Nguyên tắc giải nghĩa Kinh Thánh- 2

HỆ THỐNG GIẢI KINH CỦA TIN LÀNH
I. NỀN TẢNG.
Điềm đầu tiên và quan trọng làm nền tảng cho việc giải kinh của Tin lành là sự linh cảm của Kinh Thánh.
Kinh Thánh được viết bởi ngôn ngữ loài người trong bối cảnh lịch sử xưa nên cần tìm biết như một tài liệu văn học nhưng có sự khác biệt là Kinh Thánh có sự linh cảm. Với chiều kích đặc biệt của Kinh Thánh nên cần:
- Về phương diện đạo đức: Kinh Thánh là sách linh cảm nên có tính cách thiêng liêng đòi hỏi sự thiêng liêng của việc phân tích Kinh Thánh và của người đến với Kinh Thánh.
- Kinh Thánh được linh cảm nên có tính cách siêu nhiên. Người ta có thể nghi ngờ về các cổ văn Hi-lạp hay các cổ bản khác và cho là thần thoại nhưng trong Kinh Thánh mọi điều là thật. Nên người giải kinh phải xem những điều siêu nhiên là bình thường chứ không xem là thần thoại như văn chương bên ngoài.
- Phương diện mặc khải: Kinh Thánh là mặc khải của Đức Chúa Trời cho loài người nên không thể xem Kinh Thánh là tác phẩm của những thiên tài nên không thể xin Kinh Thánh là tác phẩm của những thiên tài viết ra mà phải xem là sự bày tỏ của Đức Chúa Trời nên phải thêm vào những từ ngữ của Kinh Thánh những ý nghĩa sâu sắc. Ví dụ: đức tin nghĩa thường tình là niềm tin đặt nơi điều gì đó. Với Kinh Thánh, phải thêm vào chiều kích sâu sắc hơn là sự phó thác tin quyết trọn vẹn không vương chút nghi ngờ đối với Đấng Chí Cao. Hay chữ yêu thương trong Kinh Thánh thường dùng là Agape nói lên tình yêu cao cả không đòi hỏi... Nên việc giải kinh của Tân Chính Thống, Tân phái hay phê bình thượng đẳng vì:
. Duy lý dựa trên nền triết học của con người và nền triết học này luôn luôn biến thể.
. Những điểm dùng để chống Kinh Thánh là do quan niệm lệch lạc về tôn giáo như cho tôn giáo từ phiếm thần đến đa thần đến độc thần. Hay do thiếu dữ kiện mà phê phán Kinh Thánh rồi về sau khoa học tiến bộ hơn thì lời chỉ trích trở nên sai lầm. Sự phê bình của người duy lý lệch lạc vì họ dựng nên những cái mà họ đòi Kinh Thánh phải như vậy nếu không thì cho Kinh Thánh sai. Ví dụ họ nói nếu các sách Tin Lành được linh cảm hết thì sao không dùng một từ ngữ giống nhau? Hay tại sao không dùng một loại văn chương ngôn ngữ đặc biệt mà lại dùng cái sẵn có của con người bấy giờ như những ý tưởng về luật pháp, Mười Điều Răn, người ta tìm thấy con người cũng có những luật lệ như thế. Hoặc những ý tưởng, từ ngữ về Đức Chúa Trời vẫn tìm thấy trong các văn hóa chung quanh.
Vì vậy khi nhân sự linh cảm toàn diện của Kinh Thánh thì:
+ Đến với Kinh Thánh cách thiêng liêng: khảo sát Kinh Thánh bằng đức tin, cầu nguyện và lòng sùng kính. Nếu thiếu những yếu tố này thì sẽ không có sự soi sáng của Chúa và không hiểu được Kinh Thánh.
+ Dựa vào việc phê bình Kinh Thánh. Phê bình nghĩa là nhận định để hiểu cách sáng suốt. Nhưng tất cả đều xác định mọi điều của Kinh Thánh đều đúng với chân lý của Đức Chúa Trời. Nếu có điều khó hiểu là vì chúng ta chưa hiểu biết, chưa đủ dữ kiện để hiểu chứ không phải Kinh Thánh mâu thuẫn.
+ Cần cẩn thận, kỹ lưỡng khi khám phá, phân tích loại văn cho thật đúng. Sử dụng những nguyên tắc giải kinh đúng đắn để khỏi xúc phạm lời Đức Chúa Trời. Tránh dựng lại lịch sử bản văn như phái tự do.
II. MỤC ĐÍCH.
Kinh Thánh được viết ra với mục đích gây dựng. Tức là với mục đích đưa đến kết quả thuộc linh trên đời sống người đọc. Nên mọi lẽ thật về lịch sử, giáo lý... là nhằm làm cho đời sống thuộc linh của người được gây dựng, sung mãn. Vì vậy Kinh Thánh là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh của Kinh Thánh là sự sống cứu rỗi sung mãn trong Chúa. IITi 3:16-17. Mục đích của người giải kinh là đem lại kết quả thuộc linh cho người khác nên ai không đem lại kết quả thuộc linh là đã thất bại trong việc giải kinh. Có người nói 'Kinh Thánh không phải chỉ là sách thần học mà là sách tôn giáo. Tôn giáo khác thần học nên khi nghiên cứu Kinh Thánh phải đi xa hơn, tức là khai triển đúng về Đức Chúa Trời, về con người và về bổn phận. Nó phải nuôi dưỡng một tương quan tốt với Đức Chúa Trời'.
III. PHƯƠNG PAH1P GIẢI KINH LỊCH SỬ CỦA TIN LÀNH.
Có 3 điểm:
1. Theo nghĩa đen:
Là lối giải nghĩa của Tin Lành lâu nay khác với Công giáo là giải nghĩa theo biểu tượng. Nghĩa đen là theo khoa học ngôn ngữ hiểu theo nghĩa thông thường của nó (nghĩa đối thoại thông thường). Không phải là theo nghĩa đen cách hẹp hòi mà không có sự suy tưởng tưởng tượng của trí óc. Nhưng là khảo cứu bản văn cách bình thường trong đó con người viết, nói, nghĩ thế nào thì theo sát nghĩa như vậy.
Lý do giải nghĩa theo nghĩa đen:
- Giải nghĩa theo nghĩa đen là lối giải thích bình thường của mọi ngôn ngữ. Phần lớn văn chương được viết ra, suy tưởng đều theo nghĩa đen. Đối với cuốn sách nào đó trước tiên chúng ta hiểu theo nghĩa đen.
- Tất cả ý nghĩa thứ hai của từ ngữ, ví dụ, biểu tượng đều dựa trên nghĩa đen hết. Ví dụ khi nói sư tử là tượng trưng cho sức mạnh thì trước tiên phải biết sư tử theo nghĩa đen là con thú mạnh nhất. Muốn hiểu nghĩa tượng trưng phải hiểu nghĩa đen trước.
- Phần lớn Kinh Thánh đều có đủ nghĩa khi giải nghĩa theo nghĩa đen.
- Khi giải nghĩa theo nghĩa đen không có nghĩa là loại bỏ cách mù quáng những biểu tượng, hình thức tượng trưng. Nếu có chỗ nào trong Kinh Thánh cần hiểu theo nghĩa tượng trưng thì cũng phải tìm hiểu nghĩa đen trức rồi mới hiểu qua nghĩa tượng trưng, và nếu cần sẵn sàng để nghĩa tượng trưng là chính yếu. Ví dụ: Giăng 15 Chúa là cây nho. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì vô lý, Chúa nói tượng trưng. Nhưng khi hiểu phải hiểu về cây nho rồi mới hiểu nghĩa tượng trưng.
- Phương pháp giải nghĩa theo nghĩa đen là phương pháp kiểm soát an toàn nhất và lành mạnh nhất đối với óc giàu tưởng tượng của con người. Óc tưởng tượng của con người mạnh, phong phú càng có nhiều ý có thể xung đột thì lấy gì làm nền tảng kiểm soát?
- Phương pháp này hợp với tính linh cảm của Kinh Thánh. Thánh Linh sử dụng ngôn ngữ, lời, ý tưởng của con người để nói lên lẽ thật và lẽ thật được nói ra với nghĩa bình thường cho con người có thể hiểu được.
2. Phương diện văn hóa:
Văn hóa hiểu theo nghĩa nhân chủng học, chỉ toàn thể những định chế, dụng cụ, cách thế, phương pháp mà dân tộc sống với những cái đó. Chúa mặc khải qua một dân tộc trong bối cảnh văn hóa, do đó phải biết bối cảnh văn hóa của sách để hiểu cách trình bày, ý nghĩa của tác giả. Giải theo văn hóa cũng theo nghĩa đen. Nghĩa đen được xác định bởi văn hóa của dân tộc lúc đó. Những điều cần lưu ý đến văn hóa:
- Địa lý: núi, người, khí hậu...ví dụ tai ương xảy ra cho Ai-cập phải hiểu vai trò của sông Nil. Hay cần biết hành trình của Do-thái từ Ai-cập đến Palestine. Hay địa lý những điển tích trong các sách văn thơ hay lịch sử hay tiên tri.
- Lịch sử: Khảo cổ học giúp chúng ta hiểu về Sáng-thế ký, gia đình của Áp-ra-ham...
- Chính trị của thời bấy giờ: Ví dũ chính trị Ai-cập, dân Ca-na-an, Ba-by-lôn giúp chúng ta hiểu về Xuất Ê-díp-tô ký. Hiểu về Hê-rốt, cách cai trị của La-mã giúp chúng ta hiểu về các sách Tin Lành. Hay các thói tục của người Do-thái như Mac 7:36-50, Gi 2:1 (ché đựng nước), Mat 25 đèn của người nữ đồng trinh, cách thực hành tôn giáo, kinh tế, tiền bạc, trả nợ, nô lệ...
Giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa đen phải dựa trên văn hóa, đôi khi phải dựa trên từng chữ, câu để hiểu cách chính xác. Nguyên tắc dựa trên văn hóa không loại trừ sự tiên tri, yếu tố siêu nhiên của Kinh Thánh. Những lời tiên tri về tương lai vẫn dùng ngôn ngữ hiện tại bấy giờ để nói đến biến cố tương lai. Nên khía cạng tiên tri siêu nhiên trong Kinh Thánh vẫn không thoát khỏi khung cảnh văn hóa bấy giờ.
3. Có tính cách phê phán:
Mọi giải nghĩa đều phải có lý do hợp lý. Có cơ sở rõ ràng, có lý do biện minh. Lý do có thể là địa lý. lịch sử văn hóa ngôn ngữ hay quan điểm thần học. Ví dụ Phao-lô nói trong ICô đàn bà phải trùm đầu (người đàn bà không trùm đầu là hạng đàn bà không đứng đắn, để tỏ ra chính chuyên thì người đàn bà trùm đầu). Tinh thần phê phán của Tin Lành đứng đối kháng với tinh thần độc đoán giáo điều, hay tưởng tượng. Đây là điểm khác biệt lớn giữa Tin Lành với Công giáo. Hay độc đoán theo cách riêng của mình ('theo điều tôi tin', 'Thánh Linh cho biết'...). Sự phê phán giúp ta tránh được việc tưởng tượng quá.
Giải nghĩa theo 3 điểm trên có những ưu điểm và một số giới hạn sau:
- Lợi điểm:
. Cơ sở giải nghĩa là sự kiện khách quan là văn phạm ngôn ngữ, luận lý, lịch sử, địa lý, khảo cổ, thần học nên có tính cách khoa học và chính xác tránh được những sai lạc.
. Có thể kiểm chứng lại được và có thể chỉnh đốn những lệch lạc.
. Là lối giải nghĩa thành công nhất trong việc khai mở lời Chúa theo nghĩa chính xác, đúng đắn. Từ thời Cải chánh đến nay có nhiều bộ giải nghĩa giá trị theo cách này.
- Giới hạn:
. Nó có thể trở thành khô cằn nghĩa là chúng ta khách quan đưa ra nhiều dữ kiện rồi lắm khi khó phân giải. Nên có thể có nhiều cách giải có lý, rồi không dám xác quyết nên thiếu tác động đối với người nghe.
. Dễ bị dừng lại chỗ khảo sát thiếu đi mặt bồi linh. Lối giải nghĩa này thường dựa trên quá khứ nên không dám xác quyết về tương lai.
. Thường rất yếu trong việc giải nghĩa lời tiên tri. Lối giải nghĩa này thường dựa trên quá khứ nên không dám xác quyết tương lai.
BÌNH GIẢI KINH THÁNH
Bình giải là tìm hiểu khúc Kinh Thánh có nghĩa gì.
Một số điểm cần tìm hiểu:
1. Tìm hiểu từ ngữ:
Từng chữ như những viên gạch mang ý tưởng để xây câu, khúc Kinh Thánh. Muốn tìm hiểu câu, khúc Kinh Thánh trước tiên cần tìm hiểu chữ. Một số phương diện cần khảo sát về từ ngữ.
- Ngữ nguyên học (etymology): Phân tích từ ngữ gốc là gì để hiểu nghĩa của nó. Ví dụ địa ngục tiếng Hy-lạp là Hades, Ha: không; des: thấy, dùng để chỉ chỗ mà những hữu thể không thấy được. Hay chữ giám mục tiếng Hy-lạp là người coi sóc từ trên. Tìm hiểu ngữ nguyên có thể dùng cuốn Lexicon.
- Theo lối so sánh: dùng Thánh Kinh Phù Dẫn, Kinh Tiết Sách Dẫn. Dùng lối so sánh để biết Kinh Thánh dùng chữ đó với nghĩa nào. Ví dụ chữ linh (pneuma) có khi dịch là Thánh Linh, có khi là tinh thần, lòng hay tà linh, Mat 12:43, Sa 1:2, Mat 5:3. Hay chữ hồn (psyche) có khi chỉ người (Cong 2:41), có khi chỉ phần vô hình của con người (Mat 10:28). Khi so sánh có thể thấy nghĩa tương tự chữ dùng khác nhau. Ví dụ Mat 20:21 (Nước Ngài), Mac 10:37 (vinh hiển Ngài, Mat18:9 (vào nơi hằng sống), Mat 9:47 (vào Nước Đức Chúa Trời),
Mat 5:3 (nước thiên đàng), Lu 6:26 (Nước Đức Chúa Trời).
- Lai lịch của từ ngữ: vú dụ Mat 5:41 từ ngữ này do tục của người Ba-tư kh bảo dân khuân hành lý đi một dặm. He 5:7 nài xin có lai lịch nói lên một người đến với người trên để xin ân tứ thì thường cầm theo nhành ôliu để tỏ cho người trên biết mình thật sự muốn được ơn đó.
- Dựa trên ngôn ngữ chung quanh để hiểu ngôn ngữ chính của Kinh Thánh. Kinh Thánh có liên hệ đến tiếng A-ram, Ả-rập, Ba-by-lôn.
2. Tìm hiểu văn phạm, bút pháp.
Những từ ngữ được liên kết thành câu bởi các qui luật. Từ sự sắp xếp mà ý tưởng có thể khác nhau. Chú ý tới động từ, chủ từ, danh từ, thể của động từ... Ví dụ:
Gi 1:1. Ban đầu có Ngôi Lời. Động từ có trong tiếng Hy-lạp ở thì bán quá khứ (Imperfect) có nghĩa là đã và vẫn còn đó. Gi 1:1. Ban đầu Ngôi Lời đã hiện hữu và vẫn hiện hữu.
He 1:1,2. 'đã phán dạy' (trong câu 1 ở thể quá khứ phân từ) có nghĩa là đã phán dạy một phần. Động từ phán dạy trong câu 2 chỉ sự hoàn tất. Đức Chúa Trời đã phán dạy trong Cựu ước nhưng chưa hết cho đến Tân ước Ngài mới phán dạy hết.
He 6:1. Chữ tin Đức Chúa Trời tiếng Hy-lạp có nghĩa là tin nơi Đức Chúa Trời. Người Do-thái tin Đưc Chúa Trờ nhưng đức tin đặt nơi luật pháp, đến thời Tân ước thì được dạy đặt nơi Đức Chúa Trời.
3. Tìm hiểu văn mạch (context).
Có nghĩa là tìm hiểu liên hệ trước sau của từ ngữ để có thể hiểu ý nghĩa. Ví dụ Ro 7:14-23 chữ luật là nomos, nếu tìm hiểu từ ngữ văn phạm thì chưa đủ phân biệt luật pháp (c.14) và chữ luật (c.21,23). Luật pháp: Luật Môi-se, đạo đức. Luật (c.21,23): qui luật, công lệ.
Phải dựa trên văn mạch để hiểu. Cần lưu ý:
- Bối cảnh văn hóa của sách, của tác giả ví dụ luật thời các quan xét khác với thời khải huyền.
- Văn mạch còn có nghĩa là đặt nó trong khung của Kinh Thánh chứ không phải khung cảnh văn hóa xã hội bên ngoài. Tức dựa trên những gì Kinh Thánh nói rõ.
- Đặt đoạn văn khảo sát theo từng sách Tân hay Cựu ước, vì mỗi sách viết ra với chủ đích riêng nào đó. Ví dụ Gia-cơ nói về Cơ-đốc giáo thực hành, khi đọc phải hiểu Gia-cơ nhấn mạnh về việc là thể nào. Hay những gì trong Rô-ma phải hiểu trong khung xưng nghĩa bởi đức tin.
- Lưu ý phần văn đi trước và sau để biết dùng tư tưởng liên hệ tìm hiểu ý nghĩa. Ví dụ Các ví dụ trong Lu-ca 15 phải hiểu trong khung câu 1,2. Muốn hiểu Mat 16:28 phải đọc đoạn 17 (IIPhi 1:16-18). Hay muốn hiểu IIPhi 2:22 phải đọc câu mấu chốt IIPhi 2:1.
4. Tìm hiểu văn thể.
Văn xuôi, vần, kể chuyện, lịch sử, giáo lý, thư. Tìm hiểu từng loại văn để hiểu ý nghĩa. Ví dụ Thơ dùng nhiều điển tích, hình ảnh biểu tượng. Văn hóa giáo lý lập luận nhiều không dùng điển tích hay hình ảnh. Hay luật pháp trong Thi thiên là giềng mối, điều răn đều là một, nhưng Rô-ma thì rõ ràng.
5. Tham chiếu (Đối chiếu).
Khi khảo sát phải tham chiếu với những từ ngữ, câu, sách, đoạn tương tự để giải nghĩa đoạn văn đang khảo sát. Có 3 loại tham chiếu:
- Tham chiếu từ ngữ (lời): xem những câu có dùng tư ngữ (ngôn từ) hay lời tương tự để xem nghĩa thế nào. Ví dụ Mat 16:17 chữ 'thịt' là sark trong đoạn 24:22 chữ 'người nào' cũng là sark. Trong Ro 8:4 'xác thịt' là sark. Những câu này có ý xấu chỉ con người tội lỗi. Nhưng trong Gi 1:14 chữ xác thịt là sark không mang ý xấu như Ro 8:4 mà chỉ có nghĩa là mang thân xác con người. Hay Cong 2:17 loài xác thịt chỉ về con người chung không có ý xấu. Vì vậy đối chiếu để hiểu thì chữ xác thịt có thể có nghĩa xấu hay tốt chỉ con người. Chữ có thể giống nhau nhưng ý nghĩa khác nhau. Hai tác giả có thể dùng một chữ nhưng khác nghĩa. Ví dụ Phao-lô dùng chữ xác thịt thường với ý xấu nhưng Giăng lại có nghĩa bình thường.
- Tham chiếu về quan niệm (ý tưởng): Có những đoạn văn chữ và câu không giống nhau nhưng ý tưởng giống nhau. Ví dụ He 2:5-18 với Phil 2:5-11 cả hai đầu nói lên sự nhập thể của Chúa Giê-xu nhưng diễnt ả hai lối khác nhau. Hay Ro 3:21-31 với He 10:1-18 đều nói đến sự cứu chuộc, ICô 15 và Khải 20 đều nói về sự sống lại. Khi tham chiếu đoạn văn khác nhau sẽ thấy thêm chiều sâu của vấn đề, bổ túc lẫn nhau để hiểu cách chính xác. Và để khỏi đi quá xa trong một đoạn văn trở nên lệch lạc.
- Tham chiếu có tính cách song hành: Tham chiếu những đoạn văn nói về cùng một vấn đề, sự việc. Gần như lập lại nhưng không theo nguyên văn như các phép lạ trong bốn sách Tin Lành. Tham chiếu để có chi tiết đầy đủ chính xác. Ví dụ chuyện Phao-lô gặp Chúa trên đường Đa-mách phải tham chiếu Cong 9:22-26. Đọc thơ tín Phao-lô tham chiếu với Công vụ. Hay Xuất Ê-díp-tô ký và Lê-vi ký với Phục-truyền-luật-lệ ký. Hay Ga 1:13-22 với IPhi 3:4-11.
6. Biểu tượng.
Dù giải nghĩa theo lập trường nghĩa đen vẫn không phủ nhận hình ảnh biểu tượng trong Kinh Thánh. Biểu tượng có thể là ví sánh, nói bóng hay nhân cách hóa. Ví dụ: Ví sánh Chúa Giê-xu là chiên con, cửa, cây nho, sư tử... thì không thể hiểu theo nghĩa đen. Nói bóng, hình bóng như Ga 4:21-31. Nhân cách hóa đồng thời có ý nói bóng rõ như Cac 9:1-15, IIVua 14:9. Khi giải nghĩa các biểu tượng phải khảo sát kỹ lưỡng văn phạm, văn thể, văn mạch, lịch sử, văn hóa, khảo cổ, phong tục để khỏi lệch lạc chứ không phải để thoả sự tưởng tượng của con người.
GIẢI NGHĨA KINH THÁNH THEO GIÁO LÝ
Công việc của người giải kinh là xác định việc sử dụng Kinh Thánh cho chính xác trong thần học và trong đời sống cá nhân nên có liên hệ đến giáo lý. Giải kinh theo giáo lý là việc làm của các nhà thần học. Nghĩa là đi xa hơn việc giải nghĩa theo lịch sử và văn phạm, thần học hệ thống hóa thành giáo lý để đầy đủ nghĩa hơn. Có hai đặc điểm:
- Đưa nghĩa văn phạm đến nghĩa thần học đầy đủ hơn.
- Nhìn tổng hợp toàn thể dữ kiện của Kinh Thánh về một vấn đề nào đó.
Chúa Giê-xu đã làm việc này, Mat 7:28; 22:13; Gi 7:16; Ro 6:17 cảnh giác tà giáo Eph 4:14 chứng tỏ thời bấy giờ đã có hệ thống giáo lý.
Giáo lý dành cho người đã tin. Nếu không có giáo lý thì không thể hiểu được đạo Chúa cách rõ ràng thống nhất mà có thể đi lệch lạc. Giải nghĩa giáo lý là việc tiếp nối theo giải kinh tổng quát. Nên phải theo các nguyên tắc giải kinh tổng quát và thêm các nguyên tắc.
1. Giải kinh giáo lý nhằm làm sáng tỏ giáo lý, lẽ đạo cứu rỗi trong Kinh Thánh bởi những người đã được cứu. Người giải kinh giáo lý cần biết không những lý thuyết mà cả kinh nghiệm. Người chưa được cứu không đủ tư cách giải kinh giáo lý. Chỉ có người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi mới làm sáng tỏ lẽ đạo cứu rỗi của Kinh Thánh. Giải kinh giáo lý là việc làm liên hệ đến chân lý thực nghiệm chớ không phải chỉ liên hệ đến lý luận nên đòi hỏi người giải kinh giáo lý khía cạnh đạo đức thuộc linh.
Những đề tài chính của Kinh Thánh là sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu, con người, tội lỗi... Nên quan tâm chính của người giải kinh theo giáo lý là cứu thục học và Cơ-đốc học. Suốt Kinh Thánh những cái khác là phụ cho những điều đó. Cần biết rõ Kinh Thánh xoay quanh vấn đề chính để khỏi lệch lạc quan tâm quá đáng đến lời tiên tri rồi biến giáo lý theo thời trang xã hội.
2. Điểm tựa chính của giải kinh giáo lý là:
- Nghĩa đen của Kinh Thánh vì nghĩa đen là nguyên tắc.
- Trên Tân ước là chính. Vì Kinh Thánh là mặc khải tiệm tiến đến Tân ước là hoàn tất mặc khải cứu chuộc của Đức chúa Trời. Những gì còn mơ hồ trong Cựu ước, Tân ước làm sáng tỏ. Dựa trên Tân ước cũng phải đối chiếu với Cựu ước để thấy sự quân bình và diễn tiến.
3. Khảo sát văn phạm phải đi trước mọi hệ thống thần học. Nghĩa là giáo lý thần học là hệ thống hóa các chân lý trong Kinh Thánh nên phải khảo sát Kinh Thánh trước rồi mới đi đến chỗ hệ thống hóa. Vì vậy việc khảo sát văn phạm là hệ trọng trước tiên. Khảo sát văn phạm phải đi trước giữ khỏi lệch lạc như hệ thống thần học dựa trên triết học, xã hội học, tâm lý học. Ví dụ thần học giải phóng.
4. Khảo sát được đi ra ngoài bằng chứng của Kinh Thánh. Những rắc rối thường xảy ra trong thần học là do đi ra ngoài các dữ kiện của Kinh Thánh rồi tìm cách giải nghĩa các vấn đề Kinh Thánh yên lặng, đến sự tranh luận mà không bao giờ giải quyết được vấn đề. Khi dựa trên Kinh Thánh là cơ sở sẽ tránh được các vấn đề tranh luận không cần thiết. Ví dụ: Hai bản chất của Chúa Giê-xu vừa là người vừa là Trời thật sự - Liên hệ giữa hai bản tánh đó Ngài mang lấy tội con người thế nào. Mức độ chịu khổ cho con người của Ngài... Kinh Thánh đưa ra nhiều chân lý chính yếu và có những cái thứ yếu chỉ nhằm giúp hiểu rõ điểm chính yếu để hiểu rõ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nếu chú ý cái thứ yếu và các liên hệ đến nó mà Đức Chúa Trời không nói rõ sẽ đưa đến tranh luận. Như người Pha-ri-si. Giải kinh giáo lý để ý đến những vấn đề chính của Kinh Thánh, những gì Kinh Thánh yên lặng chúng ta cũng nên yên lặng.
5. Giải kinh giáo lý phải hướng tới một hệ thống: có những ý tưởng sắp xếp ngăn nắp cạnh nhau theo thứ tự thì chưa phải là hệ thống mà chỉ như niên giám. Trong một hệ thống phải có liên hệ giữa sự kiện và lý luận cho mạch lạc. Nên bổn phận người giải kinh theo giáo lý là theo lẽ thật của Cơ-đốc giáo dựa trên các dữ kiện lấy được ra trong Kinh Thánh để hệ thống hóa thành từng giáo lý gắn bó với nhau như giáo lý về con người, tội lỗi, thiên sứ... Những dữ kiện đưa ra và hệ thống hóa phải phân tích kỹ lưỡng mới kết hiệp lại với nhau thành hệ thống chung và từng giáo lý bổ túc cho nhau. Ví dụ giáo lý tội lỗi: Lưu truyền tội lỗi, Hệ tquả tội lỗi phải liên hệ đến giáo lý cứu rỗi của Chúa Giê-xu... Phương pháp dùng là phương pháp qui nạp, tức là khảo sát các dữ kiện trong Kinh Thánh rồi kết hợp lại thành hệ thống.
6. Thận trọng trong lúc dẫn chứng Kinh Thánh trong hệ thống giáo lý. Dùng Kinh Thánh để dẫn chứng là cần thiết, luôn phải trích dẫn, nhưng dễ bị lạm dụng để giải sai. Cần phải phân tích chính xác nghĩa câu đó trước khi kê ra. Ví dụ So 3:9 có người cùng để nói về ngôn ngữ Chúa sẽ cho trong thời thiên hi niên là tiếng Hê-bơ-rơ (!).
7. Những gì không phải là vấn đề mặc khải của Kinh Thánh thì không thể làm thành vấn đề của đức tin (khác biệt giữa Tin Lành và Công giáo, Mormon...) Ví dụ: Ngay trong bản tín điều của Westminster cho Antichrst là Giáo goàng trong khi đó Kinh Thánh không xác định. Hay những tội Kinh Thánh không kể rõ như 'những cái không thanh sạch' cho là ăn trầu, xi-nê, nghe nhạc...
8. Lưu ý đến bản chất thực tiễn của Kinh Thánh. Vì dân Do-thái không có óc triết học. Đối với họ lý thuyết suông trừu tượng là xa lạ. Đối với người Do-thái thì mọi vấn đề được hiểu trên bình diện thực tiễn của nó. Ví dụ sách Gióp là quyển sách có tinh thần học nhưng không có luận về ma quỉ, hay sự ác hiện hữu thế nào trong thế giới tốt lành của Đức Chúa Trời, nhưng luận về Đức Chúa Trời cho Gióp là người kính sợ Ngài chịu đau khổ. Nói đến thực tế sống của Gióp chứ không bàn đến ma quỉ, sự ác... Hay Ha-ba-cúc muốn biết tại sao luật phải bị bỏ quên không có sự phán xét công bình đó là vấn đề thực tế chứ không đặt tại sao có sự ác, tại sao có sự bất công mà là tại sao việc đó xảy ra. Hay Ma 3:14 là vấn đề thực tế.
Khi khảo sát Kinh Thánh để đưa đến hệ thống giáo lý phải phân biệt rõ giáo lý đó rút ra từ triết học hay từ thực tế của Kinh Thánh. Nếu rút ra từ Kinh Thánh một hệ thống, một quan điểm siêu hình, triết học thì cũng cẩn thận, dễ biến Kinh Thánh thành cuốn triết học và siêu hình. Kinh Thánh viết ra với mục đích rõ ràng và trực tiếp có tính cách thực tiễn dạy sự cứu rỗi, cách sống thực tế, hy vọng đời sau...
9. Người giải kinh giáo lý phải chịu trách nhiệm của mình đối với Kinh Thánh. Khi lập một hệ thống giáo lý nào đó thì phải biết nó sẽ ảnh hưởng trên Hội Thánh, trên tín đồ khác. Có thể làm cho họ vững vàng hoặc sụp đổ đức tin, tạo nên sự hiệp một hoặc chia rẽ. Đem lại lợi ích hay tàn hại Hội thánh. Nên không theo những người phê bình thượng đẳng (Higher Criticism) cho rằng mình nói ra sự thật (theo họ), đã quên sự ảnh hưởng của đều mình nói và sự lầm lạc của mình có thể có về sau khi được phát hiện. Vì vậy người giải kinh giáo lý phải hết sức cẩn thận nên theo sự hiệp nhất của Hội thánh, đem lại sự hiệp nhất thuộc linh để Hội thánh không bị bôi nhọ.
NGUYÊN TẮC GIẢI NGHĨA KINH THÁNH BỒI LINH
Lời Chúa làm cho chúng ta khôn ngoan được cứu, tăng trưởng về mọi mặt từ thể xác đến tâm linh. Kinh Thánh là thức ăn bồi linh cho mỗi đời sống.
+ Nguyên tắc 1: Tất cả bài học thực tiễn, mọi áp dụng, mọi tài liệu bồi linh phải theo những nguyên tắc giải kinh tổng quát. Tức là phải có phân tích giải thích kỹ lưỡng, chính xác. Đừng lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, ép Kinh Thánh theo ý mình dầu để người khác cảm động. Nếu trong phần Kinh Thánh đó không thấy gì bồi linh chính xác về vấn đề nào đó thì đừng gượng ép để bồi linh mà nên tìm ở một phần khác. Khuynh hướng giải nghĩa bồi linh thường làm mờ nghĩa đen là nghĩa chính xác của Kinh Thánh. Khuynh hướng bồi linh dễ giải nghĩa hình bóng hóa, biểu tượng hóa quá đáng để có hình ảnh đôi mà lắm khi nó không có. Nên đừng đặt vào Kinh Thánh lối suy nghĩ của mình mà phải rút ra từ Kinh Thánh những gì Kinh Thánh thật sự dạy dỗ.
+ Nguyên tắc 2: Kinh Thánh là cuốn sách về nguyên tắc hơn là cuốn sách sắp sếp những chỉ dẫn chi tiết đặc biệt. Những chi tiết đặc biệt nó liên hệ với địa phương, môi trường sống nên nó có tính tương đối. Nhưng từ những chi tiết đó rút ra nguyên tắc tổng quát để áp dụng. Ví dụ những tội mà Phao-lô liệt kê là tội thời đó có, bây giờ có thêm tội khác không phải có quyền phạm. Nhưng phải rút ra nguyên tắc áp dụng cho thời nay. Kinh Thánh là sách nguyên tắc nên có thể giúp chúng ta tránh được việc thiêng liêng hóa máy móc hoặc giả tạo như việc giữ ngày Sa-bát. Những nguyên tắc trong Kinh Thánh luôn giúp chúng ta phát triển, trưởng thành và trọng tự do của con người và những nguyên tắc đó đòi hỏi tấm lòng chứ không phải chữ hay luật.
+ Nguyên tắc 3: Kinh Thánh nhấn mạnh tinh thần bên trong hơn bộ áo bên ngoài. Luật thường có tính bên ngoài nó thể hiện một nguyên tắc bên trong. Nhấn mạnh bộ áo bên ngoài sẽ đi đến chỗ lạc mất tinh thần rồi đi đến kỳ thị và làm cho đời sống đạo đức thấp. Tân ước đưa người thuộc Chúa vào trình độ đạo đức cao hơn sâu nhiệm hơn. Phải chú trọng đến tinh thần bên trong. Kinh Thánh có diễn tiến từ Ngũ kinh đến luật lệ, đến tiên tri (Mi 6:6-8), đến Tân ước hoàn tất chú trọng đến đời sống tâm linh bên trong Mac 7:11-23. Hội thánh đầu tiên cũng rơi vào luật như phái khắc kỷ cho vật chất là tội lỗi, ICo 7:5, Co 2:20. Nhưng Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu cho thấy tinh thần bên trong được nhấn mạnh. Đời sống tín đồ là đời sống có trái Thánh Linh. Không phải tuân giữ luật pháp mà là có sự sống từ bên trong. Ví dụ ITi 2:8 giơ tay thánh sạch là đời sống thánh sạch chứ không phải nghĩa đen là giơ tay đã rửa sạch. Nên khi bồi linh phải theo tinh thần của Kinh Thánh. ITi 5:22 đặt tay là sự biểu hiện truyền quyền năng, truyền chức cho người khác mà Chúa truyền bảo làm, là thể hiện cụ thể sau khi Chúa chọn. Ví dụ Đa-vít.
+ Nguyên tắc 4: Trong các câu tuyên bố của Kinh Thánh thường tinh thần của câu nói được làm chỉ đạo cho chúng ta hơn là câu nói. Ví dụ Mat 5:29-30, ý nghĩa là nếu vấn đề trầm trọng phải sống chết vì nó thì tội lỗi phải giải quyết cách thích đáng, dứt khoát, tàn nhẫn nếu cần. Ví dụ yêu Chúa hơn cha mẹ, vợ con, chính mình.
+ Nguyên tắc 5: Những mạng lệnh ở trong một nền văn hóa phải được chuyển dịch sang nền văn hóa khác. Như Phao-lô dạy cho tín đồ, độc giả thời bấy giờ hiểu. Bây giờ chúng ta phải chuyển sang nền văn hóa chúng ta. Ví dụ ITi 2:9, ICo 11:2-16 (người đan bà không trùm đầu thời bấy giờ là người trắc nết, kỵ nữ). Liên hệ đến những gương mẫu, biến cố trong Kinh Thánh để bồi linh để học khôn ngoan, lỗi lầm chúng ta học để tránh.
- Đối với gương mẫu: Phân biệt những gì Kinh Thánh ghi lại và những gì Kinh Thánh chấp thuận. Những gì Kinh Thánh thuật lại và những gì Kinh Thánh bắt buộc phải làm.
. Lấy áp dụng trực tiếp từ những gương nào Kinh Thánh chấp thuận hay cấm đoán, ví dụ Gi 12:1-8. Phi-e-rơ bị Phao-lô quở trách tại An-ti-ốt. Từ đây chúng ta có những nguyên tắc áp dụng.
. Những mạng lịnh ra cho các cá nhân trong Kinh Thánh thì không phải là mạng lịnh hay ý muốn của Đức Chúa Trời cho chúng ta, ví dụ Sa 22:1,2, Giô-suê phải giết sạch kẻ thù, Gi 21:18,19...
. Trong việc áp dụng gương mẫu cho đời sống chúng ta thì không cần phải tạo lại những hoàn cảnh y như Kinh Thánh, ví dụ Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem dưới sông Giô-đanh, dự tiệc thánh với các sứ đồ trên phòng cao.
- Đối với lời hứa: Có người cho rằng tất cả lời hứa trong Kinh Thánh đều là lời hứa cho chúng ta. Nhận như vậy là quá đáng vì có những lời hứa cho mọi người phổ quát và có những lời hứa cá nhân. Nên khi áp dụng lời hứa cho mình phải cẩn thận. Có người dùng lời hứa trong Kinh Thánh để ép Đức Chúa Trời làm là phạm thượng, lệch lạc. Nguyên tắc sử dụng lời hứa:
. Lưu ý những lời hứa tổng quát, phổ quát là lời hứa cho mọi người, Es 55:1, Gi 1:12 thì có thể áp dụng cho chính mình.
. Chú ý lời hứa cho cá nhân cho Á-ra-ham đông con, hay Sứ đồ 18:9-10 thì đừng áp dụng cho chính mình.
. Cần chú ý tới điều kiện của lời hứa. Ví dụ Mat 18:19,20, Gi 14:12,13.
. Cần chú ý lời hứa đó có cho thời đại chúng ta không. Có lời hứa cho dân Do-thái thời trong xứ họ chấm dứt trong thời Tân ước. Lời hứa trong thời cuối cùng, lời hứa cho những Hội thánh khác nhau.
Phải cẩn thận khi áp dụng lời hứa trong Kinh Thánh, cần xét đến các điều trên.
NGUYÊN TẮC GIẢI NGHĨA THÍ DỤ VÀ ẨN DỤ CỦA CHÚA GIÊ-XU
Parables nghĩa là đặt song song bên cạnh để so sánh nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Người Hy-lạp thường dùng cách này trong khi biện luận, lập luận.
Trong các sách Tin Lành có 53 thí dụ và ẩn dụ, có 30 thường được đề cập. Lu-ca có nhiều nhất, sách Giăng ít nhất. Số lượng 53 cho thấy tầm quan trọng của thí dụ và ẩn dụ. Nhưng thí dụ và ẩn dụ cho chúng ta dữ kiện về tiến triển của đạo Chúa trong thế gian; cuối cùng của thời đại, tương lai dân Do-thái, tương lai dân ngoại, về tính cách của nước Đức Chúa Trời. Bất cứ giáo lý nào nói về nước Đức Chua Trời tương lai phải nghiên cứu thí dụ ẩn dụ của Chúa.
I. Mục đích của thí dụ và ẩn dụ.
Mat 13:10-17.
- Đối với người Do-thái cố chấp vô tín thì thí dụ trở thành ẩn dụ làm họ không biết không hiểu được.
- Đối với nan đề là phương pháp làm cho hiểu được vấn đề biết được bản chất nứơc Đức Chúa Trời để khỏi lệch lạc. Bi quan hay lạc quan tham vọng quá đáng.
II. Các yếu tố trong thí dụ và ẩn dụ.
- Thí dụ và ẩn dụ là những phong tục, biến cố những vật thuộc về đất có thể xảy ra và hữu lý, ví dụ: đồng áng, cưới gả, gia đình...để dạy dỗ về chân lý quý báu liên hệ đến Nước Đức Chúa Trời.
- Có yếu tố vượt lên trên cái thuộc về đất. Có bài học thuộc linh, có sứ điệp thiêng liêng. Đó là điểm khác với chuyện ngụ ngôn hay thần thoại.
- Những yếu tố thuộc về đất mang những tính tương đồng với những yếu tố thuộc linh. Nên những thí dụ và ẩn dụ dùng để ví sánh và biện luận.
- Có hai mặt thuộc về đất và thuộc trời nên cần phải giải nghĩa.
III. Nguyên tắc giải nghĩa.
1. Nguyên tắc 1:
Xác định chính xác tính chất và chi tiết phong tục tập quán của những yếu tố tạo thành ví dụ, ẩn dụ đó. Có nghĩa là người giải nghĩa không được suy diễn mặt thuộc linh sau khi đã xác định đầy đủ những yếu tố thuộc đất. Phải tìm hiểu tập tục để giải nghĩa thuộc linh cho chính xác (Có thể dùng quyển Life and time of Jesus của Edershein).
2. Nguyên tắc 2:
Xác định lẽ thật chính yếu mà thí dụ ẩn dụ đó muốn dạy. Hầu hết thí dụ và ẩn dụ đều nói lên một lẽ thật chính yếu. Phải khảo sát kỹ lưỡng để khỏi lệch lạc làm phần chi tiết phóng đại choáng mất hết ý chính của thí dụ.
3. Nguyên tắc 3:
Xác định ẩn dụ hay thí dụ đó đã được Chúa giải thích bao nhiêu rồi, ví dụ Mat 13:18, Mat 25:1-13 (câu 13 là chìa khóa). Có những câu giải thích, câu kết phải lưu ý để biết ý chính nêu không sẽ giải thích lung tung.
4. Nguyên tắc 4:
Xác định xem đầu mối nào trong văn mạch cho thấy ý nghĩa của thí dụ, ẩn dụ đó không. Lu 15:2 là chìa khóa. Ba thí dụ là Ngài biện minh việc Ngài tiếp xúc với người có tội. Nói lên tình thươgn tha thứ của Chúa, Chiên,đồng bạc, người con tai là những người chung quanh. Lu 14:25-33 thì câu 25,33 là câu chìa khóa. Theo văn mạch cho thấy đây không phải nói về sự cứu rỗi mà là nói về sự đi theo phục vụ Chúa.
5. Nguyên tắc 5:
Đừng bắt tất cả mọi chi tiết của ví dụ và ẩn dụ đều phải có ý nghĩa quan trọng hết. Thí dụ hay ẩn dụ là nói lên một chân lý được chuyển đạt dưới một bộ áo hay một xe nào đó. Xe hay áo đó có phụ tùng thì không phải tất cả phụ tùng đều quan trọng và ý nghĩa hết. Nếu chú ý phụ tùng sẽ bỏ qua điểm chính và sẽ biểu tượng hóa hết. Ví dụ Lu 10:30-37, có người đi xa nói Chúa Giê-xu là người Sa-ma-ri nhơn lành, người khách bị nạn là nói về con người thuộc dòng giống A-đam, Giê-ru-sa-lem là thành trên trời, Giê-ri-cô là thành ở trần gian, kẻ cướp là ma quỉ và thiên sứ của nó. Người khách bỏ thành trên trời xuống trần gian bị ma quỉ cướp sạch áo công bình nguyên thủy bị mất hết, bị tổn thương và sự tổn thương biểu hiệu cho ảnh hưởng tội lỗi trên con người. Người bị nạn không chết, chỉ dở chết nghĩa là còn hy vọng. Các thiên sứ phạm tội bị chết luôn vì không có sự giúp đỡ bên ngoài, nhưng con người phạm tội thì có sự giúp đỡ của Chúa. Sự dở chết đó là lương tâm trong con người còn có thể do ơn thiêng liêng đụng tới. Vị y sĩ có thể chữa lành là Chúa Giê-xu. Rượu là huyết lễ vượt qua, dầu là Thánh Linh, băng bó là quyền năng chữa lành của các thánh lễ. Người bị nạn được bỏ lên lưng lừa và người Sa-ma-ri đi bộ tức là biểu tượng Chúa Giê-xu trở nên nghèo để chúng ta trở nên giàu. Quán trọ là Hội thánh. Người Sa-ma-ri bỏ đi rồi trở lại là Chúa Giê-xu đi rồi tương lai trở lại. Hai đơ-ni-ê là hai thánh lễ báp-tem và tiệc thánh. Người Sa-ma-ri bảo quán chăm sóc là Chúa Giê-xu bảo Phi-e-rơ chăm sóc bầy chiên trong Giăng 21. người Sa-ma-ri trở lại đem tiền thưởng là Chúa Giê-xu trở lại thưởng cho ai làm việc trong danh Ngài.
6. Nguyên tắc 6:
Cẩn thận khi dùng ẩn dụ, thí dụ để làm giáo lý. Nguy hiểm là chúng ta thường đọc vào ẩn dụ đó ý thần học của mình để rồi dùng nó làm giáo lý. Ý chính yếu của ẩn dụ mà Chúa Giê-xu dùng là để nói cho đám đông đang nghe lúc bấy giờ. Trong đó có tiềm ẩn lẽ đạo, giáo lý có tính cách đời đời, nhưng điểm chính vẫn là nói lên điểm nào đó cho thời bấy giờ hiểu. Có thể dùng ẩn dụ, thí dụ làm sáng tỏ, minh giải giáo lý nhưng không nên biến ẩn dụ thành giáo lý.
7. Nguyên tắc 7:
Trong việc giải kinh cần hiểu thời kỳ mà ẩn dụ đó nói tới như các ẩn dụ Chúa nói thường nằm giữa hai lần đến thứ nhất và thứ hai của Ngài. Trong thời kỳ này là thời kỳ không hoàn toàn không trọn vẹn nên khi giải nghĩa ẩn dụ như hạt cải hay men. Nếu không đặt vào khung thời gian thì cho rằng lần lần cả thế gian sẽ trở nên dân Chúa rồi đi đến quan điểm hậu thiên hy niên. Nhưng các thí dụ khác thì ngược lại như gieo giống, đánh cá. Nên đừng bi quan quá hay lạc quan quá. Phải đặt trong cái quân bình để thấy tất cả ví dụ đều nói cái gì, mỗi ẩn dụ nói lên mặt nào đó của vấn đề. Nên đặt các ẩn dụ thí dụ vào khung thời gian giữa hai lần đến của Chúa Giê-xu, là thời kỳ chưa trọn vẹn. Đến cuối cùng Chúa đến mới trọn vẹn. Có quan điểm bi quan quá lại cho men là xấu chỉ ma quỉ, tội ác vào đống bột làm hư đống bột rồi cho Hội thánh đến cuối cùng sẽ trở nên bệ rạc lắm. Phải hiểu ẩn dụ trong thời gian lịch sử.
HÌNH BÓNG HỌC (Typology)
Hình bóng học là những lời tiên tri dưới hình thức biểu tượng trong Cựu ước về những gì sẽ xảy ra trong Tân ước. Lu 24:25-44, Gi 5:39-47.
I. TÍNH CHẤT CỦA HÌNH BÓNG.
1. Phải có sự tương đồng thật sự hoặc về hình thức hoặc về ý tưởng hoặc tinh thần giữa Cựu ước và Tân ước. Ví dụ: A-đam là thầy tế lễ là hình bóng Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá của Tân ước.
2. Trong những hình bóng vẫn có những chi tiết không tương ứng giữa Cựu ước và Tân ước. Nên phải cẩn thận xem chi tiết nào là hình bóng thật. Trọng tâm của hình bóng là nói lên sự tương ứng giữa Tân và Cựu ước. Ví dụ: Khi nói về luật pháp không có sự tương ứng như trong thơ Rô-ma, nhưng Hê-bơ-rơ lại có sự tương đồng với Cựu ước. Hình bóng là nói cái tương ứng nên đừng lấy mọi chi tiết trong Cựu ước làm hình bóng cho Tân ước. Ví dụ: Những luật về chức tế lễ, đền tạm, He 7:1-17 tương đồng: chức tế lễ A-rôn là hình bóng chức tế lễ Chúa Giê-xu. Không tương đồng: A-rôn theo chi phái Lê-vi, nhưng Chúa Giê-xu theo chi phái Giu-đa.
Hình bóng là biểu hiện có tính cách tiên tri hay những biểu tượng có tính cách tiên tri. Kết hợp giữa cáci tạm thời với cái đời đời. Ví dụ: A-rôn làm thầy tế lễ tạm thời tiên tri về Chúa Giê-xu thầy tế lễ đời đời.
II. NGUYÊN TẮC GIẢI NGHĨA HÌNH BÓNG.
1. Phải bắt đầu bằng khảo sát toàn Tân ước để xem Tân ước dạy gì về hình bóng mà Cựu ước có nói tới.
2. Xác định những lãnh vực lớn về hình bóng của Cựu ước như sự cứu chuộc là lãnh vực lớn về hình bóng trong Cựu ước nói về Tân ước. Hay chức tế lễ, đền tạm.
3. Xác định phần nào là hình bóng phần nào không. Phải dựa trên Tân ước để xem chi tiết nào của Cựu ước là hình bóng.
4. Giữ trong giới hạn hợp lý. Thường hay có cái sai là hình bóng hết để làm cho có cái mới.
5. Hãy giải nghĩa hình bóng với tinh thần khiêm nhường. Những gì Tân ước xác quyết rõ ràng về hình bóng trong Cựu ước thì chúng ta khẳng định. Còn những gì Tân ước không nói rõ ràng thì chúng ta có thể thấy hình bóng nhưng đừng độc đoán xác quyết. Ví dụ: Xu 26:28 có người cho cây xà ngang của đền tạm là hình bóng sự hợp nhất của Hội thánh. Tân ước không xác định nên không thể độc đoán là như vậy.
III. NHỮNG LOẠI HÌNH BÓNG.
1. Về người. Ví dụ Ro 5:14, A-đam là tổ phụ của dòng giống là hình bóng Chúa Giê-xu là Đấng phải đến, là tổ phụ dòng giống mới. Nhưng đừng đẩy đi xa hơn. Áp-ra-ham là hình bóng của người được xưng công bình bởi đức tin, Giô-sép là người bị hại là hình ảnh của Đấng Cứu Thế, Đa-vít là hình bóng của Chúa Giê-xu là vua. Chỉ có một số khía cạnh là hình bóng thôi.
2. Về những định chế (Institutions) như ngày Sa-bát hình bóng về sự yên nghỉ. Lễ vượt qua hình bóng sự cứu chuộc. Việc dâng sinh tế hình bóng thập tự giá của Chúa Giê-xu.
3. Về chức vụ: chức tế lễ, chức vua, chức tiên tri là hình bóng về Chúa Giê-xu là thầy tế lễ, là vua, là tiên tri.
4. Về biến cố: việc ra khỏi Ai-cập hình bóng về sự giải thoát của Chúa Giê-xu cho con người trong Tân ước.
5. Về đồ vật: Hương trong Cựu ước hình bóng lời cầu nguyện trong Tân ước Nên khi nói hình bóng cần lưu ý ý nghĩa tiên tri.
BIỂU TƯỢNG (Symbols)
Biểu tượng khác hình bóng, biểu tượng là tiêu biểu cho những gì gồm cả quá khứ, hiện tại, tương lai và luôn luôn có ý nghĩa như vậy, thời gian nào cũng mang ý nghĩa đó. Hình bóng là biểu tượng mang tính cách tiên tri về tương lai những gì sẽ đến. Ví dụ: Sa 49:9 Giu-đa là sư tử. Khi nói đến sư tử là biểu tượng của sức mạnh và thời nào cũng vậy. Khi nói sư tử chi phái Giu-đa là hình bóng về Chúa Giê-xu.
Giải nghĩa biểu tượng cần lưu ý:
1. Lấy biểu tượng được Kinh Thánh giải nghĩa làm nền tảng cho sự nghiên cứu về biểu tượng. Ví dụ: thú dữ luôn biểu tượng cho lãnh tụ độc ác hay chiên con luôn là biểu tượng vật làm sinh tế, hương biểu tượng lời cầu nguyện.
2. Chỗ nào biểu tượng không được giải nghĩa thì phải khảo sát văn mạch trong đó biểu tượng được nói đến. Ví dụ: Math 13 một số biểu tượng của nước thiên đàng Chúa Giê-xu giải nghĩa (con gặt ở đây là thiên sứ như trong Giăng 4 là con người). Ví dụ trong câu 31-33 Chúa không giải thích chúng ta phải dựa trên văn mạch để hiểu. Men ở đây là khía cạnh Chúa dùng để nói lên tính làm dậy chứ không nói lên tính chua của men. Vì trong văn mạch của đoạn 13 nói lên sự phát triển sinh sản của Nước Trời.
3. Thường thường các biểu tượng được giải nghĩa dựa trên tính chất của biểu tượng đó. Ví dụ: tính bảo tồn của muối, tính hung dữ, mạnh bạo của sư tử, tính hiền lành của bò câu, quỉ quyệt của cáo...
4. Cần lưu ý đến hình ảnh kép của biểu tượng. Phân biệt biểu tượng chỉ có một nghĩa. Ví dụ: sư tử có lúc biểu tượng Chúa Giê-xu có lúc là Sa-tan. Hay nước trong Eph 5:36 biểu tượng Lời Đức Chúa Trời, trong ICo 12:13 biểu tượng Thánh Linh, trong Tit 3:5 biểu tượng sự lại sanh. Tùy trong văn mạch mà tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng. Có thể một người hay một điều gì đó lại được biểu tượng bằng nhiều hình ảnh như Chúa Giê-xu: sư tử, chiên con, cây nho, chồi, cửa...
5. Cần giữ sự hợp lý của biểu tượng. Đừng bỏ qua văn mạch. Khảo sát bối cảnh văn hóa, lịch sử, kinh tế, nông nghiệp... mà biểu tượng được dùng lúc ấy. Phải so sánh liên hệ những chỗ khác nhau trong Kinh Thánh để biết rõ. Do đó không nên hệ thống hóa một biểu tượng nào hết hay luôn luôn buộc nó phải có nghĩa như vậy.
Trong các loại biểu tượng có các con số. Giải nghĩa các con số biểu tượng cũng phải giữ các nguyên tắc trên (Bộ sách Gematria của người Do-thái chuyên giải nghĩa con số. Có những trường hợp quá mấu. Ví dụ: trong Xa 3:8 chữ chồi theo tiếng Hê-bơ-rơ là số 138. Kẻ yên ủi trong Ca 1:16 cũng là 138. vậy họ bảo cả hai nói về Đấng Cứu Thế. Nhưng Cathương không có ý đó. Hay Sa 11:1 mọi người nói một thứ tiếng. Chữ một là số 409 chữ thánh cũng 409. Họ cho dân họ là thánh nên cho tiếng nói đầu tiên của nhân loại cũng là tiếng Hê-bơ-rơ.
Biểu tượng về màu sắc cũng vậy, chưa rõ ràng. Ví dụ: màu xanh là màu trời biểu hiện sự thánh thiện. Người khác lại cho là sự uy nghiệm của Đức Chúa Trời. Có những màu rõ ràng như màu tím là của vua, quan quyền, quí phái. Màu điều là màu sinh tế.
NGUYÊN TẮC GIẢI NGHĨA TIÊN TRI
Giải nghĩa tiên tri khó, có nhiều giải nghĩa thường chia ra nhiều nhóm, nhiều quan điểm.
Những người theo phái tự do (tân phái) nhìn nhận có lời tiên tri nhưng họ chỉ xác định nó chỉ có giá trị đạo đức do tínhc ách thần bí của các nhà tiên tri. Họ phủ nhận tính cách tiên báo theo nghĩa đen của lời tiên tri. Đối với những người có khuynh hướng bảo thủ thì giữ giá trị thiêng liêng của lời tiên tri, tính siêu nhiên của lời tiên tri, tin rằng lời tiên tri là lời tiên báo. Trong giới bảo thủ cũng chia ra, như đối với người Do-thái những lời tiên tri được hiểu chỉ cho dân Do-thái và nước được bình an, đời đời trong tương lạ là nước Do-thái, dân Do-thái cai trị tất cả. Đối với người Công giáo thì có nhiều nhóm như tiền, hậu, vô thiên hy niên đều cho lời tiên tri chung cho mọi người kể cả Do-thái lẫn ngoại bang.
Tiên tri trong Kinh Thánh có hai phương diện:
- Nói thẳng ra những gì Đức Chúa Trời dạy người tiên tri phải nói.
- Nói về tương lai những sự sẽ đến, tương lai gần hoặc lâu dài về sau. Nên đừng chỉ hiểu lời tiên tri chỉ có tính cách tiên báo. Có hai phần trong lời tiên tri.
Lời tiên tri có rất nhiều trong Cựu ước và Tân ước. Khó khăn của việc giải nghĩa lời tiên tri là giải nghĩa theo nghĩa đen hay nghĩa bóng hay cả hai? Nếu giải nghĩa theo nghĩa đen lẫn bóng thì giới hạn ở đâu? Ví dụ về dâng Do-thái lập quốc trước đó chỉ có một số ít hiểu theo nghĩa đen còn phần đông theo nghĩa bóng cho là Hội thánh. Nhưng việc đã xảy ra theo nghĩa đen. Đây là điểm thường hay tranh cải.
Một số nguyên tắc tạm dùng giúp giải nghĩa lời tiên tri để tránh lệch lạc càng nhiều càng tốt.
+ Nguyên tắc 1: Xác định bối canh lịch sử của tiên tri và lời tiên tri. Tức là tìm hiểu vị tiên tri sống thời nào và hoàn cảnh ra sao. Như Ê-sai sống trong hoàn cảnh xáo trộn chính trị liên hệ đến các vua Do-thái và các nước chung quanh. Các lời tiên tri ông nói ra liên hệ đến gì? Phải tìm hiểu bối cảnh mà lời tiên tri đụng tới. Hay hiểu lời tiên tri của Giê-rê-mi phải hiểu sự tù đày của Do-thái. Lời tiên tri của ông rao báo Do-thái phục Ba-by-lôn thay vì Ai-cập phải hiểu lịch sử ứng nghiệm ra sao. Khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của lời tiên tri sẽ tránh cho chúng ta một số xác quyết hay giải thích quá đáng về lời tiên tri. Ví dụ: Na 2:4 có người cho là lời tiên tri về khoa học kỹ thuật ngày nay. Nếu lấy một câu ra như vậy sẽ không sát. Khi đặt theo bối cảnh của lời tiên tri là việc dân Chúa thấy sự hủy diệt về Ni-ni-ve. Vị tiên tri thấy qua trí tưởng tượng cảnh chiến tranh. Hay Ha 1:5Cong 13:3-41 trích dẫn. Nhiều người cho Ha 1:5 nói về sự tan lạc của dân Do-thái trong các nước. Nhưng nếu đặt trong văn mạch và bối cảnh, liên hệ với Công vụ thì không phải nói về sự tản lạc của dân Do-thái. Mà bảo Ha-ba-cúc sửng sờ xem các nước ngoại bang để trừng phạt họ. Công vụ nhắc lại là Chúa sẽ làm việc sững sờ cho dân Do-thái là đem dân ngoại trở nên những người thuộc Chúa.
+ Nguyên tắc 2: Xác định đầy đủ và giá trị của những tên riêng, biến cố, phong tục, văn hóa, đại lý, cây cỏ... mà lời tiên tri nói đến. Ví dụ Ô-sê 11, Ê-sai 31, Giô-ên nói các tai họa phải hiểu là gì. Hay Math 13 về cây cải phải hiểu cây cải ra sao. Dùng từ điển để tìm hiểu.
+ Nguyên tắc 3: Xác định đoạn văn mà tiên tri nói đó là văn có tính chất giáo hóa, dạy hay là tiên báo. Không phải mọi lời tiên tri đều có tính cách tiên báo, mà trong lời tiên tri có phần khuyên dạy, có phần tiên báo. Ví dụ Xach 1:1-6 không có phần tiên báo, chỉ từ câu 7 trở đi mới có. Xác định sẽ giúp chúng ta không dùng phần giáo dục làm phần tiên tri.
+ Nguyên tắc 4: Nếu là lời tiên tri thì xét lời đó đã ứng nghiệm hay chưa ứng nghiệm, hay có điều kiện gì không?
1. Đối với lời tiên tri đã ứng nghiệm trong Tân ước thì phải so sánh với Cựu ước để có thể giải nghĩa cách chính xác. Những lời tiên tri được Tân ước xác nhận thường được dùng với
. Ứng nghiệm theo nghĩa đen như việc giáng sinh của Chúa Giê-xu.
. Tân ước dùng các lời tiên tri của Cựu ước để chứng minh cho một điều gì hay một giáo lý nào đó. Ví dụ Gi 6:45 trích Es 54:3. Lời tiên tri Ê-sai được ứng nghiệm khi Chúa Giê-xu đến nhưng không theo nghĩa đen như trên mà để chứng minh ai nấy được dạy dỗ. Mat 22:32 là lời trích Xuất 3. Chúa Giê-xu nói để chứng minh một giáo lý là Đức Chúa Trời là Đấng Sống và là tổ phụ những người sống.
. Lời tiên tri trong Cựu ước được dùng để giải thích làm sáng tỏ chân lý trong Tân ước. He 12:20 trích Xu 19:12,13 là lời tiên tri, Hê-bơ-rơ lập lại để giải thích sự đáng sự của núi Si-nai. Ro 10:18 trích Thi 19:4 trở thành lời tiên tri ứng nghiệm trong Tân ước dùng để làm sáng tỏ chân lý của Đức Chúa Trời.
2. Nếu được ứng nghiệm trong lịch sử thì phải dùng lịch sử để giải thích như pho tượng Đa-ni-ên về các đế quốc. Hay Chúa Giê-xu nói về sự sụp đổ Giê-ru-sa-lem.
3. Nếu lời tiên tri có điều kiện thì lời tiên tri đó có thể hoặc không thể ứng nghiệm. Ví dụ Phục 28, Xa 2:1-3, Giô-na kêu gọi Ni-ni-ve.
4. Nếu lời tiên tri chưa thành tựu thì đó là vấn đề khó cho chúng ta giải nghĩa vì không có dữ kiện cụ thể trong Tân ước hay lịch sử để xác quyết. Nên phải dựa vào những lời tiên tri đã thành tựu rồi giải nghĩa lời tiên tri chưa thành tựu. Ví dụ lời tiên tri xây lại đền thờ. Đền thờ chưa xây nhưng dựa trên sự lập quốc của dân Do-thái ứng nghiệm theo nghĩa đen mà xác định lời tiên tri này chắc sẽ xảy ra. Theo cách này có sự bảo đảm nhưng không thể xác quyết 100 phần trăm vì chưa có dữ kiện cụ thể.
+ Nguyên tắc thứ 5: Xác định chủ đề lời tiên tri hay quan niệm của lời tiên tri đó có được nói chỗ nào trong Kinh Thánh. Để có sự phối hợp biết cho rõ... Ví dụ việc lập quốc của dân Do-thái. Cần biết việc phối hợp các lời tiên tri lại một chủ đề không phải dễ, phải áp dụng các nguyên tắc giải nghĩa khác nữa. Ví dụ hiểu 'ngày của Đức Giê-hô-va' là ngày Chúa phạt Do-thái hay ngày tái lâm hay 1000 năm... Khi phối hợp không được mâu thuẫn với nhau.
+ Nguyên tắc 6: Chú ý đến dòng tư tưởng trong đoạn văn, chú ý văn mạch. Liên hệ của văn mạch sẽ giúp xác định được lời tiên tri đó cho cái gì, lúc nào, thời nào. Như Ma 2:17 chuyển Mat 3:1.
+ Nguyên tắc 7: Lưu ý lời tiên tri hoàn toàn có tính cách đại phương và giai đoạn. Ví dụ IISa 7. Sa-lô-môn xây đền thờ được dùng như lời tiên tri về Chúa Giê-xu xây dựng đền thờ Đức Chúa Trời nhưng hình ảnh này chỉ có tính cách giai đoạn và địa phương lúc đó thôi chứ không phải Sa-lô-môn là hình ảnh tiên tri về Chúa Giê-xu. Es 7:14-16 trong 3 câu chỉ có 2 câu 14,15 nói tiên tri về Chúa Giê-xu nhưng câu 16 lại có tính cách giai đoạn địa phương của lịch sử bấy giờ. Thi 16:1-7 nói về sự suy niệm của Đa-vít đến câu 8 mới là lời tiên tri.
+ Nguyên tắc 8: Dùng nghĩa đen để hướng dẫn trong việc giải nghĩa lời tiên tri. Dựa trên căn bản nghĩa đen vì điều nào cũng giải nghĩa theo nghĩa đen trước rồi dựa vào đó giải nghĩa bóng, thuộc linh, biểu tượng sau. Trong khi giải nghĩa theo nghĩa đen cũng phải xác định, lường được trong đoạn văn nghĩa đen tới mức nào dung hòa nhgĩa đen nghĩa bóng tới mức nào.
- Liên hệ sách Khải huyền.
. Dùng những nguyên tắc tổng quát của giải kinh.
. Giải nghĩa Khải huyền không thể giải nghĩa hoàn toàn theo nghĩa đen. Nên phải cố gắng tìm hiểu các biểu tượng, hình ảnh tượng trưng có nghĩa gì và nghĩa đó phải nằm trong văn phía của tác giả. Không phải biểu tượng theo điều ta hiểu ngày nay mà theo điều tác giả bấy giờ hiểu. Xem đoạn văn có ánh sáng nào để giúp hiểu biểu tượng hay không. Xét lịch sử xem có lời tiên tri nào đã ứng nghiệm. Dùng xác sách Tân ước và Cựu ước để hiểu biểu tượng.
GIẢI NGHĨA THI CA
Cần biết câu nào là thơ, tìm đọc bản dịch RSV (Revised Standard Version).
1. Hình thức: Trong thi ca Hê-bơ-rơ về phương diện hình thức thường ở thể song hành, có nhiều h2nh thức song hành (parallel) khác nhau. Song hành của thi ca Hê-bơ-rơ thường dựa trên ý tưởng hơn là âm vận.
- Song hành đồng nghĩa (đồng ý tưởng) là hai dòng một câu diễn tả cùng một ý. Thi 103:3.
- Song hành đối ý là trong câu thơ dòng đầu một ý dòng hai trái lại ý đó. Ch 15:1
- Song hành câu đầu nói bóng câu hai đưa hình ảnh xác định. Thi 42:1,2.
- Song hành bậc thang (lên từng bậc) Thi 29:1,2.
Trong thi ca Hê-bơ-rơ có loại làm theo mẫu tự.
2. Giải nghĩa thi ca phải lưu ý cá tính của tác giả. Cá tính được bày tỏ trong lời thơ, có tính cách riêng biệt. Nói lên tâm trạng bộc lộ ra. Không phải tất cả tâm trạng bộc lộ ra trong lời thơ đều theo điều Chúa muốn.
3. Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ của hình ảnh tưởng tượng nhiều vì thế phải biết để không giải nghĩa hoàn toàn theo nghĩa đen mà phải tìm hiểu ý nghĩa. Trong thi ca thường nhân cách hóa, Es 1:2. Chú ý đến yếu tố ảnh hưởng trọng yếu đến nghĩa của thi ca.
LIÊN HỆ THI THIÊN
Thi thiên là tuyển tập của những bài thơ. Vì những bài thơ không có liên hệ với nhau nên phải tìm hiểu bối cảnh từng bài một.
1. Phải dựa nhiều trên nội dung, đề bài thơ để tìm hiểu.
2. Lưu ý thái độ, quan điểm, trạng thái tâm lý, tình cảm của tác giả.
3. Những Thi thiên liên hệ đến Đấng Mê-si lưu ý đến các yếu tố tiêu biểu, các hình ảnh được dùng. Thường rất phong phú nên phải dựa trên bối cảnh lúc đó họ hiểu các điển tích thế nào để giải nghĩa.
4. Những chỗ liên hệ đến vấn đề chưởi rủa Thi 109, 137 phải hiểu nó là diễn tả tâm trạng cá nhân của tác giả bực bội trước tội ác của người khác. Do sự bực bội mà kẻ thù làm tổn thương mà tác giả nói lên cảm nghĩ xác thịt của mình, nó khác với tinh thần của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, Le 19:18, Phu 32:35; 24:16 khác Thi 109, Exe 8:20
LIÊN HỆ CHÂM NGÔN.
Những câu châm ngôn thường được chia ra hai loại: Châm ngôn đạo liên hệ đến Chúa và đời liên hệ đến đạo đức.
Đối với dân Do-thái không phân biệt châm ngôn đạo hay đời vì người Do-thái hiểu họ là dân của Đức Chúa Trời nên mọi lời châm ngôn họ hiểu liên hệ với Đức Chúa Trời. Để hiểu châm ngôn:
- Xác định câu châm ngôn thuộc biểu tượng nào, có hình bóng nào không.
- Xác định tính chất của câu châm ngôn đó bằng cách nghiên cứu nội dung và sự lập đi lập lại thế nào.
- Xem văn mạch để có tia sáng nào hiểu câu châm ngôn không, Gie 31:29,30, Exe 18:2 (Hết)


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét