Internet và tôi
Internet đã giúp tôi trau giồi thêm kiến thức, giải trí và thoát ly phần nào ra khỏi nỗi niềm cô đơn của tuổi hoàng hôn.
Bước đầu làm quen với Internet cũng rất khó khăn vì lớn tuổi nên rất bảo thủ và rất e ngại những kỹ thuật quá mới mẻ.
Nhưng các con tôi thì nhất quyết kéo, đẩy ông già tía của chúng nó vô làm quen với internet cho kịp với bước tiến của xã hội. Thú thật tôi rất lo.
Chủ động là thằng con trai của tôi. Lúc đó đang học trung học. Nó đi mua máy móc, lúc đầu thì mấy cái desktop PC to tổ chảng. Mua về nó tháo mở bung cái máy ra, lấp ráp thêm bộ phận nầy, gắn thêm cái nọ, load thêm chương trình kia…Nó tự làm. Tôi không biết nó học ở đâu và từ bao giờ nên tôi ngại quá. Lỡ ráp vô máy không chạy thì mất toi tiền. Nhưng rồi mọi việc cũng đều tốt đẹp.
Sau một thời gian vài năm, nó biểu tôi quăng bỏ đi vì máy đó “hết hay”, chạy chậm và to quá, quê lắm. Mua laptop hay hơn, nhanh hơn và gọn hơn. Nó nói sao thì tôi nghe vậy chớ mình có biết ất giáp gì đâu. Chỉ biết hỏi nó là có tốn tiền lắm không.
Rồi nó chỉ tôi các cách sử dụng căn bản, load cho tôi cái fonts VN và một số program cần thiết khác, chỉ cách mở file, gởi bài đi v,v…Mấy cái chuyện như scan virus thì nó làm cho tôi lúc nào thấy cần vì nó nghĩ là nếu có chỉ tôi cũng không chắc gì tôi làm được như ý nó muốn.
Thế rồi năm 2006, nó lấy vợ và dọn sang miền Tây Canada lập nghiệp và làm việc luôn trong ngành computer… Nó đi qua bên dó xa gần 4000 km làm tôi chới với, biết hỏi ai bây giờ mỗi khi có problem về computer hay internet? Lo lắm. Lúc còn ở chung nhà với tôi, mỗi khi có rắc rối về máy móc, TV, đèn đuốc, laptop, v.v… hay không hiểu cái gì thì tôi chỉ cần réo lên một tiếng là nó chạy lại liền. Nó chỉ cần gõ lên bàn phím lốc cốc 6-7 cái là ok hết. Tôi cố nhìn theo nhưng không kịp. Có khi nó làm chậm lại và nói tôi phải nhìn cho kỹ, kỳ tới nếu có xảy ra problem nầy thì gõ y như vậy. Rồi nó trấn an tôi. “Không có gì phải lo hết. Nếu có problem, báo cho con biết con sẽ sửa cho”. Lúc đầu tôi không mấy hiểu nó muốn nói gì nhưng lúc sau nầy hễ có problem là tôi email hay phone cho nó. Nó trả lời là phải gõ nút nầy nút nọ thì mình làm y vậy là ok.
Nếu thấy trường hợp khó thì nó nói “ Đừng tắt Internet, để tối con sửa cho. Goodnight Pa” Khi đó thi tôi mới hiểu là nó làm remote assistance.
Sáng sớm hôm sau, khi nhìn lên màn hình laptop thấy Notepad ghi chữ DONE.
Thở phào nhẹ nhõm.
Thật ra, có nhiều khi chuyện không có gì, chỉ cần gõ “đúng nút” là được. Sau nầy tôi “biết khôn” hơn, mỗi khi có problem lạ thì tôi vô google tìm trong các forum của những nạn nhân có cùng một vấn đề như mình. Họ chỉ cách giải quyết. Tóm lại vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu thì thấy khó vì chưa quen cách sử dụng mà thôi.
Tại sở làm, các đồng nghiệp của tôi đều thuộc thế hệ trẻ tuổi nên sử dụng computer và internet là chuyện quá tự nhiên. Họ chỉ dẫn tôi làm cái gì thì tôi biết cái đó, đủ để làm việc mà thôi. Tây họ gọi kiểu nầy là vừa làm vừa học (apprendre sur le tas). Còn khó quá, thì phone cho technical assistance của cơ quan nó giúp.
Còn nhớ, vào những năm 90, mỗi khi gởi rapport hay công văn thì thường là phải đánh máy và gởi qua bưu điện, vừa mất thời gian và vừa lâu lắc hết sức. Sau đó thì lần lần các thủ tục hành chánh đều đuợc làm bằng computer hết. Mỗi nhân viên CFIA đều được cơ quan cấp cho một địa chỉ email cá nhân với mã số đặc biệt của nhà nước… để sử dụng trong nội bộ với nhau.
Cao niên và Internet.
Vui buồn một kiếp tha hương
“…Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay...”(Ngưng trích, Đoàn Thanh Liêm- Niềm vui của tuổi già trong thời đại internet)
Nhờ internet mà từ hơn 8 năm nay tôi thưòng xuyên gõ bài gởi đi khắp bốn phương trời…Đó là một niềm vui, một hobby của tôi trong tuổi xế chiều.
Tôi gõ để tự mình trau dồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để tự mình giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị trầm cảm, để khỏi bị bệnh Alzeihmer, để thoát ly và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...
Thế cho nên tôi gõ cho người đọc nhưng thật sự ra là tôi cũng đồng thời gõ cho chính tôi, cho cuộc sống của mình được thêm phần ý nghĩa hơn.
Tôi rất vui sướng vì ít ra mình cũng có nhiều may mắn và tự do làm được những gì mình ưa thích trên đời.
“Giờ đây đừng khóc sầu chi đàn ơi!
Lên vai cùng lê đôi gót tha hương.
Mình dìu nhau khắp nơi chân trời,
tìm vần thơ ngát hương đời
để dệt thành câu hát quê hương”
(Lam Phương- Kiếp tha hương)
Gọi là Ghiền Internet có đúng hay không?
Chắc là đúng thôi, nhưng không phải là một loại ghiền ghê gớm bệnh hoạn như ghiền rượu, ghiền thuốc lá, xì ke, ghiền casino, v.v…
Ghiền Internet có thể giúp chúng ta giải tỏa stress, giải khuây, thoát ly, thêm nhiều bạn bè mới, cải thiện mối giao tiếp xã hội, du lịch trong không gian, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kiến thức, v.v…
Nhờ đó, nó còn giúp chúng ta hiểu được thêm nhiều khía cạnh của nhân sinh cũng như các hỉ nộ ái ố cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống!
Có nghiên cứu gần đây của Đại học Los Angeles cho thấy người già cả mà ghiền Internet thì tốt lắm vì các cụ sẽ cải thiện được trí nhớ rất nhiều. Theo thăm dò cá nhân, có lối 90% cao niên thường xem Internet trong ngày. Nhờ sử dụng internet mà các cụ cảm thấy bớt lẻ loi trống vắng nên bớt bị trầm cảm.
Theo Phoenix Center, việc sử dụng thường xuyên internet rất tốt cho sức khỏe tâm thần của người già và giúp cho họ tránh được bệnh trầm cảm và bệnh lú lẫn Alzheimer. Một khảo cứu của Semel Institute for Neuroscience and Human Behavior, đại học UCLA Hoa Kỳ cũng kết luận là Internet giúp kích thích não và cải thiện trí phán đoán.
[Theo các nhà chuyên môn về bệnh tâm thần thì vấn đề trầm cảm (depression) có khuynh hướng gia tăng trong nhóm người trung niên và cao niên VN sống tại Little Saigon-Quận Cam]. (Theo newamericamedia. org-More Older Vietnamese American Seeking Help for Depression)
“Mental health professional and community volunteer Suzie Dong-Matsuda explained that although mental problems tends to be stigmatized among Vietnamese Americans, she is witnessing an increase in adults in midlife and older who seek help for depression among Vietnamese Americans in Orange County’s Little Saigon.”
Kết luận
Càng về già, cái gì cũng lần lần mất bớt đi hết…Cũng may, Internet đem đến những nguồn vui ảo giúp chúng ta sống những ngày còn lại không đến đổi quá vô vị.
Duy chỉ còn lại một vấn đề nho nhỏ là đôi khi em LapTop bị một số bà xem như là một tình địch đáng ngại của họ. Chuyện các bà ghen với cái computer cũng rất thường hay thấy xảy ra lắm.
Nhiều ông ôm computer suốt ngày, không thèm ngó ngàng gì đến chuyện trong nhà ngoài ngõ và thậm chí còn quên luôn sự hiện diện của bà nhà nữa nên bị mấy bả ghen, tức, cằn nhằn cự nự thì cũng không có gì là oan đâu.
Internet là con dao hai lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng có mặt xấu của nó.
Nó là kho tàng kiến thức, nhưng đồng thời cũng là một cái thùng rác vĩ đại.
Điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn sao cho đúng mà thôi…Mà thế nào là đúng, thật khó biết?
Câu trả lời cũng còn tùy theo hoàn cảnh và cá tánh của mỗi người nữa.
Thôi, nếu thích quá thì cứ việc làm, cứ việc ghiền thả cửa đi. Đây là xứ tự do mà.
Lo làm chi cho thêm mệt. Cứ vui vẻ an hưởng tuổi già phải không các bạn./.
Bs Nguyễn Thượng Chánh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét