SAU HÌNH HÀI THƠ


Chúng tôi xin giới thiệu entry SAU HÌNH HÀI THƠ của Người Kế Môn ( thầy Hoàng Dục ) cựu giáo viên THPT Hoàng Hoa Thám, Thầy bình thơ HÀNH CA CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU NHAU của thầy Nguyễn Văn Gia cựu giáo viên trường THPT Thái Phiên :



  Đến với thơ, người đọc luôn ở trong tình huống bị lừa một cách thú vị. Những cú lừa văn chương ấy không làm ai bực mình hay cảm thấy bị sỉ nhục, ngược lại, ai cũng cảm giác hạnh phúc, cảm giác sướng khoái vô biên. Tôi đã từng sướng khoái như thế khi cảm thơ. Và dẫu đã có những trải nghiệm, tôi vẫn bị thơ dẫn dụ vào mê cung của nó, đúng hơn tôi vẫn thích bị phỉnh phờ một cách hồn nhiên khi đọc thơ. Không nói đâu xa, chỉ trong khoảng khắc này, tôi đang sung sướng được bị lừa khi đọc “Hành ca cho những kẻ yêu nhau” của Nguyễn Văn Gia.
     Bài thơ “Hành ca cho những kẻ yêu nhau”, tôi tình cờ đọc được trên blog của Huỳnh Ngọc Chênh. Vừa chạm vào nhan đề, trong tôi dậy lên một cảm giác là lạ. Sao ở thời buổi văn học thế giới đi vào chủ nghĩa hậu hiện đại, tác giả lại để cho tên bài thơ vẫn nằm trong văn học trung đại như vậy. “Hành ca cho những kẻ yêu nhau” vừa giới thiệu thể loại vừa biểu hiện đề tài thơ, có khác gì “Cảm hoài”, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm”, Vũ trung tùy bút”, “Hoa Tiên truyện”, “Truyện Kiều”… Hay “hành ca” kia là tiếng hát của những tâm hồn lãng mạn, tiếng hát bi tráng, tiếng hát đang nghịch phách với điệu ca khác trong trào lưu thơ Mới. Đó là “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Can trường hành” của Trần Huyền Trân, “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính. Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Có lẽ cái tôi trữ tình trong thơ “Hành ca cho những người yêu nhau” vẫn khác. Cái tôi ấy không ẩn mình sau những hình tượng “lão”, “khách”…, không bay trên đường bay lãng mạn của thời chiến quốc xa xưa.  Cái tôi ấy đang sống vào cái thời hiện đại, một cái tôi có đủ năng lực nhận thức về mình và về cộng đồng, nhưng phải sống giả hình;  một cái tôi mang hoài bão đẹp nhưng phải sống chật chội trong mấy đấu chữ nghĩa khô khốc. Nếu là cái tôi ấy, sao là “hành ca” mà lại hành ca “cho những người yêu nhau” nữa. Đây là một bài thơ trữ tình tình yêu ? Tình yêu thường là điệu slow, boston, valse… sao ở đây lại march ? Chả lẽ, tác giả giục những người yêu nhau phải quấn quýt yêu, phải “mau với chứ, vội vàng lên với chứ” như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu…
      Tôi cứ vướng trong nhan đề bài thơ một hồi lâu. Và khi đọc bài thơ, cái ý nghĩ đây là bài thơ tình cũng chưa rũ bỏ được. Thậm chí, tôi có cảm giác, bài thơ là tiếng nói của một tình nhân có những trải nghiệm đắng cay trong tình trường. Thì đây, khi yêu nhau, người ta cùng nhau đặt chân lên quãng đường tình, mở lối vào cái đích cuối là hạnh phúc lứa đôi. Còn nhân vật trữ tình trong bài thơ hình như đang đối diện với sự thực vỡ lỡ, vỡ mộng.Vì thế mà trong bài thơ cộm lên nhưng dòng thơ mang kinh nghiệm đau thương “Dắt nhau đi rồi mà chẳng biết về đâu”. Thực ra, khi yêu cảm xúc lãng mạn xúi giục bước chân người ta ướm trên con đường lãng mạn, không thực. Đó là một tâm lí tình yêu. Lúc ấy người ta mê man bước, để rồi khi tỉnh táo nhìn lại, hai con người yêu nhau hụt hẫng như vừa bị đánh cắp niềm tin “Tay vẫn nắm tay mà niềm tin rạn vỡ”. Để rồi họ tự trách mình sao mãi “lấp lững quanh co”, họ trách những triết gia tình yêu làm họ “bối rối” trong “Mớ lý thuyết suông - Như chiếc áo cũ lỗi thời”. Để rồi khi, người tình nhân kia đếm tuổi thời gian mới giật mình thảng thốt nhận ra thời gian không đứng đợi, nỗi đau tình yêu vẫn còn đó bằng cảm nghiệm da diết :
     Đừng để hạnh phúc cuối đường
     Chỉ là
     Ảo ảnh lừa nhau
.
      Nhưng rồi tôi bỗng hoài nghi chính tôi nên đọc lại bài thơ. Đúng là tôi đã bị cái nhan đề làm lạc hướng thụ cảm. Tôi bị lặm chữ, lặm vào cái cái định kiến của chính tôi. Tôi biết đâu rằng thơ ca lắm lúc là một trò chơi ngôn từ. Ngôn từ trong tay nhà thơ là con xúc xắc. Nhà thơ cho người đọc thấy một mặt qua hình thức ngữ ngôn của thơ, còn năm mặt kia khuất lấp, bàng bạc trong cái mặt thấy được đó. Nhận ra điều này tôi mới hiểu Nguyễn Văn Gia đã tạo được một cú lừa rất có duyên. Hóa ra, những người yêu nhau trong nhan đề bài thơ, dọc theo hình hài bài thơ ấy, không thể hiểu bó hẹp trong tình yêu đôi lứa. Chữ “yêu” ở đây hiểu theo nghĩa rộng, đó có thể là tình yêu của con người dành cho một sự vật hiện tượng, lí thuyết, một trào lưu, một chủ nghĩa,… “Yêu” cũng có nghĩa là đi chung với nhau trên một con đường để đến một cái đích nào đó.
      Chính vì vậy, Nguyễn Văn Gia mở bài thơ bằng quy luật của hoạt động đi:
      Lẽ thường
      Ra đi là phải biết đi đâu
      Không thể trù trừ giữa ngã ba ngã bảy
      Không thể bắt mây kia ngừng trôi
      Và sông kia ngừng chảy
      Để vẽ hươu vẽ vượn một chân trời
      Dắt nhau đi rồi mà chẳng biết về đâu
      Săm soi mãi con đường không có thực.

      Nguyễn Tuân từng nói một cách dí dỏm :  “Đi là có nơi nào để đến”. Đúng như thế không ai đi mà cứ bâng khuâng : “Ta đi nhưng biết về đâu chứ?” (Nguyễn Bính). Chỉ những kẻ ảo tưởng về năng lực chính mình, họ mới tin rằng có thể bắt thời gian ngừng lại để vẽ ra hình ảnh cái đích đến theo trí tưởng tượng nhằm tự huyễn hoặc chính họ và mọi người đó là cái đích đến có thực, rất thực. Nhưng thực ra, đó cũng chỉ là “vẽ hươu vẽ vượn một chân trời”. Một người ra đi “là phải biết đi đâu”, hai người ra đi, nhiều người ra đi điều đó càng hệ trọng hơn, nhất là khi đã “dắt nhau đi rồi”. Chân đã ướm trên con đường thời gian, nhưng trí nghĩ cứ “săm soi mãi con đường không có thực” đó là bi kịch, là một đại nạn.  
     Và tệ hại hơn, khi nhiều người đi trên một con đường, chân có vẻ chung lối nhưng tâm hồn không hòa hợp, ngoảnh mặt lại với nhau. Cái đáng sợ nhất là “Tay vẫn nắm tay mà niềm tin rạn vỡ - Con đường xa chưa thấy một bến bờ”. Trong đời thực, biết bao con người miệng thơn thớt yêu thương, yêu người, nhưng những lời có cánh ấy chỉ là ngôn từ bôi trơn cho một lý tưởng đã hao mòn, cho một tình yêu đã cạn.  Người ta yêu nhau, người ta đi với nhau như những kẻ mộng du. Còn khi tỉnh ra, mới rơi vào trạng thái bối rối, trách các lão triết gia lôi họ vào mê cũng triết lí đã lỗi thời, nhưng rêu rao mãi đó là chân lí.
      Có phải mấy lão triết gia chết tiệt kia
      Vẫn còn làm ta bối rối ?
      Mớ lí thuyết suông
      Như chiếc áo cũ lỗi thời.

     Thế nhưng, họ trách để mà trách, hỏi để mà hỏi. Bởi họ đang tự huyễn hoặc mình vì họ quá tự cao, họ đang “lẽo đẽo theo cái thằng lẹo lưỡi”, nên không tự biết chính họ đang “độc hành”, họ đang quay về cái thời tiền sử, cái nơi chỉ còn là hoài niệm xa xăm của nhân loại. Trong khi đó trên hành tinh này, những người “yêu nhau” đang đi trên một con đường khác, con đường đi tới. Người ta đi trên con đường chung, ai ai cũng ngẩng mặt hân hoan, còn họ mãi cúi mặt “lầm lũi” :
     Con đường ai ai cũng đi tới
     Sao ta lại quay lui
     Bởi cái ghế cản đường
     Hay của nả phù vân cản lối ?
     Dòng đời chung mỗi lúc một đông vui
     Đường thiên lý
     Ai cũng ngại độc hành lầm lủi

     Như thế, trong cái nhìn của Nguyễn Văn Gia, những kẻ gọi là yêu nhau ấy đã đi không đúng quy luật. Trong lòng họ, tình cảm dành cho nhau đang “Nghễnh ngãng như kèo đục vênh”. Đó là một thực trạng não lòng.  Yêu nhau như thế” bằng mười phụ nhau”. Bởi xét cho cùng, tình yêu làm con người đẹp hơn, hạnh phúc hơn, chứ không phải đẩy nhau vào sự vô vọng :
     Để mà chờ
     Để mà đợi
     Đừng để hạnh phúc cuối đường
     Chỉ là
     Ảo ảnh lừa nhau
.
     Ai sống trăm năm để đợi để chờ… một ảo ảnh. Giọng thơ chân thành, đầy xót xa và rất nhân văn.
 
 
Người Kế Môn
  (Thầy  Hoàng Dục)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét