giàu chất thơ quá. Nhưng biết làm sao được, cái tình yêu tuổi học trò đó được viết từ ký ức của em về các nàng tiên tuổi trăng rằm và những Gã khờ của trường cấp III Chí Linh đấy ạ. Nhưng mà em biết, thày chê giàu chất thơ quá, có nghĩa là hơi ướt át một tý thôi, vậy nên thày vẫn trừ nợ cho em một năm chứ ạ. Riêng truyện Hồng Nhung, hôm trước thày trừ nợ cho trò một năm, hôm nay thêm một bài học chí lý nữa, trò thấm thía sâu sắc: Cần phải có sức căng, đặc tả; Khách quan, không áp đặt. Vậy nên thày trừ cho trò một năm nữa (riêng Hồng Nhung, trừ 2 năm). Tổng cộng là 7 năm, còn 3 năm thôi ạ.
Thư này em gửi thày truyện ngắn đầu tay: Sóng Ngầm.
Em chúc thày vui, khỏe.

29/6/2010

"Cô giáo Hương"!
"Trò Tuân" mấy hôm nay hơi bận cho nên bây giờ mới đọc được truyện Sóng ngầm của cô giáo. "trò Tuân" có mấy nhận xét thế này xin mạnh dạn được trình bày với cô giáo.Có thể đúng, có thể không đúng mong cô giáo thông cảm nhé.
Trước hết phải trở lại truyện Phượng hồng mà trò Tuân nói là giàu chất thơ quá là có ý khen cô giáo đấy, chứ "trò Tuân" không giám chê cô giáo ở cái truyện này đâu. Chất hồi ký rất nhiều mà đọc thì bâng khuâng lạ. Vì thế mà trò Tuân mới bảo nó giầu chất thơ đấy. Xin đính chính thế để cô giáo hiểu cho trò Tuân đấy nhé!
Còn về truyện Sóng ngầm trò Tuân thấy có điểm mạnh là Khám phá hiện tượng cuộc sống chính xác. Cái cảm giác cô đơn ngay trong căn nhà của mình như của bà Hiền là một cảm giác khá phổ biến của nhiều phụ nữ. Lối miêu tả tâm lý nhân vật khá tinh tế và thấu đáo. Nhưng khi lý giải nguyên nhân của hiện tượng phổ biến này thì lại bị "cá biệt" đi. Những mối tình xưa cũ khó trở thành vách ngăn vô hình cho cuộc sống hiện tại. Có chăng thì chỉ là vài trường hợp cá biệt. Còn phổ biến nó chỉ là những phút xao lòng "ai chẳng có những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ" (Thôi Hữu) hay nói như Nguyễn Du nó chỉ là một chút "vương tơ lòng". Và vì thế nó chỉ "tô điểm" thêm cho cuộc sống thường ngày thực dụng chứ ít có khả năng trở thành vách ngăn. Cách giải quyết câu truyện của cô giáo lại quá chỉn chu bài bản cho nên dễ lộ sự bố trí áp đặt. Cần một sự nham nhở và lửng lơ hơn để cho truyện tự nhiên và hiện đại.
Còn về chuyện nợ nần giữa em và cô giáo, thì tùy cô giáo vậy. Chứ em thấy cô giáo khôn như quỷ ấy. Hễ cứ mở mồm "chê" là cô giáo càng trừ nhiều nợ của em đi, thế này thì chết em à. Có khác gì cô giáo bịt mồm em lại không? Em  đến chết ngạt mất thôi cô giáo ạ.
Cuối thư em xin chào cô giáo vậy!
5/9/2014
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét