CHUYỆN “GIÁO KHOA THƯ” CỦA TÔI

Thầy Trần Huiền Ân


Thời tiểu học của chúng tôi, ba kỳ cùng dùng bộ giáo khoa thư do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Về sau, bạn bè gặp nhau, trong lúc nhàn đàm cũng có khi nhắc lại bài cũ, giống như các nhân vật của Sơn Nam. Còn đây là chuyện “giáo khoa thư” có phần riêng tư, chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, giữa tôi và vài ba người.


Tuổi hai mươi: dạy học - viết báo 

          Hai mươi tuổi, tôi bước vào nghề dạy học. Không lâu sau, cộng tác với tuần báo Tuổi Xanh do một số nhà giáo có uy tín (Bùi Văn Bảo, Hà Mai Anh, Bùi Quang Kim, Đoàn Xuyên… ) chủ trương. Ông Bùi Văn Bảo bút danh Bảo Vân, còn ký Bê Bình Phương. Ông Hà Mai Anh đã được biết đến nhiều qua tác phẩm (dịch) Tâm hồn Cao Thượng. Ông Bùi Quang Kim có khi ký Bê Ka. Ông Đoàn Xuyên, người hiền nhất, chỉ dùng tên thật.

          Cũng là buổi đầu cầm bút của tôi. Tuổi đôi mươi tâm hồn trong sáng. Ở tỉnh nhỏ, lại ở nhà quê, mọi người sống với nhau tình cảm thật đậm đà. Thêm không khí học đường có thể nói như cõi thần tiên. Mỗi tuần tôi có trên Tuổi Xanh ít nhất là một bài thơ, một truyện ngắn, rồi còn ngụ ngôn, câu đố v.v… Vui lắm! Bài vở pha chút yêu đương, lãng mạn thì đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong. Chiến tranh chưa tái diễn, đêm không sợ pháo kích, đi tàu lửa, xe đò không sợ mìn… Không nghe chuyện cướp giật, đâm chém. Yên ổn. Thái bình. Khuya khoắt có thể thong thả đạp xe trên quốc lộ, những đoạn  trống vắng không có xóm làng, và gặp một người lạ cũng như gặp một người quen, chào hỏi nhau, chẳng có gì bận tâm lo lắng.

          Các nhà giáo nói trên đã từng biên soạn sách giáo khoa tiểu học. Khai giảng năm học 1961-1962, nhà xuất bản Sống Mới phát hành bộ Việt Ngữ Tân Thư, tác giả là quý ông Bùi Văn Bảo, Bùi Quang Minh, Chu Đức Nhuận, có dùng một số bài của tôi đăng trên Tuổi Xanh, như đoạn văn viết về ngày khai trường làm bài tập đọc đầu năm cho lớp Nhất, một số bài thơ làm bài học thuộc lòng cho lớp Nhất và lớp Nhì, tôi chỉ nhớ có bài Chuyến đi dài. Lúc này càng vui hơn, ở tuổi đời 24, chưa tròn 4 tuổi nghề, có thơ văn được giảng dạy cho học sinh tiểu học trong cả nước (cụ thể là cả Miền Nam), chuyện đó tôi chưa hề mơ ước.

Góp phần biên soạn “Tân Việt Văn”

          Cuối năm 1963, ông Bùi Văn Bảo soạn bộ Tân Việt Văn. Trong Lời nói đầu nêu rõ đặc điểm của bộ sách, khác với những lần trước:

“Về bài tập đọc, chúng tôi nhờ các nhà văn yêu trẻ soạn những bài tập đọc thành một câu chuyện liên tục sát thực tế và gần gũi với trẻ em hơn. Học sinh trong khi tập đọc sẽ tìm thấy ở đó những người bạn quen thuộc, cùng làm việc và cảm nghĩ như mình, chắc chắn sẽ thấy thêm phần hứng thú… Để không thiếu sót, ở các bài chính tả chúng tôi đã lựa chọn những đoạn văn hay trong nhiều văn phẩm để cho các em làm quen với các lối hành văn khi thì bay bướm, văn hoa, khi thì hùng mạnh, sắc bén của các nhà văn nổi tiếng…Về văn vần dùng làm các bài học thuộc lòng chúng tôi đã hợp tác cùng một số thi sĩ để soạn riêng những vần thơ trong sáng, dễ hiểu, giàu nhạc điệu cho thích hợp với các em hơn…”.

Ông Bùi Văn Bảo và hai nhà giáo Bùi Quang Minh, Chu Đức Nhuận soạn các phần chuyên môn (như ngữ vựng, chính tả, văn phạm, tập làm văn, tập viết…), anh Lê Tất Điều soạn phần tập đọc (vợ anh Điều cũng là một tác giả thường xuyên có bài trên Tuổi Xanh, tên chị rất hiền lành là Lê Thị Hiền Lành, bút hiệu Tường Chi) tôi và anh Khánh Linh soạn phần học lòng (tôi soạn lớp Nhất, lớp Nhì, nửa niên khóa các lớp Ba, Tư, Năm, anh Khánh Linh soạn nửa niên khóa các lớp Ba, Tư, Năm). Hình ảnh minh họa, phụ bản do hai họa sĩ Nguyễn Mạnh Tuân và Huỳnh Phú Nhiều đảm nhận. Chúng tôi nhận được bản chương trình Việt văn của từng lớp, ông Bảo Vân đã chia ra hàng tháng, hàng tuần, theo chủ điểm. Trừ các tuần ôn tập, nghỉ tết, nghỉ lễ, mỗi niên khóa còn lại 30 tuần thực học, cần 30 bài tập đọc và 30 bài học thuộc lòng. Anh Điều xây dựng một nhân vật tên Dũng 10 tuổi, gia đình có cha mẹ, một anh, hai em, còn ông bà nội đã già, có các bạn học là Hùng, Phong, Tâm. Các bài học thuộc lòng, có khi tôi viết 2 bài (cùng chủ điểm), gặp chủ điểm thích thú như quê hương, làng xóm, tình yêu kính cha mẹ, thầy giáo… có khi tôi viết 3 bài, tôi thêm bài của hai bạn thân là Vũ Dzũng và Ngọc Mân (cha nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) gởi cả vào để ông Bảo Vân lựa chọn. Khi sách xuất bản, tôi có 22 bài (trong tổng số 30 bài) học thuộc lòng lớp Nhất, Vũ Dzũng 1 bài, Ngọc Mân 1 bài, còn lại của ông Bảo Vân 2 bài, cụ Bạch Lĩnh 1 bài và trích trong tác phẩm cổ văn nói về Tổ Hùng Vương, Gia huấn ca. Học thuộc lòng lớp Nhì hầu hết là của tôi: 28/30 bài.

Tân Việt Văn cũng như Việt Ngữ Tân Thưđã được Hội đồng duyệt sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục cho phép được sử dụng trong các trường tiểu học, thêm vào đó việc quảng cáo và trực tiếp giới thiệu đến tận các trường của nhà xuất bản Sống Mới có hiệu quả cao nên mỗi kỳ nghỉ hè đều phải tái bản để cung cấp cho niên khóa mới. Thế nhưng đối với các tác giả, có lẽ phần nào không coi trọng việc giữ gìn, cho nên sau tháng 4/1975 tôi không còn một bản nào cả.

“Quê Em” nơi xứ người

          Cách đây mấy năm, Lê Thị Huệ ở Mỹ có bỏ công sưu tầm một số thơ cũ, gom thành tập “Thơ Tình Nam 1975” (tức là thơ tình của các tác giả Miền Nam trước tháng 4/1975, mỗi tác giả một bài). Mở đầu bài điểm sách (ngày 27/7/2012) Nguyễn Thị Hải Hà viết:

“ Tôi không nhớ tôi bắt đầu được tiếp xúc với thơ từ lúc nào. Có lẽ từ khi tôi nghe những câu hò điệu hát ru em. Vào tiểu học tôi thích những bài thuộc lòng vì đó là những câu thơ có vần và giàu âm điệu. Bài học thuộc lòng tôi học từ năm lớp Nhất  đến giờ này tôi vẫn còn nhớ nguyên bài, bắt đầu với những câu:    

Khi khôn lớn rộng đường ra hải ngoại
          Nếu có người muốn biết rõ quê em
          Mở bản đồ em sẽ chỉ người xem
          Đây nước Việt bốn ngàn năm yêu quí …”

          Xin mở ngoặc: Hải Hà nay cũng ở Mỹ, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, cao học ngành quản trị kỹ nghệ và xây dựng trường New Jersey Institute of Technology. Ngoài công việc chuyên môn kỹ thuật thì sáng tác, dịch và điểm sách.

Tôi hơi ngờ ngợ. Bài học thuộc lòng. Giống như thơ của tôi. Tôi không còn nhớ. Qua Lê Thị Huệ, tôi liên lạc với Hải Hà. Đúng là thơ của tôi. Bài Quê em, sách Tân Việt Văn. Hải Hà chép lại, theo trí nhớ, gởi cho tôi trọn vẹn bài thơ 20 câu. Tôi biết Hải Hà còn thuộc vì bài thơ đã được ghi sâu vào tâm trí thiếu nữ, và vui vẻ nhắc lại vì phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, đang định cư ở nước ngoài, nhớ nghĩ về quê, về cái tuổi học trò một thuở nào. Lòng tôi thì phải nói là tràn đầy hạnh phúc, khác nào đáy biển mò kim, tự nhiên bỗng có lại chút phần đời đã mất.

Truy tìm “Chuyến Đi Dài”

          Chuyến đi dài là bài thơ tôi cùng viết với Vũ Dzũng (Dzũng ký bút hiệu Yên Hà), tưởng tượng một chuyến đi khắp mọi miền đất nước, từ Nam Bộ khởi hành tại Côn Sơn, ra Trung Bộ rồi Bắc Bộ, cuối cùng dừng lại Thăng Long, mỗi nơi đi qua chỉ cô đọng trong 1 hoặc 2 câu, nguyên đăng trên tuần báo Tuổi Xanh, chiếm 2 cột dài từ đầu đến cuối trang. Sau ông Bùi Văn Bảo trích một nửa làm bài học thuộc lòng trong Việt Ngữ Tân Thư, cũng phải chia ra 2 lần học, 2 tuần lễ. Loại thơ nói về đất nước quê hương này dễ tạo được cảm tình của người đọc. Một số là độc giả của Tuổi Xanh, một số là học sinh lớp Nhất từ năm 1961 đến 1974. Trải qua bao cuộc biến thiên, gian nan, cơ cực, nay tương đối thanh nhàn không bận tâm nhiều về nợ áo cơm … người ta chợt nhớ đến học đường, đến văn chương, nhớ đến ông thầy bà cô, quyển sách, tờ báo. Tôi cũng may mắn được cuộc đời chiếu cố, như bài thơ Quê em trên đây và thỉnh thoảng có người nhắc và hỏi bài Chuyến đi dài.

          Năm ngoái, tôi nhận được điện thoại của Tăng Nhường ở Đà Nẵng. Anh cho biết ngày trước đã học bài Chuyến đi dài, nhiều năm nay muốn biết tác giả, ra sức tìm hiểu mà không rõ tác giả ở đâu, bỗng đọc trên một trang mạng thấy: Trần Huiền Ân tên thật là Trần Sĩ Huệ, hiện sống tại Tuy Hòa. Tăng Nhường hỏi bưu điện Tuy Hòa, có số điện thoại của tôi và gọi cho tôi. Qua giọng nói tôi tin là anh vui mừng thật sự, anh gọi tôi là thầy, dù tôi chưa có một ngày dạy anh. Sách báo có in Chuyến đi dài mất hết, nhưng may tôi còn bản chép tay, sao lại gởi tặng Nhường gọi là đáp tình tri kỉ.

          Trong khi ấy Nguyễn Đăng Khoa ở Nha Trang, thuộc lớp trẻ, cũng dò tìm Chuyến đi dài. Nhường và Khoa gặp nhau trên mạng. Hình như Khoa cũng gốc Quảng Nam, họ dễ thành thân thiết. Khoa cho biết, do một số người trong gia đình, mấy chị lớn, thuộc bài Chuyến đi dài, và trong mỗi chuyến đi, đến nơi nào đó, các chị lại đọc câu thơ thích ứng và giải thích cho các cháu.

          Đăng Khoa cũng tìm được mấy bài nữa trong Tân Việt Văn gởi cho Tăng Nhường đăng trên trang mạng của cựu học sinh trường Đông Giang Đà Nẵng, như bài Mùa ly biệtviết về nghỉ hè, bài Tranh đấu sửnhắc lại những gương sáng người xưa chống Tàu.

Nhìn lại dung nhan “Tân Việt Văn”

Gần đây, trên một trang “Sách Xưa” nhìn lại được dung nhan Tân Việt Vănlớp Nhất và lớp Nhì (tôi mới có dữ liệu để viết phần trên).

          Không phải là loại ấn bản đầu tiên (đầu năm 1964). Cuốn Tân Việt Văn lớp Nhất phát hành ngày 7/4/1967, giá bán 60 đồng. Bìa in 2 màu, bên trái màu xám đậm, 3 chữ Tân Việt Văn thành 3 dòng, bên phải màu vàng, rộng hơn, hình vẽ 2 học sinh đang mở sách. Bên trong, một số trang có nét chữ ghi “Tư thục Tài Hoa”, có lẽ sách được một giáo viên trường này sử dụng. Nhiều số trang ghi ngày giảng dạy, bắt đầu là ngày 14/7/1969. Hồi ấy các trường tư nghỉ hè ít, khai giảng sớm. Từ tiểu học lên trung học, các em thi vào đệ thất (lớp 6) công lập xong là đi học các trường tư. Khi có kết quả nếu đậu thì qua trường công, không đậu thì tiếp tục học trường tư, không bị thiếu chương trình.

          Cuốn Tân Việt Văn lớp Bốn (lúc này không gọi là lớp Nhì nữa) phát hành ngày 20/2/1974, giá bán 400 đồng. Qua 7 năm, giá cả tăng lên trên 6 lần! Bìa chỉ khác chữ tên lớp và màu xanh tươi thay cho màu xám đậm. Nơi góc trang bìa trong ghi Phạm Kim Phụng, chữ đẹp, ký tên, và khuôn dấu in 3 hàng: “Tủ sách Nguyễn Trọng Tuấn. An Dân. Tân Tạo. An Túc. 22031975” (Có lẽ là ngày gia đình này kiểm kê sách?). Bên trên trang Lời Nói Đầuviết: “Cả tuổi thơ và hình bóng cô giáo Lê Thị Thu H… ở trong quyển sách này. Xin nhớ mấy cô giáo thân yêu và bạn bè của một thời. Sg 23.10.2010”. Chữ ký. Tên cô giáo, sau chữ H… bị nhòa mất, không đọc được. Chắc chắn cuốn sách này của học sinh dùng. Niên khóa 1974-1975 vào học lớp Bốn, 9 tuổi, vậy năm 2010 nhớ lại “cô giáo thân yêu và bạn bè một thời” là 45 tuổi. Người này đã thành đạt tới đâu hay phải chịu nhiều lao đao lận đận của mười lăm năm ấy? Nào biết hỏi ai!

          Tôi cũng nhìn lại được trang bìa hai cuốn Việt Ngữ Tân Thư lớp Nhất (sau là lớp Năm) nền màu cam, lớp Hai nền màu xám đậm, có hình bản đồ Việt Nam và hàng chữ “Nhật tân, nhật nhật tân” đóng khung..

Lời cảm ơn chân thành

          Viết những dòng này, tôi muốn nói lời chân thành cảm ơn với vị cựu giáo viên Tư thục Tài Hoa, cựu học sinh Phạm Kim Phụng, gia đình Nguyễn Trọng Tuấn, đã sử dụng sách một cách thiết thực và trân trọng, Kim Phụng đã gởi gắm vào đó “cả tuổi thơ và hình bóng cô giáo thân yêu và bạn bè”, cảm ơn người sưu tầm sách xưa đưa lên mạng, người chủ trang mạng.

Nói vể những người biên soạn Tân Việt Văn thì: ông Bảo Vân (Bùi Văn Bảo) ở Canada vẫn tích cực cổ xúy con em người Việt học tiếng Việt, có dự định xuất bản một quyển Địa lý Việt Nam, gồm những điểm chính yếu, cụ thể về đất nước, quê hương, tôi có giúp ông sưu tầm tư liệu, rất tiếc sách chưa xong thì ông qua đời, các ông Bùi Quang Minh, Chu Đức Nhuận, Nguyễn Mạnh Tuân, Huỳnh Phú Nhiều tôi không có tin tức, anh Lê Tất Điều ở Mỹ, có sách tái bản ở Việt Nam và được độc giả bình chọn sách hay, anh Khánh Linh vẫn ở Tuy Hòa.

          Bốn mươi năm, thời gian không lâu, mà biết bao thay đổi, nhưng cũng có những cái còn lại cho mỗi người.



Trần Huiền Ân

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét