MỘT BÀI TẬP LÀM VĂN LẠ
(truyện ngắn)
Trần Văn Chương là một thầy giáo dạy Văn đã trên 30 năm. Học trò rất quí mến anh vì anh luôn giảng dạy một cách nhiệt tình, kiến thức sâu rộng và nhất là rất công bằng, rành mạch trong việc đánh giá, cho điểm bài làm của học sinh. Mới đây, khi cho học sinh làm bài viết về kiểu bài tự sự, Trần Văn Chương đã ra đề bài như sau: “Bằng trí tưởng tượng của mình, anh (hay chị) hãy viết một bài văn tự sự để kể lại việc An Dương Vương kén rể.” Bài văn được thầy giáo Trần Văn Chương cho điểm cao nhất lớp là bài của Nguyễn Thực Học. Bài văn ấy như sau:
“Triệu Đà đã ba lần đem quân tấn công nước Âu Lạc của An Dương Vương. Như ông ta nói, là để “dạy cho Nam bang một bài học”. Cả ba lần đều thất bại thảm hại. Quân tướng bị thương vong rất nhiều. Chiến thuật biển người của Triệu Đà hoàn toàn bị vô hiệu hoá bởi cái Nỏ Thần kì diệu của An Dương Vương. Cứ mỗi lần bắn đi, có hàng ngàn mũi tên bay về phía quân địch. Các mũi tên này lại có khả năng tự tìm đến mục tiêu. Vì thế, dù trốn, nấp sau các gốc cây, hốc đá, quân của Triệu Đà vẫn bị dính tên. Và trận chiến kết thúc một cách nhanh chóng.
Triệu Đà vô cùng căm giận. Ông ta nghiến răng trèo trẹo, quát ầm lên: “Không diệt được nước Âu Lạc thì ta ăn không ngon, ngủ không yên. Hai tiếng Âu Lạc khiến ta bực bội lắm. Chúng nó mà cũng dám mơ “âu” với “lạc”! Ai cho phép lũ man di ấy “âu lạc”? Các khanh, ai có mưu sâu kế hiểm gì thì tâu trình cho ta nghe.
Một lúc lâu sau, chẳng ai có ý kiến gì.
Bỗng Đặng Thâm Mưu vái lạy và nói:
- “Tâu bệ hạ! Không đánh được thì ta làm bạn, làm sui gia vậy”.
- “Hử? Ngươi ăn nói cái kiểu gì vậy?”
Đặng Thâm Mưu đến bên Triệu Đà, nói thì thầm:
- “Bệ hạ cho thái tử Trọng Thuỷ sang ở rể, rồi lấy cho được cái nỏ lợi hại ấy về và ngay lập tức, ta đem quân sang hỏi tội chúng nó.”
- “Hay! Ngươi đúng là Thâm Mưu!”
- “Ta giao cho nhà ngươi lo thu xếp việc này. Phải mang sang Âu Lạc một trăm ngàn lạng vàng, một trăm ngàn lạng bạc, một trăm ngàn xấp lụa. Mỗi xấp là mười mét, vậy là một triệu mét lụa.”
- “Sao lại nhiều quá thế, tâu bệ hạ?”
- “Ta làm cho chúng nó tin là ta thật lòng, thật dạ giao hảo với chúng nó đấy mà. Ta sẽ lấy lại tất cả đấy mà, lấy cả cõi Âu Lạc đấy mà. Có mất tí gì đâu đấy mà!”
- “Bệ hạ thật anh minh!”
Sau hơn một tháng băng rừng lội suối, đoàn người do Đặng Thâm Mưu dẫn đầu đã đến kinh đô Âu Lạc. Thành Cổ Loa sừng sững khiến bọn họ không khỏi rùng mình. Nhưng tham vọng thôn tính Âu Lạc đã làm cho bọn họ bình tĩnh lại. Bọn họ được quan Hộ thành cho nghỉ ở nhà khách để chờ Thánh chỉ.
Đợi An Dương Vương đánh xong ván cờ, anh lính cấm vệ mới dám tâu trình sự việc. An Dương Vương cười ha hả, nói:
“Ta biết thế nào Triệu Đà cũng sẽ sang cầu cạnh ta. Bọn họ biết điều đấy. Ngày mai, đưa bọn họ vào gặp ta.”
Sáng hôm sau, khi đông đủ các quan văn võ đã tề tựu ở sân chầu, hoàng hậu và Mị Châu hớt hải chạy vào, cúi lạy nhà vua. Mị Châu, nước mắt nước mũi dầm dề, nói:
-“Van xin bệ hạ, bệ hạ đừng gả bán con cho kẻ ngoại bang xa lạ đó. Con thà lấy một anh nông dân Âu Lạc chứ quyết không thèm lấy con của kẻ đã ba lần đem quân đến giày xéo giang sơn Âu Lạc của ta.”
An Dương Vương nổi trận lôi đình, quát:
-“Bịt mồm nó lại, tống nó vào lãnh cung. Trong thời hạn một trăm ngày, kể từ hôm nay, ta cấm khẩu nó. Vi phạm mỗi tiếng sẽ bị cộng thêm mười ngày cấm khẩu nữa.”
Hoàng hậu vật vã than khóc:
-“Lạy bệ hạ, bệ hạ hãy tha cho con. Từ nhỏ đến giờ, con gái có dám cãi bệ hạ điều gì đâu!”
An Dương Vương quát :
-“Đưa hoàng hậu về cung. Nhanh lên. Một tiếng “Dạ” và hoàng hậu bị lôi đi.
Bỗng ngươì ta thấy quan gián nghị Lê Cương Trực, một vị quan già yếu, râu tóc trắng phau, vái lạy nhà vua và nói:
-“Tâu bệ hạ, hạ thần xin lấy tính mạng của mình ra để tấu trình với bệ hạ. Bệ hạ đã bị mắc mưu của Triệu Đà rồi! Cho người của Triệu Đà vào trong nhà mình thì còn gì là bí mật quốc gia! Nước mất nhà tan đấy Bệ hạ!”
Nhà vua vô cùng giận dữ, quát:
-“Hỗn láo! Lôi cổ lão già mất nết ấy ra ngoài cổng thành mà chém ngay cho ta.” Một tiếng “Dạ” nữa và vị quan già liền bị lính lôi đi. Từ đó, sân chầu im phăng phắc, chẳng ai còn dám tâu trình gì nữa.
Mãi một lúc lâu sau, người ta mới nghe thấy những lời xu nịnh nối tiếp nhau:
-“Bệ hạ vô cùng anh minh!”
-“Bệ hạ chí nhân, chí đức!
-“Bệ hạ vạn tuế, vạn tuế!”
Họ nói mãi, ca tụng mãi cho đến khi đoàn người do Đặng Thâm Mưu cầm đầu xuất hiện, họ mới chịu ngưng.
Đoàn người vái lạy nhà vua. Nhà vua cho họ đứng dậy tâu trình. Đặng Thâm Mưu nói:
-“Tâu bệ hạ, vua nước tôi muốn kết tình giao hảo với Âu Lạc, muốn kết tóc xe tơ cho Trọng Thuỷ và Mị Châu. Vua nước tôi gửi tặng bệ hạ một trăm ngàn lạng vàng, một trăm ngàn lạng bạc, một triệu mét lụa loại tốt nhất để tỏ rõ tấm chân tình.”
An Dương Vương tỏ ra rất bằng lòng, nói:
-“Sao mà lắm vàng, lắm bạc, lắm lụa thế! Ta chỉ muốn Triệu hoàng đế và ta cùng thực hiện ba mươi hai chữ vàng sau đây: “Hai nhà tựa một nhà, trăm năm đôi trẻ kết tóc xe tơ, tròn mong ước; Lưỡng quốc như nhất quốc, vạn đại lân bang tình thâm hữu hảo, mãn nguyện cầu.” Mọi người vỗ tay tán thưởng đôi câu đối nửa nạc nửa mỡ của nhà vua.
Và nhà vua nói:
-“Quyết định của ta là tối hậu. Đây là quyết định duy nhất đúng.” Từ hôm đó, An Dương Vương đã có rể “quí”. Kết cục bi thảm của cái “quyết định duy nhất đúng” của An Dương Vương thì mọi người Việt Nam đều đã rõ và chuyện kén rể của An Dương Vương xin tạm dừng ở đây.”
Trên đây là bài văn tự sự kể về việc An Dương Vương kén rể, bài văn của học sinh Nguyễn Thực Học, một học sinh của lớp 10A1 trường THPT chuyên Lê Quí Đôn, tỉnh X. Nguyễn Thực Học là một học sinh chuyên Toán nhưng nhờ có sự suy luận lô-gích, lại có cảm xúc chân thật nên những bài làm văn của Nguyễn Thực Học luôn đạt điểm cao nhất lớp. Và lần này, thầy giáo Trần Văn Chương cũng đánh giá cao bài làm văn của Nguyễn Thực Học.
Thầy giáo Trần Văn Chương cho rằng Nguyễn Thực Học có trí tưởng tượng khá tốt, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, có chú ý khắc hoạ tính cách nhân vật, v.v...
Sau khi đọc bài của Nguyễn Thực Học cho cả lớp nghe, cả lớp 10A1 đều đồng tình với sự đánh giá của thầy giáo Trần Văn Chương. Và khi thầy giáo Trần Văn Chương hỏi cảm tưởng của học sinh sau khi nghe đọc bài của bạn Nguyễn Thực Học thì tất cả đều nói: thấy thương Mị Châu quá, cô ấy là một người yêu nước và có niềm tự hào dân tộc sâu sắc; vô cùng cảm phục quan gián nghị Lê Cương Trực, ông tuy tuổi cao lực kiệt nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, sáng suốt và và cương trực đúng như cái tên của ông; giận An Dương Vương chủ quan, độc đoán nên đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng dẫn đến thảm hoạ nước mất nhà tan, cả dân tộc rơi vào tình cảnh nô lệ tủi nhục.
PHAN THÀNH KHƯƠNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét