Khiêm nhường là gì?


1. Hiểu lầm sự khiêm nhường- John Bevere :


Thật buồn để nói, khiêm nhường thường bị hiểu sai là hèn nhát, nhu nhược hay bạc nhược. Thật ra, nó hoàn toàn trái ngược. Và trong Kinh Thánh, những ai thật khiêm nhường thường bị cho là kiêu ngạo hay ngạo mạn. Lấy Đavít làm ví dụ. Theo lời yêu cầu của cha cậu, Đavít đi thăm các anh cậu đang tham chiến chống lại đạo quân người Philitin. Khi cậu đến chiến địa, cậu thấy tất cả người lính kể cả các anh cậu, đang ở trong tư thế chiến đấu lạ đời: trốn sau hốc đá và run rẩy sợ hãi, Họ run sợ bởi tên khổng lồ người Philitin to lớn, mạnh mẽ và tiếng tăm. Đavít nhận ra rằng chuyện này đã diễn biến bốn mươi ngày nay, và cậu hỏi với giọng điệu người lớn, “Tên Philitin không cắt bì kia là ai mà dám sỉ nhục đạo quân của Đức Chúa Trời Hằng Sống ?” (1Sa 17:26).

Thái độ của Đavít làm cho người anh cả của cậu là Ê-li-áp nổi khùng. Bạn nghĩ Ê-li-áp nghĩ gì không ? Cậu em của tôi không phải là con nhà nòi, nó quá kiêu ngạo. Người anh cậu đáp trả lại Đavít, “Tao biết tánh kiêu ngạo và sự độc ác của lòng mầy” (c.28- BTT). Chà, một lời quở trách thẳng thừng! Bản Dịch Mới dịch, “Tao biết mầy xấc láo, ương ngạnh.”

Nhưng khoan đã! Ai mới thật là người kiêu ngạo? Mới ở chương trước, tiên tri Samuên đến nhà của ông Giê-se xức dầu cho vị vua sắp tới. Ê-li-áp người anh cả đã không cắt ngang. Cả Giê-se lẫn Samuên đều cho rằng Ê-li-áp sẽ được Chúa chọn vì anh ta là anh cả và là người con cao to nhất và khoẻ mạnh nhất của Giê-se. Nhưng Chúa nhất mực phán, “Ta đã từ bỏ nó” (1Sa 16:7).

Sau này Chúa khen sự khiêm nhường của Đavít bằng cách tuyên bố Đavít là người có tấm lòng của Ngài (xem Công vụ 13:22). Sự khiêm nhường là một đặc điểm trong đời sống Đavít, và chúng ta thảy đều biết rằng vị lãnh đạo vĩ đại này không phải là yếu đuối, nhu nhược hay hèn nhát đâu. Ông là người đã viết, “CHÚA ở cùng tôi, tôi sẽ không sợ. Người phàm sẽ làm chi tôi?” (Thi 118:16).

Tôi tin kẻ thù đã làm việc cật lực để ngăn cản chúng ta định nghĩa và hiểu biết sự khiêm nhường. Nhiều tín đồ yêu Chúa đã hòa cùng người thế gian vô tín xem khiêm nhường là ăn nói nhỏ nhẹ, là thái độ nhút nhát và không nên đối đầu. Nhưng định nghĩa này rất xa, xa với ý nghĩa thật của từ khiêm nhường . Hãy xem hai ví dụ nữa của Kinh Thánh : Môise và Chúa Giê-su. Chúng ta đọc trong sách Dân số, “Môi-se là một người rất khiêm tốn, khiêm tốn nhất trần gian” (Dân 12:3).

Thật là một câu nói rất hay! Bạn và tôi có thích mình cũng được Chúa nói vậy không ? Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ dám nói về bản thân vì chỉ có những con người ngạo mạn, kiêu ngạo, khoe khoang, khoe cái tôi mới nói cho mọi người rằng người ấy khiêm nhường thế nào, phải vậy không ? Nhưng hãy đoán ai viết sách Dân số – Môise! Con người lạ lùng này của Chúa đã mô tả bản thân ông là người khiêm nhường nhất trần gian.

Sao lại có chuyện này ? Bạn nghĩ có một mục sư đứng trước hội thánh và tuyên bố, “Thưa quý vị, tôi rất khiêm nhường, nên để tôi nói cho quý vị hay về điều này.” Có lẽ mọi người sẽ cười ông mục sư này.

Bây giờ hãy nghe lời Chúa Giê-su phán : “Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ… học theo Ta… vì Ta có lòng dịu hiền và khiêm tốn (Mat 11:28-29).

Thật ra, Chúa Giêsu có ý nói, “Nào, hãy đến cùng Ta. Ta khiêm nhường và Ta muốn dạy các con về sự khiêm nhường.” Giống như lời Môi se nói, sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu tự tuyên bố không “hợp thời” trong thế giới ngày nay. Nhưng vấn đề không phải là những gì mà Môise và Chúa Giê-su nói; vấn đề là chúng ta đã hiểu biết lệch lạc về sự khiêm nhường. Chúng ta đánh mất ý nghĩa thật của từ này vì ngày nay chúng ta nghĩ khiêm nhường là sống như ‘giòi bọ” và nói đến việc bất lực và tình trạng khốn nạn của chúng ta. Trong khi đó, khiêm nhường như Chúa định nghĩa thì phẩm chất rât tích cực, đầy quyền năng. Khiêm nhường thật là vâng lời tuyệt đối và lệ thuộc nơi Chúa. Nó đặt Chúa trước hết, những thứ khác thứ hai và bản thân thứ ba trong mọi lĩnh vực. Khiêm nhường không liên hệ gì đến việc ăn nói nhỏ nhẹ và cảm thấy thấp bé nhưng nó liên hệ rất nhiều đến việc sống can đảm, không nao sờn trong quyền năng của ân điển miễn phí của Chúa.

Hãy nhớ những người chịu đựng cách can trường và kết thúc tốt đẹp sẽ nhận phần thưởng như thế nào? Phaolô cảnh báo đừng để khiêm nhường giả tạo – mà có vẻ là khôn ngoan – lừa dối anh em đánh mất phần thưởng. Ông cảnh báo, “Đừng để bị lừa mà mất phần thưởng bởi những kẻ cố làm bộ khiêm nhường” (Cô 2:18). Mười thám tử và dân Y-sơ-ra-ên nhút nhát là một ví dụ cho thấy khiêm nhường già tạo thật sự khiến chúng ta đánh mất phần thưởng mà Chúa định ban cho.

Đó là chỗ nhiều tín đồ đánh mất định mệnh của họ do khiêm nhường giả tạo. Calép và Giôsuê, hai thám tử mà đã báo cáo trong tin thần khiêm nhường, là hai người duy nhất thuộc thế hệ đó được Chúa cho phép bước vào xứ hứa. Với Giôsuê là lãnh đạo, thế hệ mới của dân Y-sơ-ra-ên bước vào xứ cách can đảm, khiêm nhường trong năng quyền của cánh tay Chúa. Và họ đã chiến thắng.

Chúng ta thảy đều được kêu gọi để trở thành nhà lãnh đạo và người gây ảnh hưởng. Bạn lãnh đạo như thế nào ? Bạn có trang bị bằng sự khiêm nhường phục dưới cánh tay quyền năng của Chúa hay bạn làm ra vẻ khiêm nhường nhưng vẫn còn làm việc bởi sức riêng?

Mọi người trong thế hệ Calép và Giôsuê đều ở vị trí chiến thắng. Êliáp và các em của anh ta đáng lý chiến thắng dân Philitin trước khi người thanh niên Đavít xuất trận.

Tôi rất vui là bạn để thì giờ học biết ý nghĩa của việc trang bị chính mình bằng sự khiêm nhường. Nhưng hãy dừng lại đây. Hãy tra cứu Kinh Thánh và xin Thánh Linh soi sáng cho bạn. Đừng bị che mắt và đánh bại trong cuộc sống vì thiếu hiểu biết. Bạn được định để kết thúc tốt đẹp. Hãy nghe lời hứa của Chúa: Những người nhu mì cũng sẽ được thêm sự vui vẻ trong Đức Giê-hô-va. (Êsai 29:19 – BTT).

Thật là một lời hứa tuyệt vời! Chúng ta thảy đều thích vui mừng. Nhưng tại sao đây là một lời hứa quan trọng ? Vì “Vì sự vui mừng của Chúa là sức mạnh của bạn” (Nê 8:10). Sức mạnh để kết thúc tốt đẹp. Chúng ta không thể chạy can trường cuộc đua và hoàn tất cuộc đua mà không có sự vui mừng. Chúa hứa rằng bạn và tôi sẽ thêm lên vui mừng hay sức mạnh nếu chúng ta cứ mặc lấy sự khiêm nhường.

2. Mục sư Trần Ngọc Khánh nói về sự Khiêm nhường:

Mục sự Trần Ngọc Khánh nói về sự KHIÊM NHƯỜNG như sau:

Khiêm nhường là viên ngọc sáng chói của các đức tính. Khiêm nhường không phải là tự hạ thấp mình xuống, hay tự đánh giá thấp về mình, mà là trung thực với chính mình và trung thực với những người chung quanh. Người khiêm nhường nhận biết những ưu và khuyết điểm mình có, và cũng nhận biết giá trị của người khác, qua đó bày tỏ sự tôn trọng với những người chung quanh. Người khiêm nhường không “bận rộn” về mình với những câu “Tôi không ra gì cả, tôi không có tài cán gì, tôi không là gì cả, tôi không…tôi không”, mới nghe qua chúng ta tưởng chừng như đây là người khiêm nhường, nhưng thật ra đây là người kiêu ngạo ngầm, như tôi đã nói “kiêu ngạo trong cái khiêm nhường”, bởi vì khi người nào đó luôn miệng cho mình không là gì cả, thì người đó muốn được người khác chú ý đến “cái khiêm nhường” của mình.

Có những người tài giỏi, học thức cao, bằng cấp đầy mình, nhưng khi được đề cử làm việc nầy hay việc nọ, thì từ chối, cho mình là “tài hèn đức mọn” để thoái thoát công việc, có phải đây là người khiêm nhường không? xin thưa đây là những người nhu nhược. Khiêm nhường không liên quan gì đến giàu hay nghèo, vì có khi người giàu thì khiêm nhường, còn người nghèo lại kiêu ngạo. Khiêm nhường không liên quan gì đến kiến thức, vì có khi người học thức cao thì khiêm nhường, còn người biết ba mớ kiến thức lại kiêu ngạo. Khiêm nhường cũng không liên quan gì đến địa vị trong xã hội, vì có khi người địa vị cao thì khiêm nhường, còn người ở địa vị thấp lại kiêu ngạo. Càng thành công bao nhiêu hãy khiêm nhường bấy nhiêu, bởi vì chúng ta thấy, những bông lúa càng nặng hạt thì càng “cúi rạp” xuống, còn những bông lúa lép, thì thường “ngẫng cao”. Những nhánh cây nào có trái nhiều thì chắc chắn bị “oằn xuống” thấp, còn những nhánh nào trái ít hay không có trái thì có bị oằn xuống đâu. Lão Tử có nói “Ðể mình ra sau, mình lại đứng trước. Bỏ mình ra ngoài, mình lại vẫn còn”.

Người khiêm nhường là người thật có tài, nhưng lúc nào cũng cảm nhận mình chỉ là một người giữa mọi người, nên có thể hòa mình với mọi người dầu không đồng. Người khiêm nhường không cố vị, vì quyền lợi chung mà sẵn sàng bước xuống để nhường cho người khác bước lên. Sự khiêm nhường tự nó nâng cao giá trị của người đó, sự khiêm nhường còn tượng trưng cho sự đúng đắn, biết sống theo thời và biết nhìn xa. Ðừng cố làm ra vẻ khiêm nhường, khó lắm, mà hãy tự nhiên, hãy để người khác thấy và người khác đánh giá. Người khiêm nhường không tiếc lời khen nhưng thận trọng khi phê phán, tránh dùng những ngôn từ làm tổn thương người khác, vì người khiêm nhường phải có tình yêu thương, vì khiêm nhường và yêu thương phải đi song song như hai đường rầy xe lửa vậy. Người khiêm nhường khi được góp ý hay phê phán cần bình tĩnh, nhẫn nại, lắng nghe và tiếp nhận những điều hợp lý, nếu lời góp ý hay phê phán đó đúng, người khiêm nhường chấp nhận và cố gắng sửa đổi, nhưng nếu những lời góp ý hay phê phán đó có ý chỉ trích thì bỏ qua một bên, đừng bận tâm những lời đó, vì còn biết bao việc phải làm. Người khiêm nhường thường không thỏa mãn kiến thức, cho mình còn kém và luôn học hỏi, học mãi. Người khiêm nhường rất dễ cho mọi người gần gũi và cộng tác.

Khiêm nhường là học theo bản tính của Chúa Cứu Thế, “Ngài vốn có bản tính Ðức Chúa Trời, nhưng không coi sự bình đẳng với Ðức Chúa Trời là điều phải nắm giữ, chính Ngài đã từ bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ, trở nên giống như loài người” (Philíp 2:6-7). Và “Ðức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Giacơ 4:6). Bạn có muốn được Ðức Chúa Trời ban ơn không?

3. Suy ngẫm:

Chữ “ Khiêm Nhường” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “giản dị ” hay “ thận trọng”.  Đây là thái độ ngược lại với sự kiêu ngạo. Đây là thái độ chính xác về con người thật của mình.

Khiêm nhường không có nghĩa “ Tôi là con số không, tôi là con người vô dụng”.  Đó là tự kỷ ám thị, đó không phải là khiêm nhường.

1 Phi-e-rơ  5:5–6  “ Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.  Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên"

Hình như trong thế giới tiến bộ kỹ thuật vượt bậc này, hai chữ khiêm nhường không còn chỗ đứng.  Vào trong tiệm sách, chúng ta không thấy bày bán quyển sách nào nói về sự Khiêm Nhường. 
Lý do chính là Sự Khiêm Nhường chỉ có thể đứng vững trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi không có Chúa, con người sẽ không có sự khiêm nhường.

BỐN LÝ DO KHIÊM NHƯỜNG 

Phi-e-rơ nêu 4 lý do Khiêm Nhường  .

Câu  5b: " Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo
Câu 5b: " ban ơn cho kẻ khiêm nhường " 
Câu 6 : hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời
Câu 7 :  lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em. "

NĂM LÝ DO CHÚA GHÉT KẺ KIÊU NGẠO

1. Kiêu ngạo là tự thỏa mãn mà quên Chúa - Ô-sê 13:6 
“  Chúng nó đã được no nê theo đồng cỏ; và được no nê rồi, thì chúng nó sanh lòng kiêu ngạo; vậy nên chúng nó đã quên ta.

2. Kiêu ngạo là Tự cao và tự phụ mà bội ơn Chúa
Môi-se cảnh cáo trong Phuc Truyền 8:12–14  sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, 13 thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi, 14 thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ chăng. 17 Vậy, khá coi chừng, chớ nói trong lòng rằng: Ấy nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà đoạt được những sản nghiệp nầy.

3. Kiêu mạo nhận thành quả do mình thay vì từ Chúa.
Tấm gương của vua Ba-by-lôn Nê-bu-cát-nết-sa
Đa-ni-ên 4:30-32 : Vua Nê-bu-cát-nết-sa nói : "Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? 31 Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi. 32 Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi, cho đến khi ngươi nhận biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý. 33 Trong chính giờ đó, lời nói ấy đã ứng nghiệm cho vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua bị đuổi khỏi giữa loài người; ăn cỏ như bò; thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời, cho đến tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim chóc.

4. Kiêu ngạo phủ nhận sự Vinh hiển của Đức Chúa Trời
“ Đến kỳ, vua Hê-rốt mặc áo chầu, ngồi trên ngai, truyền phán giữa công chúng. 22 Dân chúng kêu lên rằng: Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu! 23 Liền lúc đó, có thiên sứ của Chúa đánh vua Hê-rốt, bởi cớ chẳng nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời; và vua bị trùng đục mà chết. Công vụ 12:21-23 ; 

5. Kiêu ngạo chống lại sự hiện hữu của Đức Chúa Trời
Thi thiên 10 :4 :  “Kẻ ác bộ mặt kiêu ngạo mà rằng: Ngài sẽ không hề hạch hỏi. Chẳng có Đức Chúa Trời: kìa là tư tưởng của hắn.


Qua bài viết này, hy vọng bạn và tôi hiểu đúng lẽ thật về sự kiêu ngạo và khiêm nhường hầu cho đời sống mình được phước hạnh trong Chúa.






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét