SỐNG TRONG NHỮNG NGÀY SAU RỐT
Tác giả: John Stott với Dale & Sandy Larsen
I và II Tê-sa-lô-ni-ca
10 bài học có dẫn giải cho các cá nhân hoặc tổ nhóm
Bộ bài học Thánh Kinh JOHN STOTT
(2 bài)
(2 bài)
MỤC LỤC
Dẫn nhập I & II Tê-sa-lô-ni-ca
1. ITe 1 Hãy Truyền Lại
2. ITe 2:1-16 Làm Đẹp Lòng Đức Chúa Trời
3. ITe 2:17-3:13 Tận Hiến Đến Hai Lần
4. ITe 4:1-12 Sống Đạo
5. ITe 4:13-18 Hi Vọng Trước Cái Chết
6. ITe 5:1-11 Trông Chờ Chúa Cứu Thế
7. ITe 5:12-28 Cộng Đồng Cơ-Đốc Giáo
8. IITe 1 Đức Tin Năng Động
9. IITe 2 Đứng Vững
10. IITe 3 Lời Bình An
DẪN NHẬP I Và II TÊ-SA-LÔ-NI-CA
Hồi thế kỷ thứ mười tám, Johann Albrecht Bengel đã từng viết về Thư I Tê-sa-lô-ni-ca là “trong thư tín này có một điều gì đó ngọt ngào không pha lẫn” (Gnomon of the New Testament). Mà quả thật là từ nhiều năm gần đây. Tôi đã tìm thấy nhiều điều ngọt ngào trong cả hai thư tín này khi suy nghĩ về ý nghĩa và bức thông điệp của chúng.
Hai thư tín này cho thấy con người thật của Phao-lô. Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng có lúc nào đó, ông là một người không trung thực. Nhưng có đôi khi con người của Phao-lô đã bị chức vụ và uy quyền sứ đồ của ông che mờ, lấn át. Chắc chắn rằng trong các thư gởi cho người Tê-sa-lô-ni-ca, ông vẫn ban truyền mệnh lệnh và đòi hỏi mọi người phải vâng lời. Tuy nhiên, điều ông làm thường hơn, là đã viết như một vị mục sư theo đúng cương vị của mình, như cha mẹ của người Tê-sa-lô-ni-ca, như ông đã tự xưng như thế (ITe 2:7-11). Ông yêu mến họ, tự hiến thân cho họ, lo lắng quan tâm cho sự an vui phúc lợi của họ, dạy dỗ và khuyên răn họ, khẩn khoản họ hãy đứng vững, và thường xuyên đích thân cầu nguyện khẩn thiết cho họ.
Về người Tê-sa-lô-ni-ca.
Lúc Phao-lô và các bạn đồng hành của ông đến Tê-sa-lô-ni-ca năm 49 hoặc 50 SC, nó đã là một thành phố được thiết lập vững càng và có một lịch sử lâu đời rồi. Nó chiếm một vị trí chiến lược, vì tự khoe là có được một hải cảng tự nhiên đẹp đẽ đứng đầu trong vịnh Thermae.
Sách Công vụ các Sứ đồ chương 17 có kể lại Phúc âm đã được truyền đến Tê-sa-lô-ni-ca như thế nào trong chuyến lưu hành truyền giáo thứ hai của Phao-lô. Do bị chống đối, Phao-lô và Si-la đã phải trốn khỏi thành phố ấy. Phao-lô đã viết bức thư thứ nhất của ông cho Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca tại thành phố Cô-rinh-tô.
Trong bức thư này, vị sứ đồ đã trả lời cho số thông tin ông nhận được từ Ti-mô-thê. Ti-mô-thê đã báo tin vui về “đức tin và tình yêu thương” của người Tê-sa-lô-ni-ca (ITe 3:6-8). Mặt khác, ông cũng kể lại rằng Phao-lô đã bị chê trách (2:2-6; 2:17-3:5). Thêm vào đó, người Tê-sa-lô-ni-ca cần được sửa trị và dạy bảo trong các lãnh vực tà dâm vô đạo, phải tự lực mưu sinh, phải chuẩn bị cho sự tái lâm của Chúa Giê-xu, và về các mối căng thẳng giữa bạn bè với nhau.
Dường như chắc chắn là Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê vẫn còn ở tại Cô-rinh-tô khi thư trả lời của người Tê-sa-lô-ni-ca cho bức thư thứ nhất của ông đã được gởi đến đó. Các tin tức họ nhận được thì vui buồn lẫn lộn như điều đã được thấy rõ khi bức thư thứ hai cũng được gởi đi.
Một thông điệp cho chúng ta.
Cũng như tất cả các thư tí khác của Phao-lô, hai thư I và II Tê-sa-lô-ni-ca đều là những tài liệu do đòi hỏi đặc biệt thực tiễn của địa phương khiến ông phải đáp ứng. Đồng thời, chúng cũng hàm chứa một trong số những khúc sách quan trọng nhất của Tân ước kinh về thế mạt luận, tức là vấn đề kết thúc của mọi sự việc. Chương trình bày quan điểm về lịch sử của Cơ-đốc giáo, cho thấy lịch sử đi theo đường thẳng chứ không phải theo vòng tròn hay theo chu kỳ, và rằng lịch sử sẽ đi đến chỗ kết thúc dứt khoát, đến một kết cuộc trọng đại gồm có việc Chúa Cứu Thế sẽ hiện ra (parousia) hay tái lâm, sự sống lại của tất cả mọi người, sự phán xét và Nước Trời. Chúng ta cũng có phần trong kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời trong lịch sử này.
Các gợi ý cho việc học tập nghiên cứu cá nhân.
1. Khi bắt đầu mỗi bài học, nên cầu nguyện xin Đức Chúa Trời sẽ phán dạy bạn thông qua Lời Ngài.
2. Đọc phần dẫn nhập cho bài học và trả lời các câu hỏi tiếp sau đó. Điều này đã được hoạch định nhằm giúp bạn đi dần vào luận đề của bài học.
3. Các bài học được viết theo hình thức quy nạp, với ý định giúp bạn tự khám phá ra những gì Kinh điển phán dạy. Mỗi bài học liên quan với một khúc sách riêng biệt, để bạn có thể thật sự đào sâu vào văn cảnh hầu tìm ý nghĩa mà trước giả muốn truyền đạt. Hãy đọc đi đọc lại khúc sách cần nghiên cứu.
4. Mỗi bài học có ba loại câu hỏi. Các câu hỏi yêu cầu óc quan sát các sự kiện cơ bản: ai, điều gì, khi nào, ở đâu và như thế nào. Các câu hỏi về lý giải đào sâu ý nghĩa của khúc sách. Các câu hỏi ứng dụng (cũng thấy có trong đoạn về “Ứng dụng”) giúp bạn khám phá ra các hàm ý của văn bản để tăng trưởng trong Chúa Cứu Thế. Ba chiếc chìa khoá này sẽ khai mở các kho tàng của Kinh điển.
Xin viết các câu trả lời của bạn cho các câu hỏi của bài học vào khoảng được chừa trống hay vào một quyển sổ riêng. Viết ra thì mọi việc sẽ được rõ ràng hơn, và bạn sẽ hiểu được sâu nhiệm hơn về bản thân và Lời của Đức Chúa Trời.
5. Trong các bài học, bạn sẽ gặp vài câu chú giải nhằm giúp bạn hiểu rõ một số câu rắc rối bằng cách trưng dẫn thêm các câu Thánh kinh và các bối cảnh văn hoá khác, cũng như các thông tin liên quan đến văn cảnh. Các chú giải trong các bài học không nhằm trả lời các câu hỏi thay cho bạn. Chúng chỉ giúp bạn trên bước đường học tập để làm việc xong với các câu hỏi và các phần chú giải trong tập sách hướng dẫn này rồi, có lẽ bạn sẽ cần đọc thêm bộ sách chú giải có nhan đề là Lời truyền dạy của Thánh Kinh cho Hôm nay (Bible Speaks Today) của John Stott kèm theo đây. Sách này sẽ cung cấp thêm cho bạn nhiều thông tin về văn bản.
6. Chuyển sang đoạn “Ứng dụng”. Các câu hỏi này sẽ giúp bạn nối kết các luận đề then chốt của Thánh Kinh với đời sống riêng của bạn. Cần thực hành phần ứng dụng là một trong những bí quyết để tăng trường trong Chúa Cứu Thế.
7. Sử dụng các hướng dẫn trong đoạn “Cầu nguyện” để hướng tầm nhìn của bạn tập trung vào Đức Chúa Trời, cảm tạ Ngài về những gì bạn đã học hỏi được và cầu nguyện cho việc sẽ ứng dụng điều đã nảy sinh trong tâm trí bạn.
Những gợi ý dành cho các thành viên của một tổ học tập.
1. Nên chuẩn bị sẵn sàng trước khi đến lớp học. Noi theo các gợi ý cho phần học tập nghiên cứu cá nhân trên đây. Bạn sẽ nhận thấy là đã chuẩn bị cẩn thận sẽ khiến thì giờ bạn dành cho phần thảo luận trong tổ sẽ vô cùng phong phú.
2. Cần sẵn sàng tham gia phần thảo luận. Tổ trưởng của bạn sẽ không thuyết giảng đâu. Thay vào đó, người ấy sẽ chỉ khuyến khích các tổ viên thảo luận những gì họ đã học hỏi được. Người tổ trưởng sẽ đưa ra các câu hỏi đã có trong tập sách hướng dẫn này.
3. Bám sát đề mục đang được thảo luận. Các câu trả lời của bạn phải có cơ sở là các câu Thánh Kinh mà chúng ta tập trung chú ý để thảo luận, chứ không phải là vào các thẩm quyền ở bê ngoài, như các sách chú giải hay các diễn giả nào khác. Các bài học này đều chú trọng vào một khúc Kinh điển cá biệt. Điều này cho phép mọi người tham gia thật bình đẳng để nghiên cứu theo chiều sâu.
4. Cần mẫn cảm đối với các tổ viên khác. Hãy chăm chú lắng nghe khi họ mô tả những gì họ đã học hỏi được. Có thể bạn sẽ phải kinh ngạc về những cách nhìn sáng suốt của họ đấy! Mỗi câu hỏi sẽ không có câu trả lời “đúng”, nhất là các câu hỏi nhằm vào ý nghĩa hay việc ứng dụng. Thay vào đó các câu hỏi thúc đẩy chúng ta phải khảo sát, khám phá khúc sách thật kỹ càng, cặn kẽ hơn.
Khi có thể được, cần nối kết những gì bạn nói với lời bình giải của những người khác. Cũng phải khẳng định khi nào bạn có thể làm như thế. Điều này sẽ khích lệ được một số các tổ viên còn phân vân ngần ngại cùng tham gia.
5. Phải cẩn thận đừng tạo thế áp đảo trong phần thảo luận. Có khi chúng ta quá nhiệt thành trong việc diễn tả các ý tưởng của mình đến độ chỉ dành quá ít cơ hội cho người khác đáp ứng. Cần tham gia bằng mọi cách! Nhưng cũng phải để cho nhiều người khác tham gia nữa.
6. Trông mong Đức Chúa Trời sẽ phán dạy bạn qua khúc sách đã được thảo luận và qua nhiều tổ viên khác nữa. Cầu nguyện xin các bạn sẽ được một thì giờ vui vẻ và được lợi ích cùng với nhau, nhưng cũng nên cầu xin cho kết quả của việc học tập sẽ giúp bạn tìm được các cách thức để tự mình hành động hoặc hành động với tư cách một tập thể.
7. Các tổ sẽ được lợi ích nếu tuân theo một số ít các hướng dẫn cơ bản sau đây. Các hướng dẫn mà bạn có thể trông mong sẽ áp dụng được cho hoàn cảnh của mình này, cần phải được đọc to lên khi bắt đầu buổi học thứ nhất.
- Mọi điều được phát biểu trong tổ phải được xem là tối mật và sẽ không được đem ra thảo luận ngoài tổ, trừ phi khi được phép đặc biệt.
- Chúng ta sẽ dành thì giờ cho tất cả mọi người hiện diện phát biểu ý kiến nếu người ấy cảm thấy có thể thoải mái làm như thế.
- Chúng ta sẽ nói về chính mình và hoàn cảnh của riêng mình, tránh nói về người khác.
- Chúng ta sẽ chăm chú lắng nghe lẫn nhau
- Chúng ta sẽ hết sức thận trọng khi đưa ra lời khuyên
8. Nếu bạn là tổ trưởng, bạn sẽ tìm thấy nhiều gợi ý phụ trội ở phần cuối tên sách hướng dẫn này.
HÃY TRUYỀN LẠI (ITe 1)
Trở lại, thờ phượng, chờ đợi. Đó là những điều thiết yếu của việc ăn năn quy đạo của Cơ-đốc nhân, chúng ta đã xây bỏ nhiều thứ thần tượng trong đời sống chúng ta với quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ. Chúng ta thờ phượng, phục vụ Đức Chúa Trời bằng các ân tứ Ngài đã ban cho, từng trải được sự tự do cho hiện tại. Và chúng ta chờ đợi Chúa Cứu Thế, trông mong vào tương lai và nhiều kỳ vọng. Nếu không có sự trở lại, thờ phượng và chờ đợi này, một người sẽ rất khó có thể nói rằng mình đã ăn năn quy đạo.
Tin tức từ thành phố Tê-sa-lô-ni-ca đã được loan truyền đi thật xa và rộng khắp, ấy là thiên hạ đã xây bỏ các thần tượng để thờ phượng phục vụ Đức Chúa Trời chân thật và chờ đợi sự tái lâm của Chúa Cứu Thế. Đức Chúa Trời muốn cho tất cả các Hội thánh đều giống như một tấm bảng thông báo về lẽ đạo thuần chánh, đầy dẫy các dấu hiệu nhấp nháy về Phúc âm, hay như một vệ tinh truyền tin, trước hết là nhận rồi sau đó là truyền đi các bức thông điệp. Thật vậy, đây chính là kế hoạch đơn giản nhất của Đức Chúa Trời để truyền bá Phúc âm cho cả thế giới.
Mở đầu
Đâu là các cách thức, phương pháp (ít nhất là những đường lối bạn biết) mà Đức Chúa Trời đã dùng để đưa bạn đến với Phúc âm (đạo Tin Lành)?
Nghiên cứu
Trong chương thứ nhất, Phao-lô đề cập cả Hội thánh lẫn Phúc âm. Ông bắt đầu mô tả Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Phúc âm đã được đặt vào trong đó (cc.1-4), rồi tiếp tục mô tả Phúc âm của Đức Chúa Trời mà Hội thánh đã tiếp nhận rồi truyền bá (cc.5-10). Như thế, Phúc âm đã tạo ra Hội thánh, là Hội thánh truyền bá Phúc âm, để tạo ra thêm nhiều Hội thánh khác nữa, và đến lượt chúng, lại truyền bá Phúc âm để đưa Phúc âm càng đi xa hơn. Xin đọc ITe 1:1-5.
Phao-lô khẳng định rằng chính ông, Si-la và Ti-mô-thê, biết rằng các anh chị em tại Tê-sa-lô-ni-ca đều đã được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Giáo lý về sự tuyển chọn không hề khiến cho việc truyền bá Phúc âm trở thành không cần thiết, mà trái lại còn khiến nó trở thành hữu ích. Vì chỉ nhờ việc truyền giảng và tiếp nhận Phúc âm mà chủ đích bí mật của Đức Chúa Trời mới được tiết lộ cho mọi người đều biết. Sau khi khen ngợi đức tin, hi vọng và tình yêu của Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, đều hết sức tự nhiên là Phao-lô tiếp tục chuyển tâm trí của ông từ Hội thánh của Đức Chúa Trời sang Phúc âm của Ngài; ông không thể nào suy nghĩ về cái này mà không có cái kia. Chính nhờ Phúc âm được truyền bá. Cái này lệ thuộc cái kia. Cái này phục vụ cho cái kia và ngược lại.
1. Phao-lô biểu lộ sự trìu mến và ý tốt của ông đối với các Cơ-đốc nhân người Tê-sa-lô-ni-ca như thế nào?
2. Phao-lô tìm thấy các bằng cớ hiển nhiên nào chứng minh rằng người Tê-sa-lô-ni-ca đã đáp ứng lại với Phúc âm (c.3)?
3. Mỗi một chứng cứ như thế là một phản ảnh của cá tính của Chúa Cứu Thế như thế nào?
4. Lúc Phao-lô và các bạn đồng hành của ông truyền giảng Phúc âm cho người Tê-sa-lô-ni-ca, bức thông điệp của các vị còn được bổ sung và xác nhận như thế nào?
5. Trong việc truyền giảng và làm chứng đạo, bạn thường thấy các yếu tố nào của câu 5?
Bạn quan sát thấy có yếu tố nào bị thiếu mất?
Tóm tắt: Phúc âm đã không thể tự nó đến Tê-sa-lô-ni-ca. Nó không được thả dù từ trên trời xuống. Việc thiết lập Hội thánh là kết quả trực tiếp của công tác truyền bá Phúc âm. Phúc âm đã không đến chỉ bằng lời lẽ, chủ nghĩa mà thôi, nhưng nó đã đến là nhờ lời lẽ, chủ nghĩa. Lời lẽ, chữ nghĩa rất quan trọng. Phúc âm có một nội dung đặc thù. Trong toàn thể công tác truyền bá Phúc âm của chúng ta, dù là truyền giảng công khai hay cá nhân chứng đạo, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề chọn lời, chọn chữ. Nhưng vì lời nói, chữ nghĩa có thể bị hiểu lầm hay khinh dể bỏ qua, dù sao thì chúng cũng cần được củng cố bằng “quyền năng” (kết quả khách quan của việc truyền giảng) và lòng “tin quyết” (tâm trạng chủ quan của người truyền đạo) nữa. Chân lý của Lời Đức Chúa Trời, niềm tin quyết bởi đó chúng ta truyền giảng Lời ấy ra, và quyền năng mà nó thâm nhập vào lòng người khác, đều từ Đức Thánh Linh mà đến. Thánh Linh không có Lời Đức Chúa Trời là vũ khí không được sử dụng; Lời Đức Chúa Trời không có Đức Thánh Linh thì vô quyền.
6. Đọc ITe 1:6-10. Khi người Tê-sa-lô-ni-ca tiếp nhận Phúc âm, thì nét tương phản giữa tình trạng bên trong và bên ngoài của họ là gì?
7. Vì những nét đặc trưng nào của đời sống họ, mà các Cơ-đốc nhân người Tê-sa-lô-ni-ca đã được tiếng tốt thật phải lẽ?
8. Người Tê-sa-lô-ni-ca đã bắt chước Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê cũng như đã bắt chước Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đến lượt họ, họ lại trở thành gương mẫu để nhiều người khác bắt chước. Trong sinh hoạt thuộc linh của mình, đâu là các gương mẫu giống như Chúa Cứu Thế mà bạn đã được linh cảm là phải bắt chước?
9. Từ ngữ Hi-văn “vang ra” trong câu 8 không thấy có ở chỗ nào khác trong Tân ước kinh. Nó ra từ ngữ căn ẽchos, có nghĩa là một tiếng vang hay tiếng động. Trong bản dịch Cựu ước kinh ra Hi văn nó được dùng để chỉ những cái chuông, những cây đàn có rất nhiều dây, những kèn đồng và nhiều nhạc khí gây tiếng động lớn khác nữa. Cách ví von này thật thích hợp với việc truyền bá Phúc âm của Chúa Cứu Thế như thế nào?
10. Sau khi người Tê-sa-lô-ni-ca xây bỏ thần tượng để quay về với Chúa Cứu Thế, họ đã hiến thân thờ phượng phục vụ Đức Chúa Trời và chờ đợi Con Ngài tái lâm. Việc trở lại, thờ phượng và chờ đợi có liên hệ với nhau như thế nào?
Tóm tắt: Trong khi chúng ta phải tự trang bị cho mình bằng mọi phương tiện truyền thông hiện đại sẵn có để phục vụ cho Phúc âm, hãy còn một phương pháp khác nữa rất kiến hiệu để truyền bá Phúc âm thật đơn giản, hồn nhiên tự phát, khỏi tốn tiền. Chúng ta có thể gọi đó là “việc trò chuyện thánh khiết”. Đó là cách truyền đạt Phúc âm bằng miệng, để nó thấm dầu vào lòng người ta: “Bạn có biết ông A, bà B nào đó, nhờ tin Đức Chúa Trời mà đã được thay đổi hoàn toàn hay không?” Qua những cuộc trò chuyện như thế, chúng ta phát giác được rằng việc ăn năn quy đạo không những chỉ được đề cập bằng các từ ngữ tiêu cực như từ bỏ lối sống cũ, mà còn bằng các từ ngữ tích cực như bắt đầy một cuộc đời phục vụ Chúa một cách mới mẻ nữa.
Ứng dụng
Thông qua người Tê-sa-lô-ni-ca, “đạo Chúa vàng ra” trong xứ Ma-xê-đoan, xứ A-chai và xa hơn nữa. Đâu là phạm vi ảnh hưởng của bạn, trong đó đạo Chúa được mọi người biết nhờ lời nói và sự hiện diện của bạn?
Người Tê-sa-lô-ni-ca đã xây bỏ thần tượng, thờ phượng Đức Chúa Trời và chờ đợi Chúa Cứu Thế tái lâm. Trong các lãnh vực ấy, bạn thấy mình gần nhất với lãnh vực của Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca?
Trong số ba lãnh vực ấy, bạn thấy mình vượt xa hơn cả Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca trong lãnh vực nào?
Cầu nguyện
Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban ân điển cho đời sống bạn. Hãy cầu nguyện xin cho thái độ của người Tê-sa-lô-ni-ca cũng sẽ là thái độ của bạn. Còn tiếp
Tiếp theo>>>
Tiếp theo>>>
0 nhận xét:
Đăng nhận xét