LÃNH VỰC THỨ BA:
TỘI LỖI TRONG MỐI THÔNG CÔNG, GIAO TẾ
Có lẽ chỗ thông thường nhất mà chúng ta đánh mất sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời là trong các mối thông công của chúng ta. Các tội lỗi trong mối thông công thường rơi vào năm lãnh vực chính yếu. Trong mỗi lãnh vực, bạn phải sẵn sàng áp dụng biện pháp ăn năn cụ thể.
1. Bạn có thể suy nghĩ về những người đã bị bạn làm tổn thương hoặc xúc phạm bằng các này hay cách khác không?
Trong Mathiơ 5:23 – 24, Chúa Jesus đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc làm hoà với những người bạn đã xúc phạm: ”Vậy, nếu các ngươi mang của lễ đến bàn thờ và nhớ lại anh em ngươi có điều gì đó nghịch lại với ngươi; hãy để của lễ trước bàn thờ và đi. Hãy giải hoà với anh em ngươi trước, rồi sau đó hãy đến dâng của lễ.” Nói cách khác, Chúa phán dạy chúng ta rằng:
“Đừng đến gần Đức Chúa Trời cho đến khi ngươi trước hết đã làm hoà với những người bị ngươi làm tổn thương” Bạn ơi, tôi không nói việc nầy là việc dễ dàng đâu, nhưng Chúa phán dạy cách rõ ràng đó là điều phải làm. Nhiều người tin Chúa thiếu quyền năng vì họ đã bỏ qua mạng lệnh nền tảng nầy. Hãy dành đầy đủ thì giờ để suy nghĩ về những người bạn đã có thể xúc phạm. Khi Đức Chúa Trời chỉ ra cho bạn ai là người đã bị bạn làm tổn thương hay khinh thường, bạn hãy giải quyết bằng cách đến với họ và xin họ tha thứ.
Đừng đến với họ để biện minh bênh vực mình, vì khi làm như vậy, sự tranh chấp sẽ nổ bùng trở lại. Ngoài ra, đừng nghĩ bạn thất bại nếu họ không chịu tha thứ cho bạn. Trách nhiệm của bạn là làm cho trọn phần của mình với thái độ khiêm nhường và yêu thương. Còn họ đáp ứng thế nào là trách nhiệm của họ.
2. Bạn có cay đắng hoặc giữ lòng thù hận những người đã xúc phạm mình không?
Trong Mathiơ 6:14 – 15, Chúa Jesus đã dạy một câu vô cùng quan trọng: ”Vì nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi. Nhưng nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ chẳng tha thứ cho các ngươi đâu.”
Nhiều lần lời cầu nguyện của bạn không vượt lên quá trần nhà vì bạn đang giữ thái độ oán giận và cay đắng với người khác. Trên thực tế, Chúa Jesus dạy chúng ta phải tha thứ cho người ta “từ trong tấm lòng”. (Mathiơ 18:35,”Nếu mỗi một người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”. Chúng ta thường thấy người ta “nói” họ đã tha thứ, nhưng sự thật, lòng họ vẫn chưa tha thứ.
Nhiều người giữ sự cay đắng trong lòng với bạn bè hoặc với những người trong gia đình. Cũng có những trường hợp khác, người ta cay đắng với những người xa lạ, là những người đã cư xử không tốt với họ. Đặc biệt ngày nay, các tín hữu cần phải nhận thấy rằng chúng ta có thể cay đắng với những chính trị gia vô tín, những người hoạt động xã hội, những người làm trò tiêu khiển khi họ tấn công vào giá trị thuộc linh của chúng ta. Hẵn nhiên, chúng ta phải luôn đứng vững vàng đối với lẽ thật, nhưng đừng bao giờ nuôi dưỡng lòng ghen ghét những người tấn công chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ thôi ghét tội lỗi, nhưng phải luôn yêu thương tội nhân. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời dò xét tấm lòng của bạn và chỉ ra bất kỳ hình thức cay đắng hay không tha thứ nào.
Câu hỏi để suy nghĩ:
a. Bạn có nuôi dưỡng một chút xíu cay đắng oán giận với người nào hay với hoàn cảnh
nào, hay không?
b. Có phải bạn đã thầm oán hận Đức Chúa Trời vì Ngài cho phép một vài hoàn cảnh đau đớn xảy ra trong đời sống bạn không?
c. Có phải bạn đã “lạnh nhạt”với Đức Chúa Trời bởi vì
lý do nào đó, Ngài đã làm cho bạn thất vọng, hay không?
Hãy thành thật với chính mình và xưng nhận các tội lỗi này đi. Hãy quyết định không cay đắng với bất cứ ai, và hãy nhớ rằng tha thứ là một điều bạn quyết tâm lựa chọn, chứ không phải là một mối cảm xúc.
3. Có phải bạn bị vướng vào những mối quan hệ không đúng đắn không?
Mối quan hệ không đúng đắn có thể là bất cứ điều gì từ tội ngoại tình, dâm dục đến mối liên hệ thân mật không đúng đắn với ai đó. Một người nhỏ tuỗi có thể liên hệ tình cảm với một người cao tuổiø hay ngược lại. Người chồng có thể quá thân mật với một người bạn gái hay ngược lại. Người vợ hay người chồng có thể dành quá nhiều thời gian với bạn bè mà lơ là với ngườì phối ngẫu của mình. Cha mẹ có thể can thiệp quá nhiều vào đời sống của con cái đã có gia đình, hay những người con đã lập gia đình mà vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào cha mẹ.
Những mối quan hệ không thích đáng bao gồm nhiều thứ ngoài ra những hành vi đồi bại về thể xác. Hãy cầu xin Chúa chỉ ra bất cứ mối quan hệ không đúng đắn nào bạn cần được thay đổi. Hãy thành thật với Đức Chúa Trời và với chính mình. Và, đừng tuyệt vọng vì Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn sức lực để thay đổi!
4. Bạn có bỏ qua sự thông công thường xuyên và bỏ qua buổi nhóm đầy ý nghĩa của Hội thánh bạn không?
Theo Hêbơrơ 10:25 thì việc bỏ qua mối thông công thường xuyên và thờ phượng cùng với thân thể của Đấng Christ là một tội nặng . “Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”
Lời Chúa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các tín hữu thuộc Hội Thánh nhà. Theo I Côrinhtô 12 -14, chúng ta phải duy trì mối thông công chân thật và chặt chẽ với các tín hữu khác. Đức Chúa Trời không muốn cho bất cứ ai làm “người hoạt động đơn độc”, hay “người cô lập”.
Thời đại của chúng ta là thời đại cá nhân chủ nghiã vị kỷ, nhiều người thích gia nhập một Hội Thánh lớn để họ có thể chìm lặng trong đám đông. Họ đến và nhận lãnh phước hạnh rồi ra về mà không có mối thông công thực sự hoặc mối quan hệ gần gũi nào với những tín hữu khác. Và đó chính là điều họ thích!
Một số những người khác đi tìm Hội Thánh “chúc phước” cho họ mà không cần phải đòi hỏi họ có thể phục vụ hay đóng góp gì cả. Nhiều người lựa chọn Hội Thánh một cách ích kỷ giống như họ lựa chọn một câu lạc bộ sức khoẻ. Họ muốn có được nhiều lợi ích nhất và ít tốn kém nhất. Hội thánh trong những nơi đang tăng trưởng thường thiếu người có tai lắng nghe, trong khi đó các Hội Thánh trong những nơi đang gặp khó khăn – là nơi cần có người phục vụ – lại thiếu người đóng góp vào công việc Hội Thánh.
Ngày nay, dường như có nhiều người muốn ngồi xuống để được người khác phục vụ mình, nhưng có ít người muốn chổi dậy phục vụ người khác. Khi tìm kiếm chọn lựa một Hội thánh, lời cầu nguyện của chúng ta không phải là:
“Lạy Chúa, Hội Thánh này có thể làm gì cho con?”, nhưng là: “Lạy Chúa, Chúa có việc gì cho con làm trong Hội Thánh này?” Không tích cực và tham gia vào việc dâng hiến và phục vụ cách thường xuyên tại Hội Thánh nhà là một tội trọng”. Có một vài trường hợp ngoại lệ, như trường hợp người được kêu gọi vào chức vụ lưu hành. (Tuy nhiên, những người này cũng phải có “Hội Thánh nhà”.)
Một hình thức khác khá tế nhị của tội lỗi nầy là việc đi lòng vòng từ Hội thánh nầy sang Hội thánh khác. Khi làm như vậy, các tín hữu chẳng bao giờ có được sự thông công sâu xa căn cứ trên Kinh Thánh với những Cơ-đốc-nhân khác. Họ cũng trốn tránh trách nhiệm cá nhân và sự phục vụ thuộc linh để đem lại lợi ích cho Hội Thánh của Chúa. Kết quả là họ chẳng bao giờ tăng trưởng và chẳng bao giờ có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Hãy cầu xin Chúa tra xét đời sống của bạn và chỉ ra những chỗ nào bạn đang khi trồi khi sụt trong mối thông công liên hệ với Hội Thánh nhà, và trong việc phục vụ Chúa với Hội Thánh.
Có phải bạn chỉ làm khán giả chứ không phải là nguời dự phần vào công việc của Đức Chúa Trời không? Có phải bạn là người luôn luôn nhận mà ít khi ban cho, phải không? Có phải bạn lúc nào cũng là người khách đến viếng thăm chứ không phải là người gắn bó với Hội Thánh để phục vụ Đức Chúa Trời không? Bạn ơi, bạn cần phải quyết định gia nhập một Hội thánh và bắt tay vào việc. Ngay bây giờ, bạn hãy quyết định hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời trong việc dấn thân phục vụ các anh chị em tín hữu khác.
5. Các mối quan hệ trong gia đình bạn có phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời không?
Những mối quan hệ không đúng đắn trong gia đình và trong Hội thánh là những chỗ chúng ta thường đánh mất sự đổ đầy và quyền năng của Đức Thánh Linh. Không ai là người sai quấy với người khác mà có thể thật sự sống đúng theo ý muốn Đức Chúa Trời được.
Lời của Đức Chúa Trời đặc biệt phán với những người làm chồng và người làm cha:
“Vì chồng là đầu của vợ, như Đấng Christ là Đầu của Hội thánh.” (Êphêsô 5:23)
Căn cứ trên câu Kinh thánh nầy, chúng ta thấy Đức Chúa Trời gọi những người làm chồng là người lãnh đạo thuộc linh của gia đình. Ông ta chịu trách nhiệm hướng dẫn và nuôi dưỡng thuộc linh cho gia đình mình. Mỗi một người chồng và người cha có một trách nhiệm đặc biệt với Đức Chúa Trời và với gia đình mình.
“Hỡi những người chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh và phó chính mình vì Hội thánh.” (Êphêsô 5:25) Đức Chúa Trời ban lệnh cho người chồng phải yêu vợ mình bằng một tình yêu mạnh mẽ, hi sinh. Ông phải hi sinh chính mình để đáp ứng những nhu cầu của vợ mình. Người chồng phải “phó chính mình”để đáp ứng những nhu cầu thuộc thể, tình cảm và thuộc linh của vợ.
“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra, như trong sự ăn ở với họ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ ...” (I Phierơ 3:7) Người chồng phải chăm sóc và nhạy cảm với những nhu cầu của vợ. Thái độ không quan tâm và thái độ không nhạy cảm của người chống đối với vợ chắc chắn sẽ gây trở ngại cho sự cầu nguyện của mình.
“Hỡi những người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Êphêsô 6:4)
Chúa dạy người cha phải tương giao với con cái mình với tình thương, và không được nóng nảy giận dữ. Biện pháp kỷ luật phải được áp dụng cách nhất quán (lúc nào cũng đồng đều, không được khi thế này khi thế khác) Bổn phận đứng hàng đầu của người cha là nuôi dưỡng và huấn luyện thuộc linh cho gia đình mình. Mặc dù việc cung cấp tài chánh cũng rất quan trọng, nhưng bổn phận này không phải là ưu tiên số một.
Câu hỏi để suy nghĩ:
a. Hỡi người làm chồng, có phải bạn nhận trách nhiệm lãnh đạo gia đình mình trong “gia đình lễ bái”và cầu nguyện không? (cầu nguyện chung trong gia đình và cầu nguyện riêng).
b. Bạn có tạo ra bầu không khí yêu thương để nuôi nấng và huấn luyện thuộc linh cho gia đình không?
c. Bạn có đặt nhu cầu và ước muốn của vợ trên nhu cầu và ước muốn của chính mình không?
d. Bạn có tìm để hiểu biết và đáp ứng nhu cầu tình cảm với vợ không?
e. Bạn có đang cung ứng sự hướng dẫn khôn ngoan về tài chánh và chức vụ quản lý để bảo vệ sự an toàn cho gia đình mình không?
f. Bạn có đang hướng dẫn con cái trong sự tăng trưởng và huấn luyện thuộc linh không?
g. Bạn có áp dụng biện pháp kỷ luật với con cái mình trong tình thương và một cách nhất quán (không được khi thế này, khi thế khác), hay không?
Bạn là người làm chồng, xin bạn đừng thất vọng! Nếu bạn thành thật xưng nhận sự thất bại của mình, Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn ân điển đầy quyền năng để thay đổi.
Mặc dù bạn có thể cảm thấy mình thiếu khả năng, nhưng Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn tiến từng bước nhỏ để cuối cùng bạn có thể làm trọn trách nhiệm thuộc linh của mình. Hỡi người làm chồng, bạn có thể nhìn thấy phép lạ trong gia đình mình!
Lời Đức Chúa Trời đặc biệt phán với người làm vợ:
“Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự... còn vợ thì phải kính chồng.” (Êphêsô 5:24, 33)
Sự thuận phục của người vợ không có nghĩa là để cho người chồng có thể tác oai tác quái, “chồng chủ vợ tôi”. Nhưng vợ chồng là bạn đồng hành bình đẳng trong ân điển của Đấng Christ. Sự thuận phục Kinh Thánh dạy là vui lòng thuận phục trong tình thương mà chúng ta nhận thấy giữa Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài.
Như vậy, một người vợ tin kính Chúa phải biểu lộ vẻ đẹp thuộc linh khiêm nhường, yêu thương và tôn trọng chồng, vì Lời Chúa dạy người vợ phải có một tâm linh ”dịu dàng im lặng”.
“Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc quần áo loè loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong, giấu ở trong lòng tức là sự tinh sạch chẳng hay hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời.” (I Phierơ 3:3 – 4)
Câu hỏi để suy nghĩ:
a. Các bà là người làm vợ, có khi nào các bà đối xử với chồng cách thiếu tôn trọng và thiếu kính phục chồng không?
b. Bà có thường vạch trần ra những lỗi lầm và yếu đuối của chồng không?
c. Bà có kiên nhẫn tha thứ và đối đãi với chồng cách tử tế mặc dù chồng có nhiều khuyết điểm không?
d. Bà có làm ngơ trước những nhu cầu và ước muốn của chồng không?
e. Có phải bà cẩu thả không để ý đến sức khoẻ, diện mạo, cách ăn mặc của chính mình không?
f. Bà có tinh thần chống nghịch chồng không?
g. Bà có cố gắng làm mọi điều bà có thể làm được để điều hợp thái độ của bà cho đúng với mẫu mực Đức Chúa Trời đã ấn định cho bà trong Kinh thánh không?
h. Bà có thái độ tạ ơn Chúa và yêu thương, hay là thái độ than phiền và nóng giận?
Phương cách tuyệt vời nhất để nhìn thấy Đức Chúa Trời thay đổi chồng bà là khi chính bà đặt mình ở dưới mẫu mực Đức Chúa Trời ấn định cho người vợ tin kính Chúa. Hỡi các bà vợ, đừng bỏ cuộc đối với chồng hay đối với chính mình. Đừng cố biện hộ bằng cách nói: “Tôi không có bản tánh dịu dàng im lặng.”Nếu bà chân thành đầu phục mẫu mực của Đức Chúa Trời, bà sẽ nhìn thấy phép lạ xảy ra trong gia đình mình!
Lời Đức Chúa Trời đặc biệt dạy người làm con:
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều ấy là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là Điều Răn thứ nhứt có lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Êphê 6:1- 3)
Luật pháp Cựu Ước công bố hình phạt khắt khe nhất – tức là xử tử người con nào rủa sả, sỉ nhục cha mẹ. Con cái thời nay phải học lại tầm quan trọng vô cùng về sự tôn kính cha mẹ. Xã hội tội lỗi ngày nay đã làm ngược lại nguyên tắc sống còn về sự tôn kính cha mẹ.
Câu hỏi để suy nghĩ:
a. Hỡi những người làm con, bạn có ngỗ nghịch không vâng lời cha mẹ không?
b. Bạn có bỏ qua sự hướng dẫn của cha mẹ không?
c. Bạn có đối xử với cha mẹ cách vô lễ, nóng nảy không?
Thái độ vô lễ đối với cha mẹ là một tội lỗi rất nghiêm trọng trước mặt Đức Chúa Trời. Các bạn trẻ, các bạn không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nếu các bạn cứ tiếp tục vô lễ không tôn kính cha mẹ mình.
Là người lớn, chúng ta cũng cần phải tự hỏi mình: tôi có tôn kính cha mẹ tôi là người đã già cả rồi, hay không?
a.Bạn có làm ngơ, không gọi điện thoại hoặc không thăm viếng cha mẹ đã lớn tuổi hay không?
b. Bạn có bỏ bê Mẹ hay Cha mình không?
c. Bạn có bỏ bê cha mẹ trên phương diện tình cảm hoặc tài chánh không?
d. Bạn có bỏ qua việc giúp đỡ cha mẹ để đáp ứng các nhu cầu nơi họ đang ở không?
e. Có những lời nói hay lối đối xử cộc cằn, thô lỗ giữa bạn với cha mẹ bạn, mà chưa được giải quyết không?
g. Bạn đã tìm cách giải quyết tất cả các điều đó chưa?
Hãy nhớ rằng không một người con đã bạc đãi hay bỏ bê cha mẹ mà có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét