Trương Duy Hy - Người hẹn với trăm năm


     Như chúng tôi đã giới thiệu, ông là bạn thân của thầy Nguyễn Bang, ông là Thy hảo Trương Duy Hy người làng Minh Hương (nay là phường Minh An, TP. Hội An). Hiện ông sinh sống tại TP.Đà Nẵng. Ông đã có 12 công trình nghiên cứu về các danh sĩ, hình thái văn hóa, lịch sử của Quảng Nam – Đà Nẵng được giới học thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cuốn sách mới nhất của ông (biên soạn cùng Hoàng Hương Việt) được xuất bản năm 2014 là “Thành phố cổ Hội An – Đất và người”. Hôm nay chúng tôi xin được trích đăng bài Trương Duy Hy - Người hẹn với trăm năm của tác giả Song Anh đăng trên trang Văn hóa -Văn Nghệ của Báo Quảng Nam Online ngày 25 tháng 1 năm 2015.


     Những buổi chiều nắng xế, ví như cái tuổi của mình, người đàn ông cả cuộc đời chỉ muốn chạm mê say vào những giá trị văn hóa Quảng - Đà, vẫn ngồi bên gian nhà nắng dọi xiên ấy, nghĩ và viết...
Cả đời đi tìm… Tú Quỳ!

     “Xưa nay, trong giao tế với bạn bè, tôi thường bày tỏ lòng yêu kính của mình trước người quý chuộng sự thật, quý chuộng chữ “tín”. Lúc vào đời đến nay, tôi học đòi và thực hiện thành công phần nào, chỉ phần nào, khi chấp bút viết những điều mình đã thấy tận mắt, nghe tận tai…”. Thy hảo Trương Duy Hy – như đôi mắt tinh anh đã biểu lộ phần nào tính cách con người, quyết đi đến cùng với những thắc mắc, hoài nghi. Người xứ Quảng, nhắc đến Tú Quỳ, có thể kẻ bình dân chẳng biết “người đã đòi lại vị trí trong văn học cho Tú Quỳ” là ai, nhưng người chịu lật giở tìm tòi, sẽ thêm phần quý trọng Trương Duy Hy. Gần 40 năm, một nửa đời người, chỉ vì niềm trân quý với một tài năng thơ trào phúng như Tú Quỳ, ông mê mải với cuộc hành trình của mình.

     
     Con đường đi tìm Tú Quỳ của một người thầy giáo có chút sở học về Hán văn, sau này là một nhà nghiên cứu danh nhân văn hóa Quảng Nam – Đà Nẵng,  gặp rất nhiều trúc trắc. Ông kể, thơ ca Tú Quỳ đến với mình từ khá sớm, lúc lên bảy lên mười, khi phải đứng hầu quạt cho các cụ đồ nho đến nhà. “Thầy tôi là ông đồ nho, viết chữ liễn đẹp thuộc hàng nổi tiếng ở Quảng Nam thuở ấy. Thầy rất mê hát bội, có trình độ thưởng thức và khiếu thẩm âm nghệ thuật hát bội rất cao, nên thường được mời thủ trống chầu trong các buổi hát tại Hội An. Nhà vẫn thường hay tiếp các cụ cử, cụ tú ở Bảo An, Xuân Đài, Bàn Lãnh…”- cụ Hy kể. Chính trong những cuộc đàm đạo, luận bàn văn chương, hát bội giữa thân phụ và bạn bè, cậu bé Trương Duy Hy đã bắt đầu thuộc nhiều thơ văn Tú Quỳ - bằng tất cả sự nể trọng với nhà thơ trào phúng này tiếp truyền từ cha ông mình.

     Để tìm lại và vinh danh tên tuổi cho người ở quá khứ, cụ Hy đã ít nhất ba lần suýt chết vì bom đạn, chưa kể những lúc tư liệu bị mất sạch, phải mò mẫm lại từ đầu. Nhưng cái tính của một người lớn lên từ sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình đồ nho, cộng gian khổ trường đời, Trương Duy Hy đã tôi rèn cho mình một tinh thần “tín, nghĩa” khó khuất phục. Trả lại tuổi tên cho Tú Quỳ, chính là giữ sự trọng chữ của thân phụ, giữ niềm tin của đứa trẻ lên mười thuở ấy. “Tại sao suốt 4 năm ở bậc trung học, về cổ văn, chúng tôi chỉ được học thơ ca của các thi bá Bắc Nam? Miền Trung chỉ học 1- 2 bài của Phan Châu Trinh. Kim văn thì học 1- 2 bài của Phạm Quỳnh trích trong báo Nam Phong, ngoài ra chẳng có tác giả nào được nhắc đến. Mình nghĩ, quái lạ, Quảng Nam là đất “ngũ phụng tề phi” kia mà. Ngày còn nhỏ, ai cũng đọc thơ văn Tú Quỳ, nhưng sao tên tuổi ông ấy không được công nhận? Từ cái tự ái này mà tôi quyết phải dành đời mình đi tìm và trả lại tên tuổi cho ông”- cụ Hy tâm sự.

     Bắt tay vào cái dự định khi tuổi còn thanh niên (cụ Trương Duy Hy sinh năm 1934), cho mãi đến năm 1993, sau gần 40 năm sưu tầm, tìm kiếm, cuốn sách về nhà thơ độc đáo nhất của Quảng Nam mới ra đời. Nếu không bền gan, có lẽ bây giờ thế hệ sau chiến tranh của xứ Quảng sẽ chẳng mấy ai biết đến Tú Quỳ. Cụ Hy nói, cuộc đời Tú Quỳ phiêu du khắp các tỉnh miền Trung. Đi đến đâu ông dựng trường dạy học và làm thơ trào phúng ở đó. Trong nhà cụ Tú ở làng Giảng Hòa (Đại Lộc) có ba thế hệ đều đỗ tú tài. Đến tuổi cửu tuần, vua Khải Định ban cho cụ Tú hàm “Hàn lâm đãi chiếu” vì nể trọng tài năng. Nhưng thơ văn trào phúng của Tú Quỳ với bút tích để lại còn rất ít ỏi. Cụ Hy lại phải thêm một quá trình vất vả góp phần minh chứng tư liệu để làng văn học Việt Nam công nhận cái tên Tú Quỳ. Cụ Hy vác sách đi Hà Nội, gặp những cây đại thụ trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Với những dẫn chứng thuyết phục, sự phân tích sắc sảo, khổ tâm nghiên cứu của ông, cái tên Tú Quỳ được công nhận và chính thức xuất hiện trên văn đàn Việt Nam. Năm 2011, TP.Đà Nẵng đã ra nghị quyết đặt tên đường mang tên nhà thơ trào phúng Tú Quỳ để ghi nhận tài năng của ông. Và người đàn ông dành cả cuộc đời của mình cho một cái tên từ hàng trăm năm trước, khi ấy đã bật khóc: “Tôi thật sự xúc động. Vậy là cả đời đi tìm và lấy lại danh tiếng cho cụ Tú Quỳ của tôi đã hoàn thành phần nào”…

     Hẹn với tiền nhân

     Với riêng việc nghiên cứu về danh sĩ Tú Quỳ, cái tên Thy hảo Trương Duy Hy đã xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nhà “Quảng Nam học”. Nhưng trong mắt nhìn của nhiều người, Trương Duy Hy là một cái tên đổ bóng về nhiều phía. Ở ông, như thể sinh ra đã là người nhận phần tìm kiếm, giữ gìn những giá trị văn hóa tiền nhân. Cái chất trữ tình xuôi về phần văn chương, lại có cái mê say dấn thân của tính cách ưa nghiên cứu khoa học nhân văn. Cách đây độ hơn 5 năm, người xứ Quảng đôi lần bắt gặp một ông cụ da đã trổ đồi mồi, vẫn say sưa, lặn lội đến từng vùng đất trên bản đồ Quảng – Đà, để “ghi cho rõ” những khúc mắc về những cái tên, những địa danh mà ông nghiên cứu. Nhà thơ Tường Linh nói, cái nguồn gốc tên “Thy hảo” ấy, có ý nghĩa như một dấu ấn chuỗi thời gian dài bất hạnh ông Hy đã trải qua. Còn “Thy hảo”, với Trương Duy Hy, chỉ đơn giản là sự nói lái kiểu xứ Quảng về tên của ông và vợ mình – người đã giúp ông có nghị lực vượt mọi gian khổ.

     Trương Duy Hy thuộc týp người luôn giữ quan niệm cố cựu về những vốn quý cha ông đã sáng tạo – là điều vô giá. Hàng loạt công trình nghiên cứu của ông ra đời, xuất phát đầu tiên, vẫn từ cái ý định “tử tế”, muốn lưu, muốn tìm những gì sót lại, những điều tốt đẹp có nguy cơ lụi tàn, cho người đời sau. Không vị kỷ, vị lợi. Một trong những nhà nghiên cứu điền dã am tường văn hóa, danh nhân, lịch sử xứ Quảng, đi lên bằng con đường tự học. Năm 1995, ông cùng bạn nghiên cứu Phạm Ngô Minh cho ra đời tác phẩm “Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601 – 1919”. Cách học, cách thi cử, sách vở học trò phải tham khảo, quy chế trường thi đối với giám khảo và sĩ tử… được ông viết lại bài bản, rành mạch. Năm 2004, ông xuất bản tác phẩm “Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam dưới thời nho học”, được Đại học Harvard (Mỹ) cùng Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu dưới tên sách Thư mục Hán Nôm. Cùng năm này, sau những lặn lội từ trong sách vở đến hiện thực, ông in cuốn “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa – Người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ, xuất bản năm 1927”, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Bây giờ, có đến 5 từ điển văn học, một sách kỷ lục Việt Nam trân trọng ghi tên Tú Quỳ, Huỳnh Thị Bảo Hòa. Chừng đó, đủ để thấy sự đóng góp của Thy hảo Trương Duy Hy. Nhiều nhà nghiên cứu, giới báo chí học thuật trong nước, đánh giá ông “như một hiện tượng đặc thù trong giới nghiên cứu nhân vật lịch sử Quảng Nam – Đà Nẵng”.
     Tính cả những ngày cuối năm âm lịch này, ông đã hơn cái độ tuổi tròn trịa của một kiếp người. 80 năm, đủ làm nên âm sắc để khi gọi lên một cái tên, người ta bật thốt lên những lời tri ân, trân quý mà đời người đã làm với nhân gian. Thy hảo Trương Duy Hy – trăm năm vẹn tròn lời hẹn với tiền nhân…

SONG ANH
Mời Quý thầy cô, anh chị đón đọc Những bài văn tế của Tú Quỳ do tác giả Thy Hảo Trương Duy Hy biên khảo và dành tặng cho trang ĐG-HHT
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét